Bất động sản Quảng Nam: Nhiều chủ đầu tư “ôm đất” rồi bỏ hoang

Tại Quảng Nam, nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tuy nhiên doanh nghiệp sau khi “ôm đất” lại không triển khai ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.

Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị R.O.S.E. Đô tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do Công ty TNHH R.O.S.E. Đô làm chủ đầu tư. Dự án này được thống nhất cho phép nghiên cứu khảo sát địa điểm xây dựng khu đô thị vào năm 2011.

Sau đó, dự án này bị điều chỉnh giảm diện tích còn 25,632 ha. Tiếp đến, tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 1897/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 phê duyệt Quy hoạch Tổng mặt bằng chi tiết sử dụng đất (1/500) Khu đô thị R.O.S.E Đô tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án vẫn không tiến hành các bước đầu tư dự án.


Hơn 10 năm qua, dự án Khu đô thị R.O.S.E ĐÔ vẫn “bất động”.

Đến năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị R.O.S.E ĐÔ từ Công ty TNHH R.O.S.E ĐÔ cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Phú Quý. Năm 2020, dự án này được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư. Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể và ban hành quy định quản lý xây dựng kèm theo quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị R.O.S.E. ĐÔ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận hiện nay chủ đầu tư dự án vẫn chưa có động thái triển khai. Đến nay, chỉ có một bảng tên thông tin dự án được cắm trong phạm vi được cấp phép. Còn lại, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thực hiện, nhiều hộ dân sống trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh tế, không được sửa chữa, xây dựng hơn 10 năm qua.

Một dự án khác là khu du lịch sinh thái biển Lê Phan Resort có diện tích 4,3ha. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2005, tuy nhiên sau đó Công ty cổ phần Lê Phan Resort không tiến hành các thủ tục để triển khai xây dựng dự án theo quy hoạch chi tiết.

Nhiều quỹ đất đã giao cho doanh nghiệp triển khai dự án nhưng bị bỏ hoang suốt nhiều năm.

Tháng 4/2024, ông Từ Văn Phước – Đại diện Công ty CP Lê Phan Resort đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Nam “đòi” địa phương quyết toán và hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án. Theo doanh nghiệp, tổng số tiền đơn vị đã bỏ ra trong thời gian qua là 5.231.186.500 đồng. Trong đó, chi phí bồi thường 5.012.702.300 đồng, chi phí phục vụ 211.766.200 đồng và chi phí thẩm định 6.718.000 đồng.

Tổng số tiền Công ty CP Lê Phan Resort tự nguyện chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hội An mục đích chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án là: 5.231.186.500 đồng. Cho đến nay, dự án không cần thiết phải mở rộng do đã điều chỉnh giảm diện tích đất dự án cho thuê đối với Công ty (không thực hiện công tác đền bù).

Hiện tại, Công ty đang trong thời gian cưỡng chế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản theo Quyết định số: 1391/QĐ-CCT và Quyết định số 1392/QĐ-CCT ngày 10/04/2024 của Chi cục thuế thành phố Hội An. Trong trường hợp Công ty không chấp hành nộp ngay nghĩa vụ tài chính về thuế thì Chi cục thuế thành phố Hội An sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật quản lý thuế đồng thời hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty. Khi thực hiện xong nghĩa vụ nộp thuế này, dự án sẽ được xem xét các thủ tục pháp lý tiếp theo, theo quy định.

“Công ty chúng tôi kính đề nghị Quý lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, lập thủ tục rà soát đối chiếu hồ sơ, quyết toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư (giai đoạn 1) của dự án, tạo điều kiện giúp hoàn trả lại cho Công ty chúng tôi số tiền 5.231.186.500 đồng để Công ty có nguồn kinh phí thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và tiền thuê đất của dự án và giảm tiền nộp chậm vì số tiền trên Công ty chúng tôi đã vứng hơn 10 năm nay”, ông Phước kiến nghị.

Chủ đầu tư dự án Hoi An Golden Sea cho rằng việc đơn vị dừng thi công dự án là do lỗi của địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư tại Quảng Nam cũng đã triển khai dự án theo kiểu lưng chừng. Cụ thể, nhiều đơn vị chỉ tiến hành xây dựng cơ bản, sau đó dừng thi công, để dự án hoang hóa suốt nhiều năm.

Điển hình như dự án Hoi An Golden Sea của Công ty CP Đầu tư Năm Sao đã dừng thi công hơn 3 năm qua. Ông Đào Việt Trung – Giám đốc Công ty CP Đầu tư Năm Sao ký văn bản gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc doanh nghiệp không thi công là do địa phương, không phải lỗi của doanh nghiệp.

Cụ thể, phía doanh nghiệp cho rằng nhiều năm qua không được cấp giấy phép xây dựng, vấn đề này không phải do chủ quan của công ty mà do cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản còn bất cập. “Đây là khoảng thời gian mà công ty chịu bao nhiêu khó khăn dồn dập về tài chính, đối đầu với các nhà đầu tư thứ cấp,... và đã có nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra nắm bắt tình hình thực tế và khó khăn chồng chéo cho dự án”, văn bản do ông Trung ký nêu rõ và doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ pháp lý.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện các giải pháp ổn định thị trường bất động sản, hạn chế thấp nhất về khiếu kiện khiếu nại tập trung trong các dự án bất động sản, nhà ở xã hội. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án bất động sản, nhà ở xã hội để sớm có sản phẩm để đáp ứng nhu cầu nhà ở và phát triển thị trường bất động sản của địa phương.

Cùng với đó, địa phương cũng thường xuyên theo dõi, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhà ở xã hội. Song song là xem xét, đánh giá năng lực nhà đầu tư khi thực hiện giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án theo quy định pháp luật đất đai và pháp luật liên quan, công khai, minh bạch thông tin thị trường bất động sản.

Tuấn Vỹ-Link gốc

https://diendandoanhnghiep.vn/bat-dong-san-quang-nam-nhieu-chu-dau-tu-om-dat-roi-bo-hoang-263470.html