Năm 2024, ngành sản xuất hóa chất và vật liệu tiên tiến trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục trải qua những thách thức đã kéo dài xuyên suốt năm 2023, đó là những vấn đề như tăng trưởng kinh tế không ổn định, khủng hoảng khí hậu, các mâu thuẫn địa chính trị. Các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đang gửi đi những cảnh báo về sự suy yếu thêm của kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Những điều kiện khí hậu cực đoan đang gây ra nhiều tác động sâu rộng trên khắp thế giới, chúng ảnh hưởng đến cung ứng năng lượng và hoạt động hậu cần của chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cũng kéo theo yêu cầu lớn hơn đối với việc tìm kiếm những giải pháp phát triển bền vững. Các mâu thuẫn địa chính trị tiếp tục mang đến những thách thức đặc biệt đối với những thị trường hóa chất lớn trên thế giới.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm của năm 2024, những thách thức hàng đầu đối với công nghiệp hóa chất thế giới sẽ là tăng cường quản lý phát thải, chuyển đổi danh mục các hoạt động sản xuất kinh doanh và củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dưới đây là dự báo những xu hướng chính sẽ làm thay đổi công nghiệp hóa chất toàn cầu trong năm 2024, theo quan điểm của các chuyên gia Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ:
1. Kinh tế tăng trưởng chậm
Trước những hạn chế của hoạt động thương mại toàn cầu do sự phân mảnh kinh tế trên thế giới và những vấn đề cơ cấu như tỷ lệ sinh sản thấp và già hóa dân số, mới đây OECD đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 xuống 2,7%, giảm 0,2% so với dự báo trước đó. Khi sự suy yếu kinh tế tiếp tục diễn ra trong năm 2024, các công ty trong ngành hóa chất sẽ cần những chiến lược bền vững để có thể thích ứng với chu kỳ tăng trưởng chậm kéo dài.
Đáp lại những tác động của tăng trưởng kinh tế chậm, chính phủ Trung Quốc đã công bố sự dịch chuyển về hướng những mục tiêu tăng trưởng với động lực là thị trường nội địa. Theo xu hướng đó, tỷ lệ tự chủ về etylen trong công nghiệp hóa chất Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, dự kiến đến năm 2025 thị trường Trung Quốc sẽ đạt đến tình trạng tự chủ hoàn toàn nhờ sự ra đời của các tổ hợp hóa dầu mới.
Để đối phó với tình hình mới, các công ty hóa chất ở các nước khác đang nhanh chóng chuyển đổi những chiến lược phát triển của riêng mình, ví dụ loại bỏ dần các lĩnh vực hoạt động đã đạt đến giới hạn và chuyển đổi sang các hoạt động mới với tính rủi ro cao hơn như vật liệu pin và chất dẻo thân thiện môi trường.
Trong bối cảnh những bất ổn và thách thức hiện nay, việc chuyển đổi nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh là yếu tố quan trọng thiết yếu để các công ty tiếp tục tồn tại và phát triển.
2. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Tiếp theo sau kỷ nguyên “ấm lên toàn cầu”, theo công bố của Liên hợp quốc từ mùa hè 2023 Trái Đất đã bước vào kỷ nguyên “nung nóng toàn cầu”. Cảnh báo này được đưa ra vào tháng 6/2023, khi nhiệt độ trung bình của thế giới đạt đến mức cao nhất đã ghi nhận được kể từ khi con người bắt đầu theo dõi nhiệt độ trên Trái Đất. Trong bối cảnh các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường ở nhiều quốc gia khác nhau nhằm góp phần giảm nhẹ cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, việc đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sẽ trở thành yếu tố ngày càng quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế và hoạt động của các công ty.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), với tốc độ tăng nhiệt độ như hiện nay, trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến năm 2052 nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt ngưỡng 1,5oC trên mức “nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp” - như đã được xác định trong Thỏa thuận Pari về khí hậu năm 2015. Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ môi trường để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Năm 2022, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã thông qua nghị quyết về hạn chế sản xuất và thải bỏ chất dẻo, đồng thời các nước EU đã có kế hoạch thực hiện Quy định về sản xuất pin bền vững từ năm 2027 nhằm tăng cường tỷ lệ tái chế vật liệu pin.
Những thay đổi như vậy ở các quy định pháp lý có thể hỗ trợ việc tăng cường chuyển đổi sang các hoạt động thân thiện môi trường trong ngành sản xuất hóa chất cũng như vật liệu tiên tiến. Theo Báo cáo về tái chế chất dẻo, thị trường tái chế chất dẻo toàn cầu năm 2022 đạt tổng giá trị khoảng 45,4 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 7,4%/năm, đạt 59,6 tỉ USD vào năm 2026. Năm 2024 hoạt động tái chế chất dẻo có thể sẽ trở thành tâm điểm chú ý trong các chương trình nghị sự toàn cầu, đặc biệt là tái chế thu hồi các thành phần nguyên liệu gốc.
Như vậy, cuộc khủng hoảng khí hậu có thể tạo ra những cơ hội mới cho các công ty bằng cách đẩy mạnh các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững. Năm 2024 sẽ là năm của phép thử đối với những kỳ vọng và năng lực triển khai các nguồn lực để nắm bắt những cơ hội đó.
3. Những chuyển biến địa chính trị và chiến lược giảm phát thải đối với công nghiệp hóa chất
Khi những mâu thuẫn về bảo hộ thị trường và những căng thẳng địa chính trị đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động của các chuỗi cung ứng trên thế giới, việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và đa dạng hóa các nguồn cung đã trở thành những chiến lược thiết yếu để tồn tại. Với mục đích bảo vệ thị trường trong nước, nhiều quốc gia đang mở rộng phạm vi các quy định thương mại cùng với những tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ và các cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2024 và trở thành chủ đề bao trùm đối với toàn bộ chuỗi cung ứng trên thế giới. Đáp lại, các công ty cần có những tầm nhìn chiến lược đối với hoạt động khai thác nguồn cung ứng, hợp tác và tạo động lực để hình thành môi trường chính sách ổn định.
Bên cạnh đó, các chính phủ trên khắp thế giới đã nhận thức vai trò quan trọng của những chính sách công nghiệp kiên định nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng cacbon bằng 0. Một điều rõ ràng là ngoài việc giảm phát thải cacbon của hệ thống năng lượng và hỗ trợ việc tiếp cận các nguồn tái tạo thì việc đạt được mục tiêu quay vòng nguyên liệu gốc và các thành phần ban đầu như thép, nhôm, hóa chất sẽ là yêu cầu bắt buộc.
Tại châu âu, Ủy ban châu âu và Hội đồng châu âu dự kiến sẽ ưu tiên cho các chính sách công nghiệp và vai trò quan trọng của công nghiệp hóa chất trong việc thực hiện Thỏa thuận xanh châu âu. Một “Đạo luật công nghiệp hóa chất EU” có thể sẽ được đưa ra để hỗ trợ đầu tư tại châu âu, cùng với Khung pháp lý chuyển đổi và Đạo luật giảm lạm phát. Trong khi đó, Đạo luật giảm lạm phát tại Mỹ đang đóng vai trò quan trọng trong xu hướng tăng cường đầu tư vào các công nghệ với phát thải cacbon thấp, các giải pháp tuần hoàn, các giải pháp thu giữ, sử dụng và lưu trữ cacbon trong các lĩnh vực hóa chất và các ngành công nghiệp khác. Nhưng một câu hỏi đang được đặt ra là, liệu tình hình có thay đổi sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2024 hay không?