Bản tin chứng khoán ngày 22.9.2021

, , , ,

BẢN TIN TÀI CHÍNH CHỨNG KHOÁN

TRƯỚC GIỜ GIAO DỊCH SÁNG NGÀY 22/ 9 /2021

  • 1. THÔNG TIN VĨ MÔ THẾ GIỚI
    • S&P: Evergrande có thể vỡ nợ nếu không có hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc
  • Rắc rối từ tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới có thể tác động tới niềm tin của nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu lợi suất cao của Trung Quốc, theo báo cáo của S&P công bố vào ngày 20/09.
  • “Chúng tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ muốn can thiệp nếu như sự lan truyền rủi ro khiến nhiều tập đoàn phát triển bất động sản lớn vỡ nợ và gây rủi ro cho cả nền kinh tế”, S&P cho biết. “Tuy nhiên, nếu chỉ có Evergrande vỡ nợ thì kịch bản đó khó xảy ra”.
  • Nỗi lo từ Evergrande đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên toàn cầu. Giới chuyên gia hiện đang tranh cãi về chuyện Chính phủ Trung Quốc có ra tay cứu Evergrande hoặc các tập đoàn khác hay không. Trước đó, các quan chức Trung Quốc phải mất nhiều tháng để lên kế hoạch giải cứu China Huarong Asset Management – một trong những công ty quản lý nợ xấu lớn của Trung Quốc.
  • Trước đó, cơ quan chức trách Trung Quốc nói với các chủ nợ lớn của Evergrande rằng đừng mong chờ Evergrande sẽ thanh toán lãi vay ngân hàng đến hạn trong tuần này. Ngoài ra, tập đoàn bất động sản này còn phải đối mặt với hạn chót thanh toán lãi vay trái phiếu.
  • 2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
    • Xuất xứ hàng hoá - rào cản lớn đối với thuỷ sản xuất vào EU theo EVFTA
  • Thuế suất thuế nhập khẩu đối với thuỷ sản vào thị trường EU - thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm - hiện tương đối cao, ở mức 5%-20% đối với thuỷ sản thô, sơ chế 5,5%-26% đối với thuỷ sản chế biến.
  • Trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngoại trừ cá ngừ đóng hộp và chả cá surimi EU áp dụng hạn ngạch thuế quan (lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn), các mặt hàng thuỷ sản còn lại được EU cam kết xoá bỏ thuế quan với lộ trình dài nhất là 7 năm. Như vậy, cơ hội để ngành thuỷ sản Việt Nam mở rộng thị trường tại EU thông qua việc tận dụng ưu đãi từ EVFTA là rất lớn.
  • Để được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, thuỷ sản của Việt Nam phải đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định này và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
  • EVFTA yêu cầu sản phẩm thủy sản phải có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam hoặc sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy được nhập khẩu từ EU. Điều này có nghĩa là nguyên liệu thủy sản dùng cho thủy sản sơ chế hoặc chế biến phải được nuôi dưỡng, thu hoạch hoặc đánh bắt tại Việt Nam hoặc nhập khẩu có xuất xứ từ EU. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cho thủy sản chế biến hiện nay của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là tôm. EU lại không phải là thị trường nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho sản xuất xuất khẩu trong nước. Do vậy, năng lực sản xuất, kinh doanh, nguồn hàng nguyên liệu cho sản xuất của ngành thủy sản Việt Nam trong ngắn hạn chưa thể đáp ứng hoàn toàn tiêu chí xuất xứ thuần túy của EVFTA.
  • Với cam kết giảm thuế về 0% cho các mặt hàng thủy sản (trong đó có tôm) của EU dành cho Việt Nam trong EVFTA, thủy sản xuất khẩu nói chung và tôm xuất khẩu nói riêng của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế quan, có thể điều chỉnh giá cạnh tranh hơn trong thời gian sắp tới. Một số chuyên gia nông nghiệp lưu ý, việc mở rộng và duy trì nguồn cung nguyên liệu trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của Covid-19, là yếu tố then chốt để ngành thủy sản của Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường EU nhờ “cú huých” từ EVFTA.
  • • Tiêu thụ thép kỳ vọng phục hồi trong quý IV
  • Sau 2 quý đầu năm “lên hương” nhờ nhu cầu thị trường và giá thép tăng đột biến, tiêu thụ thép xây dựng tháng 8/2021 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây khiến doanh nghiệp (DN) thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn.
  • Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 8 đạt 713.964 tấn, giảm 2,06% so với tháng 7/2021 và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 559.482 tấn, giảm mạnh 29,31% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2020.
  • Đại diện VSA cho biết, tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh do hoạt động xây dựng bị đình trệ, giãn tiến độ hoặc dừng lại để thực hiện giãn cách xã hội, nhất là ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh phía Nam. Cùng với đó, cước phí vận tải biển tăng cao, hoạt động logistics tắc nghẽn, việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ” của DN phát sinh nhiều chi phí, thời điểm tháng 8 trùng với tháng 7 âm lịch, thời tiết bước vào mùa mưa không thuận lợi cho hoạt động xây dựng… khiến sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm của các thành viên VSA đều giảm.
  • Trái ngược với tình hình tiêu thụ ảm đạm của thị trường trong nước, theo VSA, hoạt động xuất khẩu của các thành viên VSA rất sôi động. Tính riêng tháng 8/2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, tăng 31% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020; trị giá xuất khẩu đạt hơn 1,48 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, sản xuất các sản phẩm thép xây dựng tăng 7% và tiêu thụ tương đương cùng kỳ năm 2020.
