Trong quý I, nhiều doanh nghiệp bán lẻ công nghệ đã ghi nhận lợi nhuận tăng vọt nhờ sức mua hồi phục đáng kể. Tuy nhiên, một số vẫn tập trung tái cấu trúc tối ưu chi phí hoạt động.
Nhiều "ông lớn" bán lẻ công nghệ báo lãi tăng vọt quý đầu năm. Ảnh: Xuân Sang . |
Trong 3 tháng đầu năm, “bức tranh” ở ngành bán lẻ công nghệ đang dần phục hồi sau giai đoạn ảm đạm. Báo cáo tài chính của nhiều "ông lớn" đều cho thấy kết quả kinh doanh tích cực sau “cuộc chiến” cạnh tranh về giá trong năm 2023.
Rầm rộ báo lãi đột biến
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) - doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy lớn nhất thị trường trong nước - đã ghi nhận lãi ròng hơn 900 tỷ đồng quý đầu năm nay, cao gấp 43 lần cùng kỳ năm 2023. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả lợi nhuận kể trên đến từ nhờ nỗ lực tiết kiệm chi phí vận hành thông qua chính sách tái cấu trúc. Đây cũng là quý có kết quả kinh doanh tốt nhất kể từ quý III/2022 của doanh nghiệp này.
Sau 6 tháng tái cấu trúc kể từ quý IV/2023, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết các chỉ số về hiệu quả hoạt động đang ghi nhận chuyển biến tích cực. Doanh thu từ kênh online đạt 3.500 tỷ đồng , chiếm 16% tổng doanh thu chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh.
Tương tự, một trong những đối thủ lớn của Thế Giới Di Động là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (HoSE: FRT) - cũng vừa trải qua quý kinh doanh khởi sắc với khoản lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ.
Theo đó, trong quý I, nhà bán lẻ công nghệ này ghi nhận lãi sau thuế gần 61 tỷ đồng , cũng tăng 30 lần so với cùng kỳ năm 2023. Khoản lợi nhuận tăng vọt đã giúp FPT Retail ngắt đà thua lỗ trong 3 quý liền trước đó.
Với kết quả ấn tượng, FRT đã hoàn thành tới 71% kế hoạch lợi nhuận.
CÁC NHÀ BÁN LẺ CÔNG NGHỆ BÁO LÃI TĂNG VỌT QUÝ ĐẦU NĂM 2024 | |||||
Kết quả kinh doanh trong quý I/2024 của một số doanh nghiệp bán lẻ công nghệ. Nguồn: BCTC DN. | |||||
Nhãn | Thế Giới Di Động | FPT Retail | Digiworld | Petrosetco | |
Doanh thu thuần | tỷ đồng | 31486 | 9041 | 4985 | 4269 |
Lợi nhuận sau thuế | | 903 | 61 | 93 | 39 |
Dù không ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, CTCP Thế giới số - Digiworld (HoSE: DGW) - cũng ghi nhận doanh thu đạt gần 5.000 tỷ đồng và thu về hơn 90 tỷ đồng lợi nhuận quý đầu năm nay, lần lượt tăng 26% và 16% so với cùng kỳ 2023.
"Ông lớn" bán buôn ICT này cũng lên kế hoạch kinh doanh lạc quan năm nay với mục tiêu doanh thu cao kỷ lục đạt 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 490 tỷ đồng , lần lượt tăng 22% và 38% so với năm 2023.
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT DGW, cho biết công ty sẽ không ngần ngại "tăng ga" khi thị trường thuận lợi. Tầm nhìn dài hạn của Digiworld là tăng trưởng 2 con số, trở thành công ty tỷ USD, không chỉ là doanh thu, vốn hóa hay lợi nhuận. "Đó là tầm nhìn để đảm bảo công ty sẽ tìm mọi cách để tăng trưởng", ông Việt nhấn mạnh.
