Trên thị trường chứng khoán, đằng sau mỗi con sóng cổ phiếu đều ít nhiều có bóng dáng của các dòng tiền cá mập, dòng tiền “tay to”; trong nhiều trường hợp, dòng tiền của nhóm đầu tư này được gọi là đội lái.
Phân loại đội lái
- Đội lái thông thường: Thường là một số nhà đầu tư “tay to” kết hợp với bộ phận của một số công ty chứng khoán tầm trung.
Ở trường hợp này, đội lái thường có “tay trong” tại các công ty niêm yết và có được thông tin nội bộ trước nhà đầu tư (ví dụ sắp tăng mức cổ tức bằng tiền, doanh nghiệp thắng kiện, kết quả kinh doanh dự kiến tăng đột biến,…). Những thông tin này sẽ được sử dụng để làm giá cổ phiếu.
- Đội lái “nhà cái”: Ban lãnh đạo công ty kết hợp với một số đội lái thông thường hay một vài công ty công ty chứng khoán để làm giá chính cổ phiếu doanh nghiệp nhà nhằm trục lợi (có thể kể đến các trường hợp tiêu biểu của Đỗ Thành Nhân tại nhóm cổ phiếu Louis, Trịnh Văn Quyết tại nhóm cổ phiếu FLC hay Nguyễn Đỗ Lăng tại nhóm cổ phiếu APEC Group).
Mục đích ban lãnh đạo đăng ký mua vào khối lượng lớn ở vùng đỉnh
Với cổ phiếu được làm giá bởi chính ban lãnh đạo, nhà đầu tư thường ghi nhận những thông tin đăng ký mua vào của lãnh đạo công ty sau khi giá cổ phiếu đã đạt đỉnh. Có thể việc mua vào không hoàn thành với lý do giá không như kỳ vọng nhưng cũng có trường hợp lãnh đạo vẫn mua đủ lượng như đăng ký. Việc đăng ký mua vào đa số là trong khoảng thời gian cổ phiếu đang phân phối đỉnh.
Các giai đoạn trong một chu kỳ lái
-
Kéo giảm giá cổ phiếu: Một số thông tin bất lợi hay tận dụng xu hướng thị trường chung để bán ra nhằm kéo cổ phiếu giảm xuống mức hợp lý. Nói nôm na, mục đích này nhằm “rung cây dọa khỉ” hay “rũ hàng” khiến những nhà đầu tư khác đang nắm giữ run sợ và bán ra cổ phiếu.
-
Gom hàng giá rẻ: Khi giá cổ phiếu về hợp lý, đội lái túc tắc gom mua cho đến khi đủ lượng cổ phiếu cần thiết.
-
Đánh lên: Đội lái sử dựng một số thông tin tốt hỗ trợ để đẩy giá cổ phiếu tăng trở lại. Ở giai đoạn này, ban đầu nhà tạo lập sẽ tạo ra các phiên thanh khoản tăng dần với mức giá tăng chậm để lôi cuốn sự quan tâm của nhà đầu tư trước khi đánh lên gấp gáp sau khi cá đã cắn câu (để không tốn nhiều lực).
-
Phân phối cổ phiếu ở mức giá đỉnh: Giai đoạn này đội lái sẽ bán dần ra lượng cổ phiếu đã mua vào ở mức giá đáy để hiện thực hóa lợi nhuận. Giai đoạn này thường kéo dài hơn nhiều lần giai đoạn tăng giá và sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ được công bố. Sẽ xuất hiện nhiều phiên tăng giảm xen kẽ, tăng trần giảm sàn với khối lượng giao dịch rất lớn và đội lái sẽ sử dụng phương pháp kéo xả, kê lệnh, phân phối giá sàn,… để bán ra lượng lớn cổ phiếu đã mua vào.
Việc phân phối đỉnh giúp cạm bẫy tăng giá ảo (bulltrap) của đội lái không bị nhà đầu tư phát giác qua đó vẫn giữ được mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với mã cổ phiếu.
- Lái rút chân - nhà đầu tư mắc kẹt: Sau khi đội lái bán hết lượng cổ phiếu tại mức giá đỉnh, các thông tin hỗ trợ sẽ tắt, các lệnh kê, đỡ giá cũng không còn; cổ phiếu chính thức xuống dốc không phanh. Trong một số trường hợp, cổ phiếu bị bán sàn và tắt thanh khoản. Nhà đầu tư nhỏ lẻ trong tình thế này có xu hướng bán bằng mọi giá. Trong một số trường hợp, đội lái hoặc một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực nào đó xuất hiện và gom lại toàn bộ lượng “hàng giá rẻ” đang chờ khớp lệnh.