Ông Phan Quốc Huỳnh thuộc thế hệ những người gắn bó lâu năm với chứng khoán. Ông tham gia thị trường với cương vị quản lý công ty chứng khoán - Chủ tịch Chứng khoán SBS và là thành viên nòng cốt của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) trong vai trò Phó Chủ tịch thường trực.
Người viết đã có cuộc trao đổi ngắn về những trải nghiệm trên sàn chứng khoán của ông. Cuộc trò chuyện không dài nhưng đủ để thấy quá trình hoạt động trên thị trường chứng khoán đã đem lại cho ông nhiều điều giá trị.
Ông bắt đầu tham gia chứng khoán từ bao giờ? Lúc đó thị trường có gì khác so với bây giờ?
Ông Phan Quốc Huỳnh: Tôi tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2007. Lúc đó, theo sự điều động của Ngân hàng Công thương, tôi về làm ở chứng khoán Ngân hàng Công thương.
Thị trường ngày ấy rất sôi động dù vốn hóa chưa lớn, khối lượng giao dịch rất nhỏ so với bây giờ. Sau này, khi chúng ta thúc đẩy cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp lên sàn, các nhà đầu tư đã có nhiều lựa chọn hơn, dẫn tới sự phân hóa.
Năm 2008, dưới tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu, công ty chứng khoán, ngân hàng, nhà đầu tư đều gặp khó khăn. Lúc đó thị trường quả thực rất xấu.
Làm sao để ông vượt qua giai đoạn khó khăn đó?
Ông Phan Quốc Huỳnh: Tôi vững tin là mọi việc sẽ trôi qua. Người nào chấp nhận được rủi ro sẽ tồn tại, thậm chí phát triển hơn.
Ông có thường xuyên giao dịch cổ phiếu?
Ông Phan Quốc Huỳnh: Trước đây, tôi mua vào - bán ra, chốt lời - cắt lỗ liên tục. Sau thì vì tham gia kinh doanh nên tôi phải dành thời gian lo lắng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo công ty phát triển nên không có nhiều thời gian theo dõi thị trường.
Ông hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB). Công việc của ông ở Hiệp hội như thế nào?
Ông Phan Quốc Huỳnh: Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính có nhiệm vụ kết nối các thành viên thị trường, đóng góp xây dựng thông tư, nghị định để hình thành khuôn khổ pháp lý cho thị trường. Hiện Hiệp hội đang xây dựng đề án đào tạo môi giới chứng khoán, tăng vai trò, trách nhiệm của môi giới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển. Hiện nay thế giới có nhiều điều bất ổn, lạm phát gia tăng cũng tác động nhiều tới chứng khoán Việt Nam lẫn thế giới. Đây là thử thách với chứng khoán Việt Nam. Với sự quan tâm của các cơ quan chức năng nhằm phát triển thị trường minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường vốn thì tôi tin chứng khoán sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Gần đây, thị trường biến động trước hàng loạt vụ bắt bớ, ở cương vị lãnh đạo SBS và VASB, ông đánh giá sao về tác động của các vụ việc này tới thị trường?
Ông Phan Quốc Huỳnh: Cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý những cá nhân, đơn vị vi phạm là điều đáng vui mừng, chứng tỏ là Nhà nước đang có sự quan tâm đến thị trường chứng khoán. Dù đây chỉ là một số vụ mang tính cục bộ, nhưng các vụ tiêu cực xảy ra là rủi ro của thị trường và nhà đầu tư đồng hành với rủi ro thì đó là điều rất nguy hiểm.
Là lãnh đạo công ty chứng khoán, ông đánh giá thế nào về hoạt động những năm qua của khối này?
Ông Phan Quốc Huỳnh: Thị trường tới nay còn khoảng 80 công ty chứng khoán. Nhóm công ty chứng khoán đã trải qua nhiều cung bậc khác nhau, vượt qua không ít khó khăn, thử thách. Đến nay đã có công ty chứng khoán vượt ngân hàng tầm trung về vốn. Đó là sự cố gắng lớn của ngành. Nhưng vẫn có 1 số công ty khó khăn và thua lỗ. Tôi tin rằng các công ty chứng khoán rồi sẽ tích cực hơn, những công ty khó khăn sẽ thoát lỗ. Không ai lỗ mãi được.
Có những lần thị trường “múa bên trăng” (trắng bên mua), nhà đầu tư lẫn công ty chứng khoán mất tiền đều. Tôi vẫn tin vào ngày mai, kinh tế thế giới tốt hơn, chứng khoán vẫn sẽ đi lên. Do đó, công ty chứng khoán, nhà đầu tư phải có bản lĩnh để tồn tại trên thị trường. Nghiệp vụ công ty chứng khoán phải nâng cao hơn nữa theo yêu cầu của thị trường chứ không dừng lại ở đây.
Vậy còn nhà đầu tư, họ cần gì để thành công trên thị trường?
Ông Phan Quốc Huỳnh: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, cái gì cũng cần có chuyên môn hóa. Những nhà đầu tư tổ chức đã có kỹ năng, kinh nghiệm tham gia thị trường. Riêng nhà đầu tư mới cần tìm hiểu kỹ thông tin, bám sát thị trường luôn biến động từng giây, từng ngày để theo dõi cổ phiếu, theo dõi ngành.
Các công ty chứng khoán luôn có bộ phận phân tích mang tính tham khảo, nhà đầu tư nên nghe theo đó. Việc nghe theo những lời hô hào trên các group rất rủi ro. Bản thân công ty chứng khoán cũng mong nhà đầu tư có lời, môi giới, chuyên gia cũng phải có trách nhiệm với nhà đầu tư.
Sau nhiều năm, trải qua nhiều sóng gió trên sàn, ông còn muốn gắn bó với sàn chứng khoán?
Ông Phan Quốc Huỳnh: Chứng khoán cũng dạy cho tôi rất nhiều điều, tất cả vấn đề kinh tế - xã hội. Nếu chứng khoán có biến động thì đó là cơ hội nhận biết về kinh tế, các ngành nghề để rút kinh nghiệm áp dụng trở lại vào kinh doanh, quản lý doanh nghiệp.
Tôi vẫn theo dõi bảng điện, các trang tin chứng khoán hàng ngày. Bạn bè tôi trên thị trường rất nhiều, những người cùng tham gia từ thời đầu tới nay cũng đã có người nghỉ hưu, chuyển đơn vị. Cá nhân tôi vẫn sẽ gắn bó với thị trường chứng khoán chừng nào còn làm việc. Tôi chưa bao giờ muốn rời bỏ thị trường chứng khoán vì tôi rất yêu nó. Nếu không làm quản lý nữa, tôi sẽ làm nhà đầu tư, vì đó là niềm vui mà.
Nguồn: [Longform] Ông Phan Quốc Huỳnh (SBS): “Chứng khoán đã dạy cho tôi rất nhiều điều” | Vietstock