Giá cà phê giảm 35.000 đồng/kg chỉ trong một tuần sau khi chạm đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, đà giảm dự kiến sẽ không kéo dài do lo ngại về nguồn cung vẫn còn.
Đảo chiều giảm mạnh trong một tuần
Trong bốn tháng đầu năm 2024, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE EU) cũng như giá cà phê nhân xô tại Việt Nam ghi nhận đà tăng ấn tượng. Giá cà phê Robusta tăng hơn 60%, lên mức cao nhất lịch sử vào ngày 24/04. Tương tự, mức cao nhất từng ghi nhận đối với giá cà phê tại Việt Nam lên tới 134.400 đồng/kg vào ngày 30/4, cao gấp đôi so với ngày đầu năm.
Bước ngoặt xuất hiện ngay đầu tháng Năm, giá cà phê tại Việt Nam và Robusta trên Sở ICE quay đầu giảm mạnh từ mức đỉnh lịch sử. Giá cà phê Robusta đánh mất 18% chỉ trong một tuần giao dịch, về mức thấp nhất trong một tháng. Giá cà phê tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt quay về dưới mốc 100.000 đồng/kg, đánh mất gần 30% so với mức đỉnh lịch sử vào cuối tháng Tư.
Giá cà phê giảm chủ yếu do ảnh hưởng từ hoạt động thanh lý của các quỹ đầu cơ, kết hợp cùng sự chuyển hướng tích cực về nguồn cung cà phê tại một số quốc gia sản xuất lớn.
Tại Brazil, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu đẩy mạnh thu hoạch cà phê từ đầu tháng Năm nhờ vào sự khô ráo của thời tiết. Trước thông tin này, thị trường đặt kỳ vọng sản lượng mới từ quốc gia Nam Mỹ sẽ bổ sung cho nguồn cung toàn cầu, đồng thời thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê Robusta trong thời gian tới. Trong ba tháng đầu năm 2024, Brazil đã xuất đi khoảng 2,5 triệu bao cà phê Robusta, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến giá cà phê Robusta và giá cà phê nhân xô Việt Nam từ đầu năm đến nayNgoài ra, mưa trái mùa xuất hiện tại vùng trồng cà phê chính của Việt Nam giúp giải tỏa áp lực thiếu nước tại các vườn cà phê. Lượng nước được bổ sung góp phần tạo môi trường để cây cà phê phục hồi sau giai đoạn nắng nóng gay gắt. Điều này cũng giúp thị trường giảm bớt lo ngại về mức độ sụt giảm sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, sự điều chỉnh của giá cà phê trong những ngày đầu tháng Năm đã được dự đoán từ trước. Mức giảm mạnh như hiện tại cũng không quá bất ngờ, giá cà phê đang dần trở về giá trị thực sau thời gian bị các quỹ đầu cơ làm giá.
Yếu tố hỗ trợ giá chưa bị hóa giải
Dù đà giảm mạnh của giá cà phê những ngày qua một phần xuất phát từ sự chuyển mình của yếu tố nguồn cung, nhưng thực chất các thông tin cơ bản về cà phê trên thị trường vẫn thiên hướng hỗ trợ giá, đặc biệt trong dài hạn.
Tại Việt Nam, mưa đã xuất hiện nhưng sản lượng cà phê vụ 2024-2025 dự đoán sẽ tiếp tục giảm so với niên vụ hiện tại khi quả và cây cà phê chết khô trước đó không thể phục hồi. Hơn thế, La Nina dự kiến sẽ trở lại thay thế El Nino từ nửa cuối năm nay, gây rủi ro về bão và lũ lụt đúng giai đoạn thu hoạch cuối năm. Kết hợp cùng sản lượng cà phê còn trong dân ở hiện tại rất thấp, nông dân khó có thể đẩy mạnh bán cà phê. Nhìn chung tình hình nguồn cung cà phê tại nước ta vẫn còn nhiều khó khăn.
Tại Brazil, hoạt động thu hoạch cà phê Robusta đang diễn ra nhưng giới phân tích bắt đầu hạ dự báo sản lượng cà phê giàu vị đắng 5-10% so với số liệu ban đầu. Trong những ngày đầu vụ 2024-2025, cây cà phê tại Brazil cũng trải qua những đợt nắng nóng đỉnh điểm, ảnh hưởng lên năng suất cây trồng.
Tại Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai châu Á và đứng thứ ba thế giới, hoạt động thu hoạch cà phê vụ hiện tại đang được hoãn sang tháng Sáu, thay vì tháng Tư như mọi năm do quả cà phê chín muộn. Hiện tại, sản lượng quá thấp đang gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu cà phê tại quốc gia này. Tính chung ba tháng đầu năm 2024, Indonesia chỉ xuất đi 9.500 tấn cà phê, chưa bằng 1/3 lượng cà phê xuất khẩu cùng kỳ năm 2023.
Về nhu cầu, tiêu thụ cà phê Robusta nói chung và cà phê Việt Nam nói riêng vẫn ở mức cao.
Tồn kho cà phê Robusta tại châu Âu và Mỹ vẫn ở mức thấp so với các năm trước. Do đó, các quốc gia có thể tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu cà phê để đảm bảo nguồn cung trong nước, đặc biệt khi nguồn cung tại các quốc gia xuất khẩu còn nhiều bấp bênh. Tại châu Âu, thị trường nhập khẩu Robusta lớn nhất thế giới, lượng cà phê Robusta đang lưu trữ tính đến hết tháng 2/2024 chỉ còn 114.117 tấn, giảm tháng thứ 9 liên tiếp, về mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020 (thời điểm bắt đầu thống kê theo phân loại cà phê).
Nhận định về diễn biến giá trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh dự báo, giá cà phê khả năng cao sẽ tiếp tục giảm trong một vài tuần tới, về vùng giá cuối năm 2023, khó có thể duy trì trên 80.00 đồng/kg. Sau đó, giá sẽ phục hồi dần vào cuối năm 2024 do nguồn cung thực tế còn nhiều bấp bênh.
Trong bối cảnh giá xuất hiện các biến động mạnh, việc quan sát kỹ lưỡng các thông tin cơ bản trên thị trường là điều quan trọng. Điều này không chỉ giúp ổn định tâm lý trên thị trường và xác định chiến lược mua bán hợp lý.
Bên cạnh theo dõi tình hình thị trường trong nước, các nhà đầu tư, thương nhân và nông dân cần theo dõi sát sao hơn diễn biến của thị trường thế giới, đặc biệt là biến động từ các nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia.
Theo chu kỳ hàng năm, thời điểm từ tháng 5 trở đi, tâm điểm chú ý của thị trường cà phê thế giới sẽ dịch chuyển dần từ Việt Nam sang Brazil và Indonesia khi hoạt động thu hoạch cà phê tại các quốc gia này bước vào chính vụ.
Những thông tin về tình hình thu hoạch và sản xuất cà phê tại hai quốc gia trên trong thời điểm này sẽ có tác động trực tiếp lên tình hình giá trên thị trường.
Đáng lưu ý, vào ngày 23/05, Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) sẽ công bố báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ lần 2, thể hiện những ước tính về nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 tại Brazil. Đây sẽ là thông tin vô cùng quan trọng với những người theo dõi thị trường. Nếu CONAB có những thay đổi lớn trong ước tính mới nhất của mình, diễn biến giá trên thị trường có thể xoay chiều.
https://thuongtruong.com.vn/news/bong-bong-vo-gia-ca-phe-se-ra-sao-120978.html