Đó là thông tin được ông Nguyễn Bác Toán - Phó tổng giám đốc thương mại Vietjet công bố tại hội thảo 'Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?' do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (17.5).
Ông Toán cũng đưa ra năm nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao và kiến nghị một số giải pháp để các hãng hàng không chủ động đối phó với những biến động khách quan từ thế giới.
“Chúng tôi luôn chú trọng tăng năng suất, mở đường bay mới”
Ông Nguyễn Bác Toán ví von, đề tài hội thảo hôm nay còn nóng hơn thời tiết và mùa hè sắp đến. Nhưng dù sức nóng đến bao nhiêu, Vietjet là hãng hàng không luôn chú trọng trong việc tăng cường sản xuất, mở đường bay mới. Đến nay VJ đã chuyên chở 195 triệu hành khách. Không chỉ vậy, hãng cũng đồng hành cùng các địa phương đi trước, mở lối thị trường hành khách, thị trường du lịch trong và ngoài nước. Những đường bay mà hãng đã mở đi Úc hay Ấn Độ là để ai cũng có thể đi được. "Ở trong nước, đến nay, Phú Quốc giảm nhiều đường bay, nhưng Vietjet bay 8 đường bay quốc tế và 4 đường bay nội địa. Tương tự, Đà Nẵng và Chu Lai (Quảng Nam) cũng có đến 4 đường bay nội địa và 5 đường bay quốc tế. Trung bình mỗi ngày hãng có 400 - 500 chuyến bay. Đây là cố gắng rất lớn của hãng", ông Toán nói.
Ông Nguyễn Bác Toán - Phó tổng giám đốc thương mại Vietjet cho rằng chủ đề giá vé máy bay đang rất nóng |
Ngay cả sau dịch Covid-19, dù rất nhiều khó khăn nhưng VJ vẫn thực hiện kích cầu rất lớn cho du lịch, khởi nguồn cho các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đến Việt Nam. Đến cuối năm 2023, hãng mở 17 đường bay đến Ấn Độ và phủ khắp toàn bộ nước Úc. Trong khi 18 sân bay nội địa hãng cũng đã mở đường bay. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên, hãng cũng mở đường bay từ TP.HCM và Hà Nội đi Điện Biên nhằm không chỉ phục vụ cho du lịch mà cho cả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. "Đến nay, các sản phẩm của Vietjet phục vụ đại quần chúng nhân dân, cao cấp và các sản phẩm chuyên biệt, đưa ra các sản phẩm cập nhật là bay trước trả sau, mua vé trả góp...", ông Toán dẫn chứng.
Nói về nguyên nhân giá vé bị đẩy lên cao, ông Toán cho rằng, có 5 nguyên nhân. Thứ nhất là do tình trạng thiếu tàu bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch Covid – 19. Các nhà sản xuất động cơ máy bay yêu cầu các hãng phải đưa tàu bay đi sửa các lỗi, khiến một số tàu bay phải nằm bãi, giảm 15 - 20% tàu bay.
Thứ 2 là chi phí nhiên liệu chiếm 40 - 50% chi phí vận hành của các hãng, trong khi giá xăng tăng 20 - 25%. Bên cạnh đó, áp lực thay thế nhiên liệu thân thiện môi trường. Cụ thể, đến năm 2025 các hãng phải thực hiện theo các chỉ số thế giới về zezo carbon, buộc các hãng phải thay đổi, làm chi phí tăng lên.
Thứ 3, các biến động trên chính trị của các khu vực trên thế giới tạo áp lực lên các hãng hàng không khi mà khu vực chúng ta có đến 85% chi phí sử dụng ngoại tệ.
Thứ 4 là nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không sụt giảm và cuối cùng là nhu cầu của khách hàng, chi tiêu cho ngành hàng không giảm. Từ tháng 10.2023 hãng đã đo đếm thị trường nội địa và thấy chi tiêu cho hàng không giảm 15 - 20%.
Ông Toán đưa ra bốn đề xuất để hạ nhiệt giá vé máy bay |
"Chưa bao giờ lịch sử ngành hàng không trong 20 năm qua lại sụt giảm chi tiêu mạnh như vậy", ông Toán nhấn mạnh và khẳng định, các hãng hàng không luôn mong muốn đem đến giá vé tốt nhất cho khách hàng. Vì vậy, để giảm giá vé về mức hợp lý để thị trường chấp nhận, đầu tiên cần có các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không. Từ đó giảm thời gian quay đầu của các chuyến bay, tăng tần suất, tăng năng lực vận hành khai thác, giảm giá dịch vụ các khung giờ bay đêm để tăng cường các chuyến bay đêm phục vụ hành khách.
Thứ hai, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm các loại thuế, phí hiện hành, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các nguyên liệu thay thế nhằm bảo vệ môi trường và tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thực hiện các mục tiêu ESG về phát triển bền vững.
Thứ ba, thực hiện các chiến lược, chương trình quảng bá du lịch ở tầm quốc gia với sự thống nhất và tận dụng các nguồn lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân nhằm thu hút thêm nhiều hơn nữa du khách quốc tế đến với Việt Nam cũng như người dân Việt Nam ủng hộ du lịch Việt Nam. Hãng đã làm nhiều rồi, nhưng cần làm nhiều hơn nữa, kích cầu hơn nữa. Hãng đã mở các đường bay mới, đưa khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đến Việt Nam, trong đó đặc biệt đưa khách đến Phú Quốc để đáp ứng nhu cầu và thay thế khách nội địa sụt giảm...
Thứ tư, xây dựng các kế hoạch truyền thông đồng bộ và nhất quán để người dân và du khách quay trở lại với thói quen lên kế hoạch sớm, đặt vé xa ngày, lựa chọn các kênh bán vé chính thức, chủ động theo dõi các thông tin từ hãng hàng không để có được giá vé máy bay hợp lý cũng như hỗ trợ ngành hàng không lên kế hoạch và chủ động hơn trong hoạt động khai thác, đặc biệt là những dịp cao điểm lễ, tết… Đây là thông lệ của ngành hàng không quốc tế, của ngành du lịch khi đặt vé sớm sẽ được mua vé rẻ hơn. Khi đặt mua vé, thanh toán ở các kênh chính thống sẽ giảm chi phí trung gian. Hiện hãng Vietjet cũng đã mở nhiều kênh để bán vé, để khách hàng thanh toán được tiện lợi, dễ dàng hơn.
"Chúng ta chuẩn bị bước vào mùa hè, mùa cao điểm, hãng sẽ có những giải pháp cùng đồng hành, cùng thay đổi, cùng kích cầu để giúp người dân đi được nhiều hơn nữa. Chúng tôi cam kết tăng năng lực sản xuất tối đa nhất, nhất là việc đi tìm tàu bay để thuê dù rất khó, chi phí rất cao. Thông qua các diễn đàn chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi cũng có nhiều vé giá thấp, nhất là khi người dân mua vé sớm sẽ có mức giá hợp lý. Với dịch vụ như vậy chúng tôi cam kết đảm bảo lượng cung ứng phục vụ người dân, phục vụ việc phát triển cho kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ hành khách trong và ngoài nước", ông Toán nhấn mạnh.