Khu đô thị biên giới được kỳ vọng là một trong những cực phát triển của địa phương.
Thuộc địa bàn huyện Bến Cầu (Tây Ninh), Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài được thành lập năm 1998, có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á. Cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam, trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng thời, khu này giữ vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế mở, trở thành trung tâm thương mại quốc tế, trên trục hành lang Xuyên Á vùng Thành phố Hồ Chí Minh thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài nằm ở biên giới giáp ranh tỉnh Tây Ninh và tỉnh Svay Rieng (Vương quốc Campuchia). Trong quy hoạch mới nhất, khu vực này được kỳ vọng trở thành cực phát triển của Tây Ninh.
Dưới đây là chùm ảnh phóng viên chụp tại khu đô thị này vào trưa 18/5.
Cách đây chừng 15-20 năm, người dân Tây Ninh thường có lời rủ rê "đi mua hàng miễn thuế", không chỉ người tỉnh nhà, nhiều địa phương khác cũng như công dân nước bạn đã đến mua sắm hàng miễn thuế tại khu vực ưu đãi thuế thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài.
Khu đô thị cũng được đầu tư xây dựng, một số đã xây dựng gần như hoàn chỉnh. Khi đó, các căn nhà trong khu vực này là niềm ao ước của rất nhiều người bởi vị trí đắc địa, từng là nơi mua sắm tấp nập. Trong ảnh là siêu thị Thế Kỷ Vàng.
Tuy nhiên, trong ngày trở lại, khung cảnh trước mắt phóng viên hoang tàn. Siêu thị Thế Kỷ Vàng, một trong những siêu thị lớn nhất khu, giờ bị bỏ trống, nhiều tấm tôn che mái đã bong tróc.
Tường của Thế Kỷ Vàng đã nhuốm màu. Siêu thị này chính thức đóng cửa từ 5/5/2015. Văn bản của Tây Ninh khi đó cho biết siêu thị đóng cửa do không còn được hưởng chính sách ưu đãi, đặc biệt là thay đổi chính sách bán hàng miễn thuế.
Đối diện Thế Kỷ Vàng, siêu thị Smiling cũng có tình cảnh tương tự. Ngày 15/8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC áp dụng từ ngày 1/10/2014 về việc hàng hóa chịu thuế ngay (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, thay vì trả sau như trước đó. Trước đó, ngày 26/11/2013 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, áp dụng kể từ 15/1/2014 quy định không bán miễn thuế rượu, bia... cho khách tham quan du lịch, kể cả khách mua hàng từ phía Campuchia.
Khu đô thị xung quanh các siêu thị cũng bị bỏ hoang nhiều năm. Khu vực này từng gây chú ý bởi tiềm năng phát triển do yếu tố cận mậu dịch biên giới.
Các dãy nhà này gần như chưa hoàn thiện toàn bộ.
Hạ tầng đường sá nội khu cũng được đầu tư đồng bộ. Tất cả được trải nhựa, hệ thống biển báo, một số tuyến có đèn chiếu...
Cách các khu vực đã được xây nhà vẫn còn nhiều khu đất chưa xây dựng, đang được người dân thả trâu bò gặm cỏ.
Các tuyến đường tại khu đô thị khá thưa người qua lại.
Chủ yếu là người phục vụ công tác xuất nhập hàng hóa qua biên giới, người buôn bán hàng rong...
Đây là bến xe có các chuyến xe buýt kết nối Mộc Bài với TP HCM và TP Tây Ninh (Tây Ninh). Tuy nhiên, hiện nay được sử dụng với chức năng khác.
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài với tầm nhìn mới theo mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ, phát triển xanh và bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.
Sắp tới, hai cao tốc Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Phnom Penh-Bavet (thuộc tỉnh Svay Rieng, Campuchia) hoàn thiện, cùng với các kết nối liên vùng khác để hình thành mạng lưới phát triển, sẽ góp phần để Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài phát triển bền vững, căn cơ hơn. Trong ảnh, một phần tuyến đường từ Bavet đi Phnom Penh tại tỉnh Kandal.
Bài và ảnh: Dy Khoa
Đời sống Pháp luật