Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong lúc đợi báo cáo việc làm, giá dầu vẫn đuối

“Thị trường đang thở phào nhẹ nhõm sau khi cuộc họp của Fed không đưa ra quan điểm cứng rắn như nhiều người lo ngại trước đó"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (2/5), khi nhà đầu tư đón nhận thêm nhiều báo cáo tài chính khả quan của các công ty niêm yết và đợi một số liệu kinh tế quan trọng dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Giá dầu thô tiếp tục suy yếu do thiếu lực hỗ trợ, trượt xuống đáy của 7 tuần.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 322,27 điểm, tương đương tăng 0,85%, chốt ở mức 38.225,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,91%, đạt 5.064,2 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,51%, đạt 15.840,96 điểm.

“Thị trường đang thở phào nhẹ nhõm sau khi cuộc họp của Fed không đưa ra quan điểm cứng rắn như nhiều người lo ngại trước đó. Kịch bản chính vẫn là việc cắt giảm lãi suất bị trì hoãn chứ không phải là Fed từ bỏ ý định hạ lãi suất”, chiến lược gia Angelo Kourkafas của công ty Edward Jones nhận định với hãng tin CNBC.

Nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong phiên này nhờ kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, như cổ phiếu hãng chip Qualcomm tăng 9,7%, cổ phiếu hãng bán lẻ ô tô cũ Carvana tăng 33,8%, hay cổ phiếu hãng dược phẩm Moderna tăng 12,7%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống thang, giúp nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn chốt phiên trong sắc xanh. Hãng chip Nvidia và hãng thương mại điện tử Amazon đều chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn 3%. Cổ phiếu hãng công nghệ Apple tăng 2,2%.

Phiên tăng ngày thứ Năm diễn ra sau khi thị trường giằng co trong phiên ngày thứ Tư sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed Jerome Powell về cơ bản đã bác bỏ khả năng Fed tăng lãi suất trong động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của ngân hàng trung ương này.

Về khả năng Fed tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, thị trường lãi suất tương lai hiện chỉ đặt cược ở mức 14% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Thị trường đang nghiêng nhiều hơn về khả năng Fed khởi động chu kỳ nới lỏng vào tháng 9.

Sau cuộc họp Fed, tâm điểm chú ý của giới đầu tư đang hướng tới bản báo cáo việc làm tháng 4 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Đây sẽ là một điểm dữ liệu giúp làm sáng tỏ thêm tình trạng của nền kinh tế Mỹ và triển vọng lạm phát, từ đó chi phối định hướng chính sách tiền tệ của Fed.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thêm 240.000 công việc mới trong tháng vừa qua, giảm từ mức 303.000 công việc mới được tạo ra trong tháng 3. Giới chuyên gia cũng kỳ vọng ở bản báo cáo này những dấu hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng tiền lương.

Nếu các số liệu trong báo cáo việc làm nóng hơn dự báo, kỳ vọng về đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed có thể tiếp tục bị đẩy lùi.

“Nếu báo cáo việc làm cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn vững nhưng thấp hơn con số của tháng trước, điều đó sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán”, chiến lược gia Anthony Saglimbene của công ty Ameriprise nhận định.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,05 USD/thùng, chốt ở mức 78,95 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ hôm 12/3.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London cũng có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3, nhưng sau đó thoát đáy và tăng 0,23 USD/thùng - tương đương tăng 0,3% - vào thời điểm đóng cửa, đạt 83,67 USD/thùng.

Giới đầu tư dầu đang lo ngại về sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu do kinh tế Mỹ có thể đang giảm tốc và kinh tế Trung Quốc còn ảm đạm, lượng dầu tồn trữ tăng, cộng thêm khả năng Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất. Phần bù rủi ro địa chính trị ở Trung Đông đối với giá dầu đã giảm xuống do căng thẳng dịu đi gần đây cũng khiến “vàng đen” mất đi một nguồn lực hỗ trợ quan trọng.

Theo nhà phân tích Alex Hodes của công ty StoneX, giá của dầu WTI và dầu Brent đều đang đóng cửa dưới ngưỡng bình quân 200 ngày - một chỉ báo kỹ thuật quan trọng cho thấy thị trường đang dịch chuyển theo hướng đầu cơ giá xuống.

“Câu chuyện bây giờ là vấn đề nhu cầu bởi phần bù rủi ro do căng thẳng Trung Đông đã giảm đi sau khi tăng mạnh vào tháng trước”, nhà phân tích độc lập Gaurav Sharma ở London nói với hãng tin Reuters.

Sự sụt giảm của nhu cầu dầu diesel toàn cầu cũng đang làm gia tăng mối lo ngại về sự giảm tốc của nhu cầu dầu tại các nền kinh tế lớn. Lượng tồn trữ dầu diesel ở cơ sở lọc hoá và kho dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp của châu Âu đã tăng hơn 3% trong tuần kết thúc vào hôm thứ Năm tuần này - theo dữ liệu từ công ty tư vấn Insights Global.

Theo tiết lộ của nguồn thạo tin với Reuters, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+, có thể gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu nếu nhu cầu không tăng.

Các nhà giao dịch cũng đang chờ xem liệu việc giá dầu giảm có dẫn tới việc Chính phủ Mỹ mua dầu để làm đầy dự trữ chiến lược. “Thị trường dầu đang được hỗ trợ bởi đồn đoán rằng nếu giá dầu WTI giảm dưới 79 USD/thùng, Mỹ sẽ mua vào cho dự trữ dầu lửa chiến lược của nước này”, Chủ tịch Hiroyuki Kikukawa của công ty NS Trading cho hay.

Bình Minh

https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-tang-manh-trong-luc-doi-bao-cao-viec-lam-gia-dau-van-duoi.htm