  • Đề cập về triển vọng thị trường trong nước những tháng cuối năm 2021, VSA nhận định, việc tiêu thụ thép xây dựng trong nước phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19. Cùng với đó, Chính phủ đang thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy đầu tư công kỳ vọng giúp hoạt động xây dựng dần sôi động trở lại. VSA nhận định, tiêu thụ thép xây dựng có thể phục hồi trong quý IV.
  • 3. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
  • Thị trường mở cửa giảm khá mạnh sau diễn biến tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới và khu vực. Sắc đỏ tiếp tục bao trùm các nhóm ngành trong suốt phiên sáng, trong đó có thời điểm chỉ số bị bán mạnh vỡ vùng hỗ trợ 1,330-1,340 điểm. Tuy nhiên lực cầu đã xuất hiện trong phiên buổi chiều khiến đà giảm trên thị trường được thu hẹp đáng kể. Kết phiên, VN-Index giảm 10.64 điểm, xuống còn 1,339.84 điểm.
  • Trong đó, VCB cùng bộ đôi VIC và VHM là ba mã cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất khi ba mã này lấy đi gần 5 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, DGC, VIB và BVH là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất.
  • Bên cạnh áp lực bán trong nước, khối ngoại cũng tác động tiêu cực lên thị trường khi quay trở lại trạng thái bán ròng khá mạnh, đạt gần 443 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND hôm nay chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại bán ròng với giá trị 162 tỷ đồng, tiếp theo là HPG (97 tỷ đồng), VIC (93 tỷ đồng). Ngược lại, VHM được khối ngoại mua ròng mạnh với 86 tỷ đồng. Ngoài ra, danh sách mua ròng còn có VNM (74 tỷ đồng), HSG (36 tỷ đồng), KBC (35 tỷ đồng).
  • Thị trường phiên hôm nay không có tín hiệu dẫn dắt rõ ràng nào ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Thậm chí áp lực giảm mạnh lại đến từ từ chính các cổ phiếu trụ như VIC, VHM, trong khi nhóm ngân hàng hồi phục khá yếu. Mặc dù phiên chiều có một nhịp hồi nhưng động lực phục hồi lại không thực sự thuyết phục. Bởi lẽ nhịp hồi phục phiên chiều tiền vào rất dè dặt, thậm chí giá trị giao dịch của VN30 đạt chỉ hơn 2,500 tỷ đồng.
  • Phiên sụt giảm hôm nay mang tính đặc thù, chưa đủ để phát tín hiệu rõ về xu hướng ngắn hạn. Vùng hỗ trợ 1,330-1,340 điểm vẫn phát huy giá trị trong phiên hôm nay, do đó ngày mai khả năng cao thị trường sẽ phục hồi về lại vùng 1,350 điểm.
  • 4. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
    • Masan Group mua 70% vốn Mobicast, lấn sân lĩnh vực viễn thông
  • The Sherpa – một thành viên của Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN) thông báo đã hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty cổ phần Mobicast (Mobicast) với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông.
  • Mobicast là công ty start-up trong lĩnh vực mạng di động ảo (MVNO) thành lập vào năm 2016, sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông. Các MVNO như Reddi cung cấp dịch vụ di động nhưng không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông. Do đó, MVNO hợp tác với các nhà khai thác mạng di động truyền thống (MNO) để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn dựa trên phổ tần sóng điện từ cùng với cơ sở hạ tầng mạng di động của MNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng.
  • Đây là một mô hình hợp tác win – win: các MNO được hưởng lợi nhờ công suất sử dụng mạng gia tăng, trong khi đó các MVNO có mô hình kinh doanh tinh gọn nhờ tận dụng hạ tầng mạng truyền dẫn và thu phát sóng đã có sẵn. Trên thế giới, MVNO là mô hình kinh doanh viễn thông rất phổ biến.
  • Masan Group hiện sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan Group cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” và mang đến trải nghiệm tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt. “Point of Life” là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số. Đây là những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt.
  • Về phía nhà mạng MVNO, Reddi sẽ được tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan Group thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. Đây là lợi thế giúp Reddi tiết giảm đáng kể chi phí thu hút khách hàng và cho phép công ty dùng khoản tiết kiệm này để tái đầu tư vào phát triển các giải pháp tiêu dùng số độc đáo và nền tảng trải nghiệm khách hàng cho người tiêu dùng Việt Nam, trong đó 44% thuê bao di động vẫn chủ yếu dùng dịch vụ thoại và SMS.
  • • NT2 chốt quyền trả cổ tức đợt cuối 2020 tỷ lệ 10%
  • Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) thông báo ngày 30/9 đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông trả cổ tức còn lại năm 2020 bằng tiền, tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Thời gian thanh toán là 28/10, tổng số tiền khoảng 288 tỷ đồng.
  • Năm 2020, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhà máy thực hiện trùng tu mở rộng định kỳ, NT2 ghi nhận doanh thu giảm 21% xuống 6.082 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 17% xuống 625 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp thống nhất chia cổ tức 2020 tỷ lệ 20% mệnh giá (đã tạm ứng 10%), thấp hơn mức chia năm 2019 là 25%.
  • Đến nửa đầu năm nay, hoạt động kinh doanh của đơn vị tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhu cầu phụ tải thấp trong khi giá khí tăng cao. Do vậy, doanh thu đạt 3.265 tỷ đồng, giảm 9,4%; lãi sau thuế 139 tỷ đồng, giảm 68%.