Nhiều chuyên gia chung nhận định, kiến nghị quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt trong mua, bán vàng mang tính khả thi không cao, muốn triển khai cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ý kiến trái chiều
Nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Giới chuyên gia đã có những quan điểm, góp ý khác nhau trước đề xất này.
Đánh giá cao vai trò của việc thanh toán không dùng tiền mặt trong phòng, chống rửa tiền, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ định hướng hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong mua, bán vàng. Lý do ông Hiếu đưa ra là những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp hoạt động phòng, chống rửa tiền tốt hơn.
Theo ông Hiếu, không chỉ áp dụng cho vàng miếng, việc thanh toán không dùng tiền mặt nên áp dụng cho cả các giao dịch vàng khác.
Ông Hiếu cho rằng, vàng là một trong những kênh để rửa nguồn tiền bẩn. Những nguồn thu từ hoạt động trốn thuế, tham ô, phạm pháp khác… đều có thể sử dụng qua kênh vàng để rửa bởi giá trị lớn và không cần đứng tên sở hữu.
Vàng được mua bằng tiền mặt, sau đó bán ra bằng hình thức chuyển khoản để hợp thức. Vì thế, theo ông Hiếu, khi mua vàng thì cần chuyển khoản mà không chờ đến giá trị lớn mới thanh toán không dùng tiền mặt.
Về lo ngại quy định cấm dùng tiền mặt trong mua, bán vàng sẽ khiến thị trường này trầm lắng, ông Hiếu cho rằng điều này không đáng lo ngại dù sẽ có tác động đến giới kinh doanh vàng bởi từ trước đến nay, các đơn vị kinh doanh vàng sử dụng tiền mặt nhiều để tránh cơ quan thuế nắm doanh thu, giảm số thuế phải đóng.
Đồng quan điểm, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho hay, theo chủ trương của Chính phủ hướng xã hội đến thanh toán không dùng tiền mặt, vàng là hàng hóa đặc biệt, có giá trị cao nên việc thanh toán không dùng tiền mặt là đương nhiên. Do đó, đề xuất cấm thanh toán tiền mặt với các giao dịch vàng không tác động nhiều đến thị trường vàng.
Trước đó, khi góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, NHNN Chi nhánh TP.HCM đã đưa ra đề xuất hạn chế việc thanh toán mua, bán vàng miếng bằng tiền mặt, nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng, chống hoạt động rửa tiền.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh lại cho rằng đề xuất của Tổng cục Thuế không khả thi.
Theo số liệu của ngành thuế, đến nay, cả nước có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Ông Khánh ước tính, con số này chiếm đến 80-90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng, bạc. Điều này cho thấy, ngành thuế đã bước đầu kiểm soát được các đơn vị kinh doanh.
Nếu áp dụng việc cấm thanh toán bằng tiền mặt trong mua bán vàng, theo ông Khánh, không phải doanh nghiệp, người tiêu dùng mới là đối tượng phản ứng đầu tiên.
Nếu mua số lượng vàng lớn hay mua vàng miếng SJC thì có thể áp dụng. Nhưng nếu chỉ mua nhỏ lẻ như vàng chỉ, vàng nữ trang sẽ khó thực hiện. Bởi lẽ, không phải ai cũng có tài khoản, thẻ tín dụng. Vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi: Trên thực tế, chưa có ngành kinh doanh nào áp dụng quy định thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn, vậy tại sao lại muốn lấy ngành vàng để áp dụng?
Trên thế giới, các nước chỉ khuyến khích bớt sử dụng tiền mặt, chứ chưa có quốc gia nào đưa quy định 100% mặt hàng nào đó không được mua bán bằng tiền mặt”, ông Khánh nói.
“Nếu dùng biện pháp hành chính bắt buộc trong thanh toán giao dịch vàng miếng không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát thị trường vàng, nó sẽ đi “ngầm” hết. Hơn nữa, việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện, giờ lại đề xuất không dùng tiền mặt với giao dịch mua bán vàng là mâu thuẫn”, ông Khánh phân tích thêm.
