Cần tư duy và cách tiếp cận khác với thị trường xăng dầu

Nếu quan điểm của Chính phủ trong tình hình mới coi kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực đặc thù và đặc biệt cả về tầm chính sách và pháp luật thì nên đề xuất Quốc hội cho xây dựng luật thay cho nghị định.

Đây là chia sẻ của luật sư Nguyễn Tiến Lập - Luật sư Điều hành cấp cao, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự với DĐDN.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định 83/1014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP). Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tôi nhất trí chủ trương và hoan nghênh nỗ lực của Bộ Công Thương và Ban soạn thảo trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực xăng dầu để xử lý đồng thời hai vấn đề: chính sách của Nhà nước và hoàn thiện khung pháp luật.

Trong đó, về nhu cầu thực tế của nền kinh tế và quản trị xã hội, chính sách ra đời nhằm bảo đảm an ninh năng lượng thông qua ổn định nguồn cung xăng dầu; bảo đảm chất lượng xăng dầu; bảo đảm giá cả hợp lý và minh bạch.

Về vấn cấp bách cần giải quyết, khủng hoảng xăng dầu cuối năm 2022 chứng tỏ không bảo đảm an ninh năng lượng; buôn lậu và làm giả xăng dầu diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn; giá cả xăng dầu có tính điều tiết cao nhưng chưa hợp lý và minh bạch, ví dụ vấn đề quỹ bình ổn, thuế bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu nói riêng thuộc lĩnh vực năng lượng, có tính thiết yếu, hệ trọng đối với quốc kế dân sinh nhưng chưa có luật điều chỉnh, trong khi các lĩnh vực khác đều đã có luật.

Chưa kể, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ra đời cách đây 10 năm, trong bối cảnh kinh tế - xã hội và tình trạng pháp luật hoàn toàn khác, nay đã trở nên lỗi thời, chưa bảo đảm tính pháp chế và pháp quyền, chưa hợp lý về nội dung vì không hướng tới hai mục tiêu cơ bản là bảo đảm ổn định nguồn cung và bảo đảm chất lượng xăng dầu, trong khi lại can thiệp quá sâu theo hướng hạn chế các quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cần ban hành văn bản pháp luật mới thay thế và nâng cấp Nghị định này.

Hay như về yêu cầu hỗ trợ xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp như Nghị quyết 41 gần đây của của Bộ chính trị đã nêu, vẫn đang còn tình trạng độc quyền doanh nghiệp với nguy cơ thao túng thị trường, hạn chế cạnh tranh (như có doanh nghiệp lớn chiếm tới trên 50% thị phần hay một vài doanh nghiệp đầu mối thống lĩnh tới trên 80% nguồn cung xăng dầu); các doanh nghiệp vừa và nhỏ (bao gồm hàng ngàn doanh nghiệp) còn thiếu cơ hội phát triển.

Vậy, ông đánh giá như thế nào về nội dung Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến?

Dự thảo Nghị định đang tiếp cận theo hướng cũ từ hai mươi năm trước đây với Nghị định 187/2003, theo đó quy định toàn diện, tạo thành khung pháp luật riêng và độc lập về kinh doanh xăng dầu mà không giới hạn quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu như yêu cầu của Điều 7 Luật Đầu tư 2020. Tôi e rằng, việc mở rộng này vượt quá thẩm quyền điều chỉnh của một văn bản pháp luật cấp Nghị định.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, một nghị định chỉ được ban hành nhằm quy định chi tiết các vấn đề, nội dung được luật, pháp lệnh yêu cầu, hoặc biện pháp tổ chức thi hành luật, pháp lệnh. Một nghị định có phạm vi điều chỉnh toàn diện về một lĩnh vực chỉ được ban hành khi đó là lĩnh vực mới, chưa có luật, pháp lệnh điều chỉnh và phải được chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu không thuộc loại này, bởi theo khung khổ pháp luật hiện hành, xăng dầu chỉ là mặt hàng thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện giống như nhiều mặt hàng khác, mà không phải hạn chế, cấm kinh doanh hay kinh doanh độc quyền của Nhà nước.

