Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (Mã chứng khoán: CTI ) vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp đầu tư khác, Cường Thuận IDICO cũng đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc pháp lý tại các dự án.
Trạm thu phí T1 thuộc dự án BOT Quốc lộ 91
Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng giám đốc Cường Thuận IDICO, cho biết: "Cường Thuận IDICO là nhà đầu tư BOT có tiếng tại khu vực phía Nam với nhiều dự án BOT trọng điểm như: Dự án Tuyến Quốc lộ 1 (tuyến tránh thành phố Biên Hòa), dự án Quốc lộ 91 – 91B, dự án BOT đường chuyên dùng cụm mỏ đá Tân Cang, dự án Đường 319 và nút giao với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây…"
Năm 2023, doanh thu của hoạt động thu phí đường bộ của tất cả các trạm thu phí BOT do Cường Thuận IDICO đầu tư là hơn 482 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng doanh thu của doanh nghiệp này.
Ông Quang nhận định, hầu hết các dự án BOT của công ty đều đang vận hành tốt, thu phí ổn định. Riêng dự án BOT Quốc lộ 91 hiện nay chỉ hoạt động thu phí tại trạm T1, còn trạm T2 đã phải dừng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của dự án và cả hệ thống của Cường Thuận IDICO. Doanh thu năm 2023 của dự án chỉ đạt khoảng 104 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đang bị âm khoảng 13,23 tỷ đồng.
Cụ thể, sau khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91, việc thu phí diễn ra thuận lợi ở cả trạm T1 và T2, cơ bản đảm bảo phương án tài chính của dự án. Tuy nhiên, sau khi thông xe cầu Vàm Cống vào tháng 5/2019, các phương tiện đi từ Đồng Tháp sang An Giang theo Quốc lộ 80 phải đi qua trạm thu phí T2. Hành trình này chỉ có 700m là phần đường của dự án BOT. Vì vậy, người dân đã phản ứng, cản trở việc thu phí, gây mất an ninh trật tự khu vực trạm thu phí T2. Trước tình hình bất khả kháng, nhà đầu tư phải dừng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25/5/2019 đến nay.
“Chúng tôi đã và đang nỗ lực làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để thống nhất phương án Nhà nước mua lại dự án”, ông Nguyễn Xuân Quang chia sẻ với các cổ đông và cho biết: "Ngày 8/3 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 2451/TTr-BGTVT trình Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, trong đó có dự án BOT Quốc lộ 91 và đã có đề xuất sử dụng vốn nhà nước để mua lại dự án với tổng giá trị là 1.754 tỷ đồng".
Mới đây, ngày 14/5, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có các văn bản số 5109/BGTVT- CĐCTVN, 5111/BGTVT- CĐCTVN và 5113/BGTVT- CĐCTVN về việc tham gia ý kiến Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông cho Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách; Ban Kinh tế Trung ương, Thanh tra chính phủ, các bộ ngành và Ngân hàng Nhà nước…
“Với sự quan tâm của Bộ Giao thông Vận tải, chúng tôi kỳ vọng chính sách pháp lý hỗ trợ cho dự án BOT Quốc lộ 91 sẽ rõ ràng và đầy đủ trong năm 2024. Nếu được thông qua phương án này, công ty sẽ có nguồn thu để hoàn thành việc trả nợ vay của dự án và có nguồn thu để trả cổ tức cho cổ đông ngay”, Tổng giám đốc CTI nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Quang Quang, Tổng giám đốc Cường Thuận IDICO
Ngoài các dự án BOT, các dự án khác của Cường Thuận IDICO cũng được các cổ đông rất quan tâm như: Khu du lịch Đảo Ó – Đồng Trường (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Dự án Khu dân cư phường Phước Tân (Biên Hòa, Đồng Nai), Dự án Mỏ đá Thiện Tân 10 (Đồng Nai)… Theo báo cáo của Cường Thuận IDICO, các dự án này đều đã có những bước tiến về pháp lý, tiến độ nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
Đối với Khu du lịch Đảo Ó – Đồng Trường, lãnh đạo Cường Thuận IDICO cho biết, từ khi tiếp nhận dự án Công ty Du lịch Đồng Nai (Nay là Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Nai) đến nay, công ty đã đầu tư, nâng cấp để tăng hiệu quả khai thác du lịch với tổng số đầu tư khoảng 178,5 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng giữa Du lịch Đồng Nai và Cường Thuận IDICO gặp nhiều vướng mắc và hiện đang được tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ban ngành tìm cách tháo gỡ.
“Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật khi chuyển nhượng và triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu du lịch này và hy vọng những khó khăn của dự án sẽ được tháo gỡ trong năm 2024, tiếp tục cho công ty thuê đất để đầu tư, kinh doanh du lịch hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Xuân Quang khẳng định.
Đối với dự án Khu dân cư phường Phước Tân, ông Nguyễn Văn Khang, Thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng giám đốc Cường Thuận IDICO, cho biết: Đây là dự án bất động sản có quy mô lớn của công ty với diện tích 10,4ha và là một trong số ít các dự án bất động sản tại Đồng Nai được tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, ngày 14/3 vừa qua, dự án đã UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư với quy mô 686 căn hộ trong đó 336 căn nhà liên kế và 350 căn hộ nhà ở xã hội, tổng vốn đầu tư 2.477 tỷ đồng. Cường Thuận IDICO kỳ vọng dự án sẽ mang về doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng. Hiện công ty đang tiến hành các thủ tục tiếp theo, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào quý 4/2024.
Phối cảnh phân khu nhà liên kế dự án Khu dân cư phường Phước Tân của Cường Thuận IDICO
Đối với Dự án Mỏ đá Thiện Tân 10, ông Nguyễn Xuân Quang cho biết, tổng giá trị đầu tư để mua đất (đã mua được 50% diện tích đất phục vụ khai thác) và đầu tư thiết bị khai thác tại mỏ vào khoảng 160,79 tỷ đồng/tổng mức đầu tư 376,8 tỷ đồng nhưng đã phải dừng khai thác mấy năm nay, gây thiệt hại rất lớn cho công ty.
Hiện pháp lý của dự án đang tiếp tục được tháo gỡ, trong đó mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 2572/UBND-KTN ngày 14/3/2024. Công ty đang tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục với Sở Kế hoạch Đầu tư để được cấp chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến, trong quý 3/2024 sẽ có giấy phép khai thác và đưa dự án hoạt động trở lại.
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Cường Thuận IDICO đạt doanh thu hợp nhất hơn 814 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 80 tỷ đồng. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.185 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 104 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến rót khoảng 818 tỷ đồng vào các dự án, trong đó khoản đầu tư lớn nhất là 268 tỷ đồng vào dự án Khu dân cư phường Phước Tân.
HOÀNG SƠN