Đà giảm của cổ phiếu VinFast diễn ra trái ngược với xu hướng chung của thị trường chứng khoán Mỹ, mất hơn 84 tỷ USD/phiên giao dịch.
Trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa ngày 29/8, cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq (Mỹ) đã lao dốc xuống còn 75,25 USD/cổ phiếu, tương ứng giảm gần 9% so với mức giá đóng cửa 82,35 USD/cổ phiếu trong ngày 28/8. Đây được xem là tín hiệu cho thấy giới đầu tư đang tiến hành chốt lời cổ phiếu VFS sau đà tăng kéo dài 6 ngày liên tiếp vừa qua. Trong các phiên giao dịch trước, cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam đều tăng vọt ngay trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.
Xếp hạng các nhà sản xuất ô tô trên thế giới theo giá trị vốn hoá thị trường (tính đến ngày 29/8/2023) - Theo: Companiesmarketcap
Đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày 29/8, cổ phiếu VFS chỉ còn đạt 46,25 USD/cổ phiếu, giảm khoảng 43,8% so với mức giá đóng cửa ngày 28/8. Qua đó, chấm dứt mạch tăng giá kéo dài 6 ngày vừa qua.
Với mức thị giá hiện nay, tổng giá trị vốn hoá thị trường của VinFast đã mất hơn 84 tỷ USD chỉ sau một ngày giao dịch, xuống còn 107,4 tỷ USD. Tuy nhiên, VinFast vẫn đang tiếp tục giữ vị trí Top 3 hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới (sau Tesla và Toyota) về giá trị vốn hoá thị trường.
Trên bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng hiện có khối tài sản 39 tỷ USD, xếp thứ 30 toàn cầu.
Đà tăng vọt của 1 cổ phiếu mới như VinFast đã khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế ngỡ ngàng. Theo hãng tin Bloomberg nhận định việc đặt cuộc chống lại cổ phiếu VinFast (bán khống) là một quyết định đầy rủi ro. Các nhà đầu tư cho rằng biến động lần này là một sự kiểm chứng của thị trường đối với giá trị thực của VinFast.