Chiến lược dòng tiền thông minh

Trong giai đoạn khó khăn, sức mua giảm sút, các chuỗi bán lẻ đối mặt với sức ép lớn trong những cuộc chiến về giá. Rất nhiều chuỗi cửa hàng đã phải thu hẹp quy mô để đối đầu với tình trạng này.

Tuy vậy, trong thời gian đó, vẫn có những chuỗi cửa hàng bán lẻ đã có thể không chỉ tồn tại mà còn có lợi nhuận tốt nhờ ứng dụng chiến lược dòng tiền một cách thông minh.

Fahasa cơ cấu vốn lưu động hợp lý giúp họ có một mức lợi nhuận lớn một cách an toàn.

Chiến lược của FAHASA

Không chỉ gặp sức ép cạnh tranh giai đoạn gần đây, trong hơn 10 năm qua, ngành bán lẻ sách đã chịu áp lực cạnh tranh lớn. Các đối thủ mới ở thị trường bán lẻ sách trực tuyến liên tục tung chiết khấu mạnh để chiếm thị phần: Giai đoạn những năm 2010 là sự xuất hiện của Vinabook, sau đó là sự vươn lên của Tiki, và rồi Shopee và Lazada cũng bắt đầu tập trung vào mảng bán lẻ sách. Mức giảm giá bán lẻ có thời điểm vượt 40%, ăn mòn lợi nhuận của tất cả các bên.

Tuy vậy, trong quãng thời gian khó khăn đó, chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam, Fahasa, vẫn vững vàng báo cáo lợi nhuận đều mỗi năm. Trong 5 năm gần đây (2019-2023), ngoại trừ năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, thì các năm còn lại công ty đều báo cáo lợi nhuận tốt. Đặc biệt, trong năm 2023, công ty này đạt mức lợi nhuận kỷ lục hơn 70 tỷ đồng.

Điều gì đã làm nên sự vượt trội về lợi nhuận của Fahasa? Có một điểm đặc biệt trong cơ cấu lợi nhuận của công ty, đó là lợi nhuận từ hoạt động tài chính, mà chủ yếu là tiền lãi ngân hàng, chiếm một phần không hề nhỏ. Năm 2019, trong 31 tỷ đồng lợi nhuận thì có 15 tỷ đồng là lợi nhuận từ hoạt động tài chính (chiếm gần 50%). Trong năm 2023, trong 71 tỷ đồng lợi nhuận thì có khoảng 26 tỷ đồng từ hoạt động tài chính (chiếm khoảng 36%).

Để có được cơ cấu lợi nhuận đặc biệt này, chúng ta cần phải xét đến cơ cấu vốn lưu động của công ty. Ngành sách có một đặc thù, đó là hầu hết hàng hóa mà nhà sách nhập từ hãng đều dưới dạng ký gửi hoặc công nợ dài ngày. Như vậy, khi một quyển sách được bán ra, nhà sách sẽ thu được tiền mặt trước, và sẽ thanh toán cho nhà cung cấp sau đó. Trong quãng thời gian từ lúc thu tiền tới lúc thanh toán, tiền mặt nhàn rỗi do thu trước chi sau có thể được nhà sách đầu tư ngắn hạn (gửi tiết kiệm).

Là một chuỗi nhà sách lớn với quy mô doanh thu lớn, số lượng tiền nhàn rỗi do cơ cấu dòng tiền thông minh của Fahasa là rất lớn. Xem báo cáo tài chính hàng quý của công ty, ta có thể thấy số tiền gửi ngân hàng thường xuyên đạt từ 350 đến 450 tỷ đồng, làm nên phần lớn lợi nhuận 26 tỷ đồng trong năm 2023.

Như vậy, nhờ sức mạnh trong hoạt động kinh doanh cốt lõi (bán lẻ sách và văn phòng phẩm), Fahasa đã có thể cơ cấu vốn lưu động của mình một cách hợp lý để đạt đến tình trạng tối ưu về dòng tiền, giúp họ vừa có một mức lợi nhuận lớn một cách vô cùng an toàn, vừa có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành sách ở Việt Nam.

Fahasa cơ cấu vốn lưu động hợp lý giúp họ có một mức lợi nhuận lớn một cách an toàn.

Vòng quay tiền mặt âm

Chiến lược dòng tiền của Fahasa cũng đã được một “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ áp dụng. Amazon vẫn luôn tận dụng dòng tiền nhàn rỗi nhờ thu trước trả tiền sau để tái đầu tư và phát triển. Họ gọi đây là chiến lược vòng quay tiền mặt âm (Negative Cash Conversion Cycle), trong đó tiền mặt được thu từ khách hàng trước nhiều ngày, sau đó mới được Amazon thanh toán cho nhà cung cấp.

Nói một cách đơn giản, vòng quay tiền mặt (CCC) là số ngày kể từ khi công ty thanh toán cho nhà cung cấp để mua sản phẩm, cho đến khi công ty thu được tiền từ khách hàng mua sản phẩm đó. Nếu công ty trả tiền cho nhà cung cấp vào ngày 1, và thu được tiền từ khách hàng vào ngày 3, thì CCC sẽ là 3-1=2.

Trong trường hợp của Fahasa hay Amazon, do thu tiền trước trả tiền sau, nên CCC là một con số âm, tạo cơ hội cho công ty tận dụng nguồn tiền mặt nhàn rỗi này.

Tối ưu dòng tiền

Vậy thì các công ty sử dụng chiến lược dòng tiền đã làm cách nào để tối ưu dòng tiền của mình? Câu trả lời là tập trung vào hoạt động cốt lõi và nâng cao khả năng dự báo lực cầu.

Trong buổi gặp mặt thông tin về tình hình hoạt động của Fahasa trong năm 2023, CEO công ty đã nói rõ rằng lợi nhuận của công ty đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào các khoản đầu tư chiến lược vào công nghệ. Đáng chú ý, công nghệ quản lý danh mục của Fahasa hiện có khả năng dự báo chính xác nhu cầu của khách hàng đối với từng danh mục sản phẩm trước 10 ngày, với số sản phẩm phong phú lên tới 400.000 SKU. Do đó, công ty có thể điều chỉnh mức tồn kho một cách khéo léo - tăng lượng hàng tồn kho cho các mặt hàng có nhu cầu cao, hoặc chủ động giảm lượng đối với các sản phẩm ít nhu cầu, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chính việc tối ưu tồn kho nhờ dự báo tốt đã giúp công ty cải thiện vốn lưu động, dẫn đến dòng tiền tích cực như đã nói ở trên.
Có thể thấy, chiến lược tối ưu dòng tiền là một chiến lược hiệu quả đã được chứng minh cho các doanh nghiệp bán lẻ trong giai đoạn hiện nay. Bằng cách tập trung vào cốt lõi, đầu tư cho công nghệ dự báo, và cơ cấu tài chính thông minh, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường và đạt được cơ cấu lợi nhuận bền vững hơn.

Link gốc

https://diendandoanhnghiep.vn/chien-luoc-dong-tien-thong-minh-262123.html