Cùng góc nhìn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, để thực hiện rất khó, tính khả thi thấp. Lý do vì không phải 100% người mua vàng đều là đầu tư.
Theo ông Long, hiện nay, ở Việt Nam người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán, cho nên việc cấm dùng tiền mặt đối với bất kỳ giao dịch nào là điều không khả thi, kể cả là mua bán vàng.
Ông Long cho rằng, hiện các đối tượng mua vàng tại Việt Nam khá phong phú. Có nhiều người là người già, người dân ở vùng nông thôn, mua vàng số lượng nhỏ từ 0,5 đến một vài chỉ vàng.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, việc cấm dùng tiền mặt trong mua bán vàng sẽ không giải quyết được vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, cũng như nhập khẩu nguyên liệu, mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Nên đưa ra hạn mức cụ thể
Theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền hiện hành, các giao dịch trên 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN. Xuất phát từ quy định này, một số ý kiến cho rằng, nếu muốn áp dụng quy định cấm mua bán vàng bằng tiền mặt thì cũng cần đưa ra hạn mức cụ thể.
Ông Ngô Trí Long nhận định đề xuất này chỉ phù hợp với những đối tượng mua vàng để đầu tư, mua với số lượng lớn. Nếu các cấp có thẩm quyền muốn sử dụng biện pháp quản lý này thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau.
Theo ông Long, NHNN nên quy định, mua bán vàng bao nhiêu tiền trở lên mới phải thanh toán qua tài khoản, điều đó mới khả thi. Có thể quy định giao dịch vàng trên 100 triệu đồng mới cần thanh toán không dùng tiền mặt; còn với những giao dịch ít, chỉ mua vài chỉ thì vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt.
Giới phân tích cho rằng, nếu thực sự nghiên cứu tiến tới hiện thực hóa đề xuất của ngành thuế thì cần có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng hơn; có thể triển khai thí điểm trước khi thực thi trên diện rộng. Điều này nhằm tránh những bất cập trong quá trình thực thi.
Ông Nguyễn Văn Thức - chuyên gia cấp cao về thuế và kế toán, cố vấn cấp cao Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kế toán Hà Nội - cho rằng, nên có khảo sát, đánh giá hoặc có thể triển khai thí điểm trước khi thực hiện trên diện rộng. Từ đó, nếu cần sửa đổi gì có thể sửa, tránh được những bất cập trong quá trình thực thi.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn tăng không ngừng nghỉ.
Sáng 7/5, vàng miếng SJC tiếp tục leo thang, bật tăng cả triệu đồng mỗi lượng lên mốc cao kỷ lục chưa từng có 87,5 triệu đồng/lượng (bán ra), bất chấp có động thái đấu thầu vàng của cơ quan quản lý.
Hai tuần trở lại đây, giá vàng miếng SJC vẫn giữ xu hướng tăng và nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới và nhẫn tròn trơn. Mục tiêu đấu thầu vàng miếng để giảm chênh lệch giá trong nước với thế giới đang gặp thách thức khi các phiên gọi thầu của NHNN liên tục thất bại do doanh nghiệp không mặn mà tham gia.
Lý giải nguyên nhân giá vàng trong nước tăng nhanh gần đây, đại diện Công ty SJC cho biết người dân đi mua vàng miếng nhiều, trong khi lượng vàng bán ra trên thị trường lại không tăng dù giá mua vào cũng đang lên mức cao kỷ lục. Ngược lại, những người có vàng hiện vẫn chưa chịu bán ra càng khiến cho thị trường thêm khan hiếm.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cho hay, trong trường hợp nguồn vàng từ NHNN vẫn không ra được thị trường, vẫn tiếp diễn các phiên hủy đấu thầu vàng thì khả năng giá kim loại quý trong nước có thể xuất hiện mức giá 90 triệu đồng/lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau 3 lần thất bại gọi thầu và 1 lần đấu thầu “ế”, NHNN nên cân nhắc lại cách thức đấu thầu vàng và giá cọc để phiên đấu giá hấp dẫn hơn. Thị trường vàng đang chờ đợi phiên đấu thầu tiếp theo của NHNN để hạ nhiệt giá vàng.