Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khi nói về áp lực tăng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát cũng như tỷ giá trong thời gian qua.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ trên chương trình Vietstock LIVE tháng 04/2024 |
Lãi suất nên giữ, thậm chí giảm tiếp
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết về lý thuyết thì khi lạm phát tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nâng lãi suất để giảm tiêu dùng và từ đó làm giảm lạm phát. Nhưng quan sát tại Việt Nam trong nhiều năm nay không phải lúc nào cũng vậy và không phải lúc nào lạm phát cũng gắn với tiền rẻ, tức lãi suất thấp.
Hiện lãi suất đang thấp trong nhiều năm trở lại. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã xem xét và cân nhắc liệu có nên thay đổi những chính sách xuyên suốt trong năm 2024 chỉ vì mức tăng hơi cao trong quý 1 vừa qua.
Theo chuyên gia, gửi tiền ngân hàng chưa bao giờ là một kênh sinh lời. Người dân chỉ cần hơn lạm phát (3.77%) trong khi tiền gửi lãi suất 5-5.5% đã là một mức lãi suất tốt và an toàn. Nên không cho rằng Chính phủ sẽ nâng lãi suất lên nữa bởi tỷ lệ hiện tại vừa chống lạm phát và vừa thỏa đầu tư của người dân.
Điều này có hai lý do, thứ nhất là lãi suất thực bây giờ vẫn dương, vẫn rất tốt đối với người gửi tiền. Thứ hai là lãi suất nên giữ hoặc giảm nữa bởi tiền gửi ở Việt Nam được xem là an toàn như mua trái phiếu Chính phủ, tức phi rủi ro chứ không phải như các nước phát triển.
Chính phủ giữ lãi suất hợp lý để chi phí doanh nghiệp theo đó cũng ở mức hợp lý. Các doanh nghiệp đang cần cạnh tranh với thế giới, do đó lãi suất cho vay hợp lý chỉ nên khoảng 7% mà không nên hơn.
“Chính phủ sẽ không vì áp lực từ lạm phát mà nâng lãi suất trong năm nay”, ông Hiển chốt lại.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Minh Trang - Giám đốc Trung tâm Phân tích của Công ty Chứng khoán ACB cũng thấy rằng lạm phát tăng lên trong quý 1/2024 nhưng chưa phải là vấn đề và vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, điều khiến chuyên gia này lo ngại trong giai đoạn gần đây là tỷ giá chứ không phải lãi suất.
Hiện NHNN có những biện pháp để ổn định tỷ giá như thông qua thị trường liên ngân hàng nên không vì thế mà điều chỉnh các chính sách xuyên suốt và nhất quán dựa trên tăng lãi suất trong giai đoạn tới.
“Qua những động thái gần đây, tỷ giá cũng đang hạ nhiệt và chúng ta sẽ tiếp tục chờ đợi để đi trên trạng thái cân bằng tốt cho nền kinh tế hơn là thay đổi chính sách mà chưa chắc đã có lợi”, bà Trang nêu quan điểm.
Áp lực tỷ giá không quá đáng ngại
Ông Hiển cho biết tỷ giá quý 1/2024 và trong 20 ngày tháng 4 đã tăng khá mạnh. Nếu xét từ đầu năm 2024, tỷ giá đang tăng rất mạnh và gây lo ngại. Tuy nhiên, nếu tỷ giá không xuống và giữ suốt năm nay, tức tăng 5-6% so với đầu năm thì vẫn hợp lý.
Quan sát trong 6 năm gần đây, tỷ giá Việt Nam đã “neo” rất chặt với CPI và với sức mua 2 bên (giữa Việt Nam và Mỹ). Về nguyên tắc, đồng tiền nước nào có CPI cao hơn thì đồng tiền đó phải giảm. Quan sát mối tương quan này nhiều năm nay thì tỷ giá đang được giữ ở mức thấp.
