Cập nhật vĩ mô quý 3/2023

CẬP NHẤT NHANH VĨ MÔ QUÝ 3/2023

Số liệu vĩ mô Quý 3 mới công bố từ TCTK chưa cho thấy sự bứt phá, đặc biệt từ các động lực tăng trưởng chính. Mặc dù tình hình kinh tế có sự phục hồi so với giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP trong 9 tháng chỉ ghi nhận ở mức 4,2% và do vậy chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng 4.5-5% cho cả năm 2023. Việc đẩy nhanh hơn tốc độ giải ngân đầu tư công và các chính sách hỗ trợ mới có thể được đưa ra trong cuộc họp Quốc hội vào cuối tháng 10 có thể là điểm tích cực cho tăng trưởng Quý 4.

Điều chỉnh Q2.2023: Số liệu chính thức của Q2.2023 cho thấy được điều chỉnh giảm ở tăng trưởng GDP (từ 4,14% xuống còn 4,05% svck) – chủ yếu từ lĩnh vực chế biến chế tạo (từ 1,16% xuống còn 0,60% svck).

Tăng trưởng GDP Q3.2023: Phục hồi yếu, với mức +5,33% svck trong đó nông lâm thủy sản (+3,72%), Công nghiệp và Xây dựng (+5,19%) và Dịch vụ (+6,24%). Một số nhóm ngành cấp 2 chiếm tỷ trọng cao trong GDP đều có diễn biến không quá tích cực như sau:

Chế biến chế tạo (+5,6% svck so với +0,6% của Q2.2023) nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ở các sản phẩm chủ lực vẫn ở mức yếu điện tử, vi tính (+3,2% svck) hay dệt may (+5,0% svck). Chỉ số sử dụng lao động trong ngành công nghiệp vẫn suy giảm 1,9% svck, trong đó chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước (-2,5% svck) và FDI (-1,7% svck).
Doanh thu bán buôn và bán lẻ (+8,15% svck so với +8% trong Q2.2023) nhưng tăng trưởng doanh thu bán lẻ danh nghĩa ở mức 7,3% svck ( giảm đáng kể từ mức +8,8% svck trong Q2.2023) do tiêu dùng yếu và đóng góp doanh thu từ ngành du lịch chậm lại.
Hoạt động kinh doanh bất động sản (-1,0% svck so với -1,1% trong Q2.2023): Chưa cho thấy sự cải thiện.
Thương mại: Xuất khẩu tháng 9 (+4,6% svck) và Nhập khẩu (+2,6% svck) có cải thiện nhưng lại có thể đến từ hiệu ứng nền so sánh thấp (Xuất nhập khẩu tháng 9 năm ngoái bắt đầu chịu tác động từ nhu cầu suy yếu bên ngoài khi giảm tới gần 15% so với tháng 8). Một điểm tích cực là chỉ số giá xuất khẩu của 9 tháng đầu năm 2023 chỉ giảm nhẹ (-1,07% svck) trong khi chỉ số giá nhập khẩu giảm đến 4,82%, điều này thấy các nhà sản xuất có thể vẫn có những giải pháp để duy trì biên lợi nhuận.
Thặng dư cán cân thương mại 9 tháng đầu năm 2023 đạt mức 21,68 tỷ USD và thâm hụt khu vực dịch vụ thu hẹp lại còn 6,7 tỷ USD và nhờ vậy có thể giúp cán cân vãng lai của Việt Nam ở vị thế tích cực và là một yếu tố quan trọng hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Lạm phát: ghi nhận ở mức cao trong tháng 9, khi tăng 1,06% so với tháng trước và 3,6% so với cùng kỳ do giá nhóm lương thực (gạo), và giá nhóm xăng dầu. Nhìn chung, tốc độ hạ nhiệt của lạm phát cơ bản vẫn đang chậm hơn nhiều so với lạm phát chung. Bình quân 8 tháng lạm phát chung tăng 3,2% - vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ trong khi lạm phát cơ bản ghi nhận tăng 4,4%.

Giải ngân vốn FDI khả quan: Tính đến cuối tháng 9, giải ngân FDI đạt 15,9 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ và là con số thực hiện cao nhất 9 tháng trong vòng 5 năm qua. Trong đó chủ yếu dòng vốn chảy vào lĩnh vực chế biến chế tạo (chiếm 83%). Vốn FDI đăng ký mới cũng khi nhận mức tăng trưởng tích cực (+43% svck) và Vốn FDI đăng ký tăng thêm thu hẹp tốc độ giảm (chỉ còn giảm 38% svck). Tuy nhiên, tổng vốn FDI đăng kí mới và tăng thêm trong 9 tháng chỉ tương đương vốn FDI giải ngân và điều này sẽ tạo áp lực lớn trong tăng trưởng giải ngân trong năm 2024.

Đầu tư công: Chi đầu tư phát triển đạt tăng mạnh trong tháng 9 (+64 nghìn tỷ đồng) và tổng 9 tháng đạt 363,3 nghìn tỷ đồng (+43,5% YoY và 50% kế hoạch Thủ tướng) tuy nhiên số liệu chính thức từ Bộ Tài Chính sẽ chính xác hơn.

Số liệu về thị trường tiền tệ: M2 (cung tiền): +4.75% YTD (năm ngoái 2.49%), huy động: +5.8% (năm ngoái 4.04%) và tín dụng: 5.75% (năm ngoái: 10.54%) cho thấy thanh khoản hệ thống dồi dào.