Tiếp tục sa thải nhân sự, đóng cửa hàng
Dù ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong quý đầu năm, một số nhà bán lẻ công nghệ lớn vẫn tỏ ra thận trọng về triển vọng kinh doanh năm nay.
Theo chia sẻ của lãnh đạo MWG, sức mua chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng, do đó trong năm 2024, công ty sẽ tập trung vào việc tăng trưởng thị phần và tối ưu chi phí. Thêm vào đó, cuộc chiến về giá sẽ không còn căng thẳng như năm 2023 và công ty sẽ đưa ra giá bán sản phẩm hợp lý hơn nhằm cải thiện doanh thu và lợi nhuận ròng.
Trong quý I, doanh nghiệp bán lẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài vẫn tiếp tục sa thải lượng lớn nhân sự. Cụ thể, chỉ trong 3 tháng đầu năm, số lượng nhân viên của MWG đã giảm 4.853 người. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, Thế Giới Di Động đã sa thải khoảng 13.400 nhân sự.
Bên cạnh đó, trong quý vừa qua, MWG cũng đã đóng thêm 1 cửa hàng Thegioididong.com, 6 cửa hàng Điện Máy Xanh, 2 siêu thị Bách Hóa Xanh, 1 nhà thuốc An Khang và mở mới 17 cửa hàng Erablue tại Indonesia.
Trong khi đó, FPT Retail vẫn ghi nhận tăng trưởng về số lượng nhân viên. Đến hết quý I, doanh nghiệp có 18.788 nhân viên, tăng gần 1.000 người so với đầu năm nay.
Tương tự với MWG, doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cửa hàng FPT Shop. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, FRT đã đóng thêm 12 cửa hàng FPT Shop hoạt động kém hiệu quả.
Ngược lại, "ông lớn" bán lẻ này lại đẩy mạnh kinh doanh chuỗi bán lẻ thuốc Long Châu. Riêng quý đầu năm, doanh nghiệp đã mở 90 nhà thuốc mới, hướng đến mục tiêu 1.900 nhà thuốc cuối năm nay, đồng thời mở mới 41 trung tâm vaccine trong quý I.
Thế Giới Di Động tiếp tục mạnh tay cắt giảm gần 4.900 nhân viên trong quý đầu năm nay. Ảnh: MWG. |
Với Digiworld, trong quý I năm nay, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận biến động nhẹ về nhân sự. Đầu năm, công ty có 815 nhân viên, đến cuối quý I đã giảm nhẹ còn 811 người.
Nhìn nhận về triển vọng ngành bán lẻ công nghệ, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho biết doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy dự kiến phục hồi 5% trong năm 2024 sau khi giảm mạnh khoảng 20-25% trong năm 2023.
Các chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng của ngành này sẽ mạnh hơn trong nửa đầu năm, khoảng 140% dựa trên mức nền so sánh thấp, nhưng mức tăng trưởng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm.
"Cuộc chiến giá cả đã hạ nhiệt trong quý III/2023. Tuy nhiên, mức tồn kho của một số nhà bán lẻ vẫn ở mức cao. Do đó, họ có thể phải duy trì chiến lược giá cạnh tranh, và biên lợi nhuận tại các nhà bán lẻ điện thoại, điện máy trong năm 2024 có thể không quay trở lại được mức như năm 2022", chuyên gia SSI Research đánh giá.
Theo đánh giá của đơn vị phân tích này, FRT có thể vượt mức lợi nhuận 2022 (năm nhu cầu còn cao do dồn nén sau dịch) nhờ tỷ lệ thâm nhập hiệu thuốc thương mại hiện đại tương đối thấp. Trong khi đó, MWG và DGW khó vượt lợi nhuận năm 2022 do nhu cầu hàng công nghệ đã bão hòa, mức tiêu dùng không thiết yếu phục hồi chậm.
https://znews.vn/cac-nha-ban-le-cong-nghe-kinh-doanh-ra-sao-quy-i-post1473537.html