Việc lãi suất gửi tiền tiết kiệm 6-7%/năm những năm trước và mua USD trong năm mà tỷ giá tăng 5-6% thì gần như ngang nhau. Tuy nhiên, nhiều năm nay tỷ giá chỉ tăng 1-1.2% thậm chí có năm không tăng, trong khi lãi suất tiền gửi vào ngân hàng vẫn ở mức 6-7%/năm. Như vậy có thể thấy tỷ giá những năm gần đây vẫn “neo” và tổng hòa trong giai đoạn như vậy không đáng ngại.
Theo ông Hiển, Chính phủ không điều chỉnh tăng tỷ giá vì thiếu đồng USD mà có thể do yếu tố “neo” nhiều năm, và những lo ngại của nhà đầu tư khi giữ bất động sản hay lãi suất gửi tiết kiệm thấp nên nhất thời quay lại với đồng USD . Do vậy, vấn đề khan hiếm USD sẽ không quá nghiêm trọng.
Phía chuyên gia ACBS nhìn nhận tình trạng tăng “nóng” của đồng USD và động thái bán ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là hai vấn đề chính ảnh hưởng đến tỷ giá.
“ Trước hết chúng ta phải nhìn vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng nóng này là gì?”, chuyên gia đặt câu hỏi đồng thời cho rằng mỗi giai đoạn có câu chuyện khác nhau.
Ví dụ, vào các quý 3 và 4 của năm 2023, việc tăng nóng đến từ chênh lệch lãi suất USD và VND trong thị trường liên ngân hàng. Nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp FDI thấy rằng việc giữ tiền USD trên tài khoản ở nước ngoài, sẽ đạt mức lãi suất 5-6%, còn nếu bán đi và gửi ở Việt Nam thì có lãi suất thấp.
Khi đó, các ngân hàng có xu hướng mua vào USD để giữ trạng thái, đồng thời các doanh nghiệp FDI không bán ra nên đã tạo làn sóng tỷ giá tăng vào cuối năm 2023. Và thị trường kỳ vọng áp lực đó sẽ giảm đi khi Fed hạ lãi suất trong năm nay. Nhưng những tháng đầu năm đang cho thấy việc hạ lãi suất nhiều khả năng khá muộn, đâu đó từ tháng 9 trở đi. Có nghĩa là trước đợt tỷ giá tăng trong thời gian qua thì chênh lệch đó vẫn còn tồn tại.
Ngoài ra, cuối quý 1/2024 là mùa kết thúc năm tài chính của rất nhiều doanh nghiệp FDI Nhật và Hàn Quốc. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến không có động thái bán USD , thậm chí tăng nhu cầu mua USD . Những câu chuyện như vậy đã tác động lên tỷ giá. Ngoài ra, giá vàng và tiền số cũng có thể ảnh hưởng nhưng không phải là lý do chính đối với hệ thống ngân hàng.
Để giải quyết bài toán, theo chuyên gia ACBS thì đầu tiên NHNN phải làm sao hạn chế chênh lệch lãi suất USD và VND . Việc NHNN cũng như hệ thống ngân hàng bán USD sau đó làm tỷ giá hạ nhiệt có thể xem là quyết định hợp lý. Khi chênh lệch không còn lớn nhưng tỷ giá vẫn căng thẳng là do nhu cầu mua USD có thực từ các doanh nghiệp.
Thị trường hiện nay sẵn sàng giữ USD để kiếm lãi nhiều hơn, ít nhất đối với hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, khi tỷ giá hạ nhiệt thì rủi ro mất giá của đồng VND sẽ không còn lớn, có thể 1-2% trong thời gian tới thay vì 5-7% do rất nhiều năm mức giá của VND đã duy trì khá tốt.
Các doanh nghiệp sẽ không còn động lực giữ USD nữa, lúc đó sẽ có hoạt động bán ra và NHNN sẽ mua bù lại vào những thời điểm không bị căng thẳng thiếu hụt như bây giờ. Bà Trang đánh giá tỷ giá như hiện nay chưa quá áp lực, ít nhất là trong ngắn hạn.
https://vietstock.vn/2024/05/chinh-phu-se-khong-vi-ap-luc-lam-phat-ma-tang-lai-suat-768-1185074.htm