Thị giá BAF và HAG đạt trần trong đầu phiên sáng 17/5, DBC cũng tăng 5%. Tính trong 1 tháng gần nhất, BAF tăng xấp xỉ 20%, HAG tăng 22% và DBC tăng 20%.
Cổ phiếu tiếp đà tăng
Cổ phiếu các doanh nghiệp chăn nuôi heo tiếp tục xu hướng khả quan và đang là tâm điểm trên thị trường chứng khoán. Cả BAF, HAG và DBC đều ghi nhận sắc xanh ngay từ đầu phiên 17/5. Đến 10h30, BAF và HAG đang đạt giá trần (tăng 7%), DBC tăng 5% (thị giá BAF tăng trần nhưng thấp hơn phiên trước do 17/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:17).
Điều này tiếp diễn xu hướng bứt phá từ những phiên trước đó. Tính trong 1 tháng gần nhất, BAF tăng xấp xỉ 20%, HAG tăng 22% và DBC tăng 20%.
Thanh khoản các mã này đều cải thiện rõ rệt trong ngắn hạn và lọt top giao dịch nhiều trên sàn chứng khoán. Khối lượng giao dịch bình quân phiên qua 1 tuần của BAF, HAG và DBC cao hơn so với bình quân tháng (tương ứng từng mã) lần lượt khoảng 61%, 28% và 14%.
Diến biến giá BAF, HAG, DBC từ đầu năm đến 10h30 phiên 17/5. (Biểu đồ: TradingView).
Diễn biến trên dường như hưởng ứng sức nóng của giá heo hơi trên thị trường. Giá tại sáng 17/5 có mức tăng bình quân 1.000 - 2.000 đồng/kg so với hôm trước, dao động tập trung ở vùng giá 64.000 - 67.000 đồng/kg.
Như vậy so với đầu năm khoảng 50.000 đồng/kg, sản phẩm chăn nuôi này đã tăng giá đến khoảng 30%. Điều này mở ra cơ hội kinh doanh khả quan cho các doanh nghiệp có quy mô như Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF), Hoàng Anh Gia Lai (HAG) hay Dabaco (DBC).
Giá heo dự báo ở mức cao
Tại buổi chia sẻ tình hình kinh doanh quý I mới đây của Nông nghiệp BaF , Ông Ngô Văn Cường, Giám đốc Tài chính, cho biết biên lợi nhuận quý I khả quan khi mức giá heo hơi khoảng 55.000 - 56.000 đồng/kg. Chỉ tiêu dự kiến còn nới rộng hơn với mức giá như hiện tại.
Đại diện BaF đánh giá thời điểm hiện tại giá heo đang tăng tốt, có xu hướng lên khoảng 70.000 đồng/kg cho đến hết quý II. Diễn biến giá heo hơi tăng được lý giải đến từ nguồn cung. Các ông lớn chăn nuôi trên thị trường đang phải nhập heo giống với chi phí cao vì ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi (ASF).
Tuy nhiên, giá heo dù cao cũng không có nguồn cung để bán. Người nông dân hoặc doanh nghiệp muốn tái đàn cần chờ đến tháng 12 mới bán được, vì heo còn phải nuôi. Hiện tại không có heo giống hay heo cai sữa để tái đàn, nên giá khó giảm được.
Nhận định về tổng quan ngành chăn nuôi heo, ông Cường cho biết xu thế thị trường hiện tại đang khiến các hộ nhỏ lẻ dần thu hẹp lại, nhưng bên chăn nuôi công nghiệp sở hữu nguồn cung cho thị trường.
Không những vậy, hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp còn hưởng lợi khi giá nguyên vật liệu đầu vào giảm.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo các doanh nghiệp đều có góc nhìn lạc quan về giá heo và khả năng thu lợi nhuận từ mảng này trong 2024.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hồi đồng quản trị (HĐQT) của BaF cho biết, giá nguyên liệu đầu vào (như ngũ cốc) đã giảm từ khoảng quý IV/2023. Để từ đó đưa đến con heo cần mất khoảng vài tháng. Như vậy, điểm rơi lợi nhuận khởi sắc của doanh nghiệp dự kiến từ quý II trở đi.
Bên cạnh đó, dịch bệnh trong 2023 làm mất nhiều đàn nái, có áp lực nguồn cung khan hiếm, giá heo hơi ngoài thị trường tiếp tục tăng. Ông Bá dự báo từ quý II, quý III sẽ bắt đầu có lợi thế nhờ giá đầu vào giảm, giá heo hơi tăng,và chủ động về giống, kết quả 2024 được kỳ vọng đi lên.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco nhận định giá heo hơi năm nay sẽ tăng trở lại vì nguồn cung giảm. Giá sản phẩm này được dự báo sẽ còn tăng lên khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg ngay cả khi nhu cầu giảm, vì tác động của kinh tế khó khăn. Ở thị trường Trung Quốc, nguồn cung năm nay sẽ thiếu vì người dân giảm đàn sau thời gian dài thua lỗ.
Với Hoàng Anh Gia Lai, đơn vị đang bắt đầu nhân đàn nhờ nguồn tài trợ LPBank, trong đó vay 300 tỷ đồng để tăng đàn heo. Công ty xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2024 đạt 1.320 tỷ đồng, khi chưa tính đến lợi nhuận mảng heo. Theo Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức, lợi nhuận mảng heo dự kiến có từ quý IV và khả quan trong năm 2025 nếu giá bán vẫn tốt như hiện nay.
Giá thành nuôi công nghiệp khoảng 46.000 - 48.000 đồng/kg. Ông Đức thấy tiếc vì không mạo hiểm từ năm ngoái để bây giờ có thể hưởng thành quả. Năm 2025, doanh số heo của Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng có thể vượt qua mảng trái cây.
Game tăng vốn
Ở khía cạnh khác, ngoài câu chuyện giá cổ phiều đồng pha với giá heo hơi, cả ba doanh nghiệp đều đã hoặc đang có kế hoạch tăng vốn qua phát hành. Cụ thể hơn, Dabaco dự kiến chào bán tổng cộng 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ và chào bán ESOP để huy động vốn cho nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành, trang trại chăn nuôi lợn và trả nợ ngân hàng.
Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn tất chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư, qua đó thu về số tiền 1.300 tỷ đồng. Ba nhà đầu tư đã rót vốn vào doanh nghiệp gồm cá nhân ông Lê Minh Tâm mua 28 triệu cổ phiếu, chiếm 2,65% vốn công ty, Chứng khoán LPBank đã mua 50 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,73% và Tập đoàn Thaigroup mua 52 triệu cổ phiếu để nắm giữ 4,92% cổ phần sau đợt chào bán.
Với BaF, công ty đang thực hiện kế hoạch phát hành là 68,4 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, giá phát hành 10.000 đồng/cp, tương đương huy động hơn 684 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu không chào bán hết, hội đồng quản trị được ủy quyền chào bán cho đối tượng khác với giá không thấp hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu.
https://vietnambiz.vn/co-phieu-chan-nuoi-heo-lai-dua-nhau-tang-tran-2024517104723553.htm