Thị trường chứng khoán phiên chiều chứng kiến việc chỉ số chính VN-Index bứt tốc những phút cuối, sắc xanh cũng theo đó phủ kín hầu hết các nhóm ngành...
Chiến lược “Sell in may” có phần chưa ứng nghiệm tại thị trường Việt Nam trong năm 2024. Tính từ đầu tháng 5, thị trường trải qua chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp, áp sát lại mức 1.250 điểm. Tâm lý lạc quan tiếp tục giúp thị trường giao dịch khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 07/05.
Đà tăng chỉ số có phần chững lại so với phiên trước đó khi áp lực chốt lời gia tăng, thị trường dần phân hóa. Chỉ số biến động biên độ hẹp ngay phía trên tham chiếu trong phiên sáng, lực cầu gia tăng trong phiên chiều giúp sắc xanh áp đảo trở lại. Kết phiên, VN-Index tăng 7,05 điểm, đạt 1.248,63 điểm, HNX tăng 0,67 điểm, đạt 232,96 điểm và UPCoM tăng 0,32 điểm, đạt 90,97 điểm.
Các chỉ số chính thị trường kết phiên 7/5 |
Tính chung toàn thị trường, có 42 mã tím trần và 431 xanh, áp đảo phe giảm điểm với 293 mã đỏ và 11 mã sàn, còn lại 830 mã đứng giá. Xét theo nhóm ngành, có đến 22 ngành tăng, trong đó có bán buôn tăng đến 3,36%, nhờ động lực từ PLX tăng 5,45%. Thị trường cũng chứng kiến hàng loạt nhóm ngành tăng trên 2% và 1%.
Ngược lại, chỉ có 3 ngành đi ngược xu hướng là xây dựng, ngân hàng và sản xuất thiết bị, máy móc nhưng mức giảm không đáng kể, đều dưới 0.5%. So với phiên sáng, sự lan tỏa đã lớn hơn.
Mức tăng điểm của VN-Index có đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu trụ, điển hình như HPG mang về 1,24 điểm tăng, theo sau là VNM với 1,15 điểm tăng. Nhìn một cách tổng quan, top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index đã mang lại 6,87 điểm cho chỉ số, áp đảo hoàn toàn 2,75 điểm giảm của nhóm ảnh hưởng tiêu cực.
Khối ngoại cũng hỗ trợ tích cực cho VN-Index phiên hôm nay. Khối ngoại mua ròng 119 tỷ đồng trên sàn HSX, tính từ đầu tháng 5 khối ngoại đã mua ròng trong 3 phiên liên tiếp. Tâm điểm mua ròng là nhóm cổ phiếu VN30 như: HPG (+220 tỷ đồng), MWG (+124 tỷ đồng), VNM (+116 tỷ đồng),... Ở chiều bán ròng khối ngoại mạnh tay hạ tỷ trọng các mã: FUESSVFL (-130 tỷ đồng), TCB (-101 tỷ đồng), VHM (-69 tỷ đồng),...
Điểm đáng lưu ý hiếm hoi có lẽ đến từ việc thanh khoản VN-Index có phần sụt giảm so với phiên hôm qua, trong ngày mà chỉ số tăng hơn 7 điểm. Nhưng so với trung bình 5 phiên gần nhất, thanh khoản vẫn có sự vượt trội hơn.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh trong các phiên tiếp theo và chỉ số VN-Index sẽ còn biến động gần đường trung bình 20 phiên. Đồng thời, các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh về gần vùng quá mua của các chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn nên áp lực điều chỉnh có thể gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
YSVN khuyến nghị nhà đầu tư, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên thị trường có thể vẫn sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh và các nhà đầu tư nên ưu tiên tích lũy cổ phiếu tại các nhịp điều chỉnh, tránh việc mua đuổi tại các nhịp tăng mạnh.
Chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng mạnh cho thấy cơ hội mua mới gia tăng. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung được nâng lên mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, trong ngắn hạn, VN-Index vẫn đang tiếp tục xu hướng hồi phục sau khi hoàn thành mô hình W vào phiên ngày 24/4. Thị trường khả năng sẽ sớm có rung lắc khi chỉ số tiệm cận ngưỡng cản trung hạn quanh vùng 1.250 điểm và diễn biến tại khu vực này sẽ quyết định xu hướng tiếp theo.