Chính phủ kiên định tinh thần '5 quyết tâm,' '5 bảo đảm,' '5 đẩy mạnh', phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 65/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024; trong đó yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành đã được xác định từ đầu năm và tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh", phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Chính phủ kiên định "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" để phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Kinh tế được thúc đẩy trên cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ

Tại Nghị quyết trên, Chính phủ thống nhất đánh giá: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy trên cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.07% so với tháng trước, bình quân 04 tháng tăng 3.93% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách Nhà nước 04 tháng ước đạt 43.1% dự toán năm, tăng 10.1% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 61.20 tỷ USD , tăng 15% so với cùng kỳ.

Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục xu hướng phát triển ổn định, tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 0.8% so với tháng trước và tăng 6.3% so với cùng kỳ. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so với tháng trước, tăng 9% so với cùng kỳ; tính chung 04 tháng tăng 8.5% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy...

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt; kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chưa ổn định, sức ép lạm phát và lãi suất ở một số nền kinh tế dự báo có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2024. Đối với nước ta, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn rất lớn và nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; các yếu tố bất lợi bên ngoài cùng những hạn chế, bất cập nội tại tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta...

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành đã được xác định từ đầu năm và tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" đã đề ra tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024; phát huy những kết quả đạt được; chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, kịp thời hơn nữa trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; giữ vững bản lĩnh, kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Phấn đấu tăng thu, kiểm soát chặt tiết kiệm chi

Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực; làm tốt công tác phân tích, dự báo; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các vấn đề mới phát sinh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân. Có giải pháp khơi thông gói tín dụng nhà ở xã hội 120 ngàn tỷ đồng; xử lý hiệu quả nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém, các ngân hàng kiểm soát đặc biệt để góp phần bảo đảm sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, khai thác các nguồn thu còn dư địa; tiếp tục duy trì, phát huy kết quả đạt được trong việc thực hiện các quy định về hóa đơn điện tử; phấn đấu tăng thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội.

Nhật Quang

FILI

https://vietstock.vn/2024/05/chinh-phukien-dinh-tinh-than-5-quyet-tam-5-bao-dam-5-day-manh-phan-dau-hoan-thanh-cac-chi-tieu-nam-2024-761-1188887.htm