Do đó, mục đích, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Nghị định phải căn cứ vào Điều 7 Luật Đầu tư, tức chỉ được quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu mà không phải các vấn đề khác như nội dung Dự thảo đề cập, đặc biệt là việc phân loại các thương nhân khác nhau để đối xử khác nhau cũng quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của họ. Xin làm rõ là quy định về các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân là thẩm quyền của luật và đã có rồi, không phải của cấp nghị định.

Trong trường hợp Nghị định này quy định có tính kết hợp và tổng hợp các vấn đề thì phải căn cứ vào tất cả các luật có liên quan, tức quy định chi tiết các nội dung được các luật này yêu cầu. Theo tôi sơ bộ thấy có ít nhất 15 luật có liên quan, từ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại cho tới Luật Quản lý Ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Giá v.v… trong khi đó, Dự thảo Nghị định lại chỉ dẫn chiếu căn cứ tới ba luật là Luật Thương mại, Luật Giá và Luật Cạnh tranh là chưa đầy đủ và không bảo đảm căn cứ ban hành. Ngoài ra, nếu được ban hành thì Nghị định không được trái với quy định của các luật hiện hành. Cần lưu ý hết sức tránh hiện tượng vừa qua là về chính sách chung, các luật đều quy định rất cởi mở để xây dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, thông thoáng, tuy nhiên sau đó các Nghị định và Thông tư lại siết lại.

Không nên ban hành pháp luật chỉ để tháo gỡ khó tạm thời trong kinh doanh xăng dầu. (Quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh: T.Giang)

Với chính sách liên quan thị trường xăng dầu, dưới nội dung Dự thảo đã đề xuất, theo ông, cần xem xét cách tiếp cận như thế nào cho phù hợp?

Theo tôi, cần xem xét một cách tiếp cận khác, nếu quan điểm của Chính phủ trong tình hình mới coi kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực đặc thù và đặc biệt cả về tầm chính sách và pháp luật thì nên tạm dừng việc soạn thảo Nghị định để đề xuất Quốc hội cho xây dựng luật thay cho Nghị định. Bởi xét từ tầm nhìn chính sách, không nên ban hành pháp luật theo kiểu chắp vá hay chỉ để gỡ khó tạm thời, nó gây bất ổn cho vận hành của nền kinh tế.

Chẳng hạn, có thể căn cứ các lý do khách quan như tình hình biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng từ hoá thạch sang năng lượng tái tạo, tăng nguồn cung từ sản xuất trong nước thay cho nhập khẩu, lực lượng doanh nghiệp của khu vực tư nhân đã lớn mạnh bên cạnh doạnh nghiệp nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế và mở cửa thị trường cho thương nhân nước ngoài. Về khung pháp luật, chúng ta đã có Luật Dầu khí điều chỉnh hoạt động khai thác nhưng chưa có luật về các hoạt động sau đó ở khâu trung gian và hạ nguồn.

Cũng có thể tham khảo kinh nghiệm nhiều nước, để bảo đảm an ninh quốc gia và quyền của người tiêu dùng, họ chỉ ban hành hai luật đặc thù đó là Luật về dự trữ xăng dầu quốc gia và Luật về kiểm soát chất lượng xăng dầu, đối với các vấn đề khác sẽ do các luật khác điều chỉnh hay do thị trường quyết định. Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh bài toán bảo đảm an ninh xăng dầu là chuỗi cung ứng xuyên quốc gia chứ không phải can thiệp vào giá bán lẻ trong nước như một giải pháp ngược.

Bên cạnh đó, nếu tiếp tục xây dựng và ban hành Nghị định thì cần bảo đảm tuân thủ các luật hiện hành, theo đó chỉ giới hạn duy nhất vào quy định điều kiện kinh doanh xăng dầu phù hợp với Luật Đầu tư 2020, tránh quy định có tính mở rộng và lấn sân như hiện nay. Nó gây ra sự không phù hợp và chồng chéo về các chế định, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của quá trình thực thi pháp luật cũng như hạn chế và gây khó khăn cho kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ xăng dầu. Tóm lại, theo tôi việc lấy ý kiến đóng góp để sửa đổi Dự thảo Nghị định này cần được tiến hành tiếp tục.

Trân trọng cảm ơn ông!

GIA NGUYỄN thực hiện

Link gốc

https://diendandoanhnghiep.vn/can-tu-duy-va-cach-tiep-can-khac-voi-thi-truong-xang-dau-263436.html