Tính tới hết ngày 5/9, cổ phiếu VinFast đóng cửa ở mức 26,13 USD/CP (tương đương vốn hóa 60,28 tỷ USD). Với mức thị giá hiện tại, giá trị vốn hoá thị trường của hãng xe điện VinFast Auto chỉ còn đạt hơn 60,6 tỷ USD, mất gần 130 tỷ USD chỉ sau 1 tuần giao dịch.
Điều này khiến VinFast Auto tiếp tục tụt thêm 2 bậc trong bảng xếp hạng các hãng sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới, xuống vị trí thứ 8. Tuy nhiên, với mức vốn hoá này, VinFast Auto vẫn đang cao hơn đáng kể so với nhiều hãng xe nổi tiếng khác như Ferrari, Honda, Ford, Huyndai….
Với việc thị giá cổ phiếu VFS mất hơn 64% chỉ trong vòng 1 tuần đang khiến cộng đồng đầu tư quốc tế nhắc đến bài học sụp đổ của cổ phiếu HKD – mất hơn 99% hồi tháng 7/2022. Những người hưởng lợi nhất từ sự sụp đổ này là giới bán khống (short seller).
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ASEAN BIS) tại Jakarta hôm 4/9, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có những chia sẻ về câu chuyện giá cổ phiếu của hãng xe điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động mạnh trong thời gian qua.
Bà Lê Thị Thu Thủy cho biết, giá cổ phiếu VinFast biến động nhưng không đáng ngại và đặt niềm tin vào tiềm năng của công ty, nhất là sau khi xét tới sự mở rộng nhanh chóng của hệ sinh thái xe điện ở Đông Nam Á. VinFast là một hãng xe hơi thành lập năm 2017 và chính thức chuyển hoàn toàn sang xe điện từ năm 2022. VinFast ước tính bán 50.000 xe ô tô điện trong năm 2023. Tesla ước tính có thể bán 2 triệu chiếc trong năm nay, trong khi BYD có thế đạt doanh số 2,5 triệu chiếc.
Hôm 15/8, VinFast đã tạo dấu mốc lịch sử khi niêm yết 2,3 tỷ cổ phiếu VinFast lên sàn Nasdaq, với mã VFS và định giá 23 tỷ USD. Cổ phiếu này mở phiên đầu tiên ở mức 22 USD/cp và nhanh chóng đạt đỉnh 93 USD/cp (tương đương vốn hóa khoảng 210 tỷ USD), sau đó hạ nhiệt.