Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục giảm 2% thuế VAT, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh trong 6 tháng cuối năm. Chuyên gia khuyến cáo chính sách hỗ trợ nên dài hạn thay vì "ăn đong" bởi doanh nghiệp không thể liên tục thay đổi kế hoạch kinh doanh...
Việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu ngân sách khoảng 24.000 tỷ đồng.Chính phủ vừa có Tờ trình số 177/TTr-CP trình Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
KHÔNG DỪNG LẠI Ở GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG 2%
Tại tờ trình, Chính phủ cho biết trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn, diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu nên tiếp tục ảnh hưởng xấu đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam.
Ở trong nước, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực khởi sắc, triển vọng tích cực, được tiếp sức bởi các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ nhưng thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.
Trong bối cảnh đó, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Chính phủ cho rằng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2023.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2%; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như áp dụng trong năm 2023 nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.
Theo tính toán, việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng gây hụt thu ngân sách khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng; trong đó, giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng.
Về kết quả giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 3 tháng đầu năm 2024, Chính phủ cho biết số thuế giá trị gia tăng được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng.
Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu giảm vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến số thu giảm khoảng 23,488 nghìn tỷ đồng.
"Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng", tờ trình Chính phủ nêu rõ.
Về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đối với nhiều mặt hàng là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.
Việc được giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Có thể khẳng định, chính sách này giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả.
Đánh giá về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trước mắt cần sớm công bố chương trình giảm thuế giá trị gia tăng ngay trong kỳ họp Quốc hội lần này.
"Thời gian tới không thể làm theo cách "ăn đong" như thời gian qua, tức cứ 6 tháng, 1 năm lại thay đổi chính sách, bởi doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch dài hạn, không thể đợi chính sách chỉ có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Điều này cũng khiến tác động, tính hiệu quả của chính sách khá hạn chế".
Ông Đặng Đức Anh , Phó Viện trưởng Viện CIEM
Do đó, ông Đức Anh cho rằng, nên ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến cuối năm 2025, để doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Cũng theo lãnh đạo CIEM, trong khi chờ sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét ban hành nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc.
"Hiệu lực chính sách giá trị gia tăng hiện nay kém dần so với giai đoạn đầu, nếu không có chính sách bổ sung thêm thì hiệu quả chính sách hỗ trợ sẽ kém dần", Phó Viện trưởng CIEM đánh giá.
TẬP TRUNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG
Đánh giá về bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, theo Chính phủ, đại dịch Covid-19 xảy và những biến động địa chính trị trên thế giới đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Cùng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ làm cho kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về diễn biến kinh tế - xã hội thời gian qua theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn.
Trong quý 1/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. So sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tổng số doanh nghiệp giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp trong quý đầu năm, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5%.
Các tổ chức quốc tế như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... đều đồng loạt nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 so với các nước trong khu vực. Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%; IMF dự báo GDP năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 5,8%. Tuy nhiên, các mức dự báo này thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao.
Cũng tại tờ trình, Chính phủ cho biết trong giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng.
Quy mô dự kiến đối với những giải pháp ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.