Cục diện kinh tế nửa cuối 2023 - quan trọng!

image

Chúng ta đi hết Tháng Bảy (tháng đầu của sáu tháng còn lại năm nay, mở đầu cho… ‘hậu bán niên’ là nửa năm sau). Do tình trạng hỗn mang mọi mặt, chưa kể năm tới còn nhiều cuộc bầu cử, như tại Đài Loan và Hoa Kỳ (!) nên việc tìm hiểu, rẻ nhất là theo dõi, tình hình cũng có ích.

Hôm nay, trở về kinh tế Mỹ vì tuần này Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) sẽ quyết định về biện pháp tiền tệ vào Thứ Tư. Đây là kỳ họp cuối của Hội đồng FOMC cho đến Tháng Chín, là trước khi ta bước vào Quý 3, ba tháng cuối của năm 2023.

Câu hỏi được nêu ra hôm nay là tình hình tài chánh trên thị trường Hoa Kỳ sẽ ra sao trong thời gian tới?

📌Có bốn lý do nêu câu hỏi vì:

  1. khối tiền tệ thường thì tăng nay lại giảm; cùng

  2. đà gia tăng của thiếu hụt ngân sách, cũng gọi là bội chi vì chi cao hơn thu;

  3. lãi suất thật (trừ hiệu ứng lạm phát, khái niệm tôi hay nói và giải trình) đang lên; và

  4. Fed cho biết lãi suất ngắn hạn sẽ tăng.

Bốn yếu tố đó dẫn đến việc ‘đà tăng trưởng của kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm vì nhu cầu triệt giảm lạm phát’!

Khi theo dõi các biến chuyển kinh tế tài chánh (tóm lược ở trên), ta nên e ngại kịch bản đã thấy hồi… 2008: ‘ách tắc tín dụng’ hay “credit crunch”, khi lượng tín dụng - tiền cho vay – bất ngờ giảm. Nếu xảy ra, kịch bản đó khó nuốt vì lãi suất và khối tín dụng chia tay: hết liên quan với nhau, làm sao mình tính cho ra?

Khối tiền tệ lưu hành trên thị trường thường lên xuống theo sản lượng kinh tế (thường thôi, không bắt buộc). Trong khối đó, có tiền mặt, các loại ký thác ngắn hạn và một yếu tố nữa là tốc độ luân lưu của đồng bạc (turn over velocity). Mỗi lần thanh toán việc buôn qua bán lại là một dịp làm tăng mức luân lưu tiền tệ.

Thông thường, nếu độ tăng của khối tiền tệ có hạ thì mức luân lưu rất cao lại bù vào số hao hụt đó. Vậy mà trong Quý 1 (ba tháng đầu năm), người ta không thấy khối tiền tệ gia tăng mà tốc độ luân lưu cũng tăng chậm hơn. Nôm na là thị trường tiêu xài và trao đổi ít hơn. Điều này gây khó cho Fed vì làm sao tăng lãi suất để hạ lạm phát mà còn cố kích thích sản xuất nếu khối tiền tệ lại… xé chiếu bạc chơi riêng, hết bị lãi suất chi phối như xưa? Fed gặp khó làm thị trường càng khó đoán ra tính toán và quyết định của Thống đốc Jerome Powell. Thì ta tìm ngả khác để dự đoán!

Thị trường hiểu ra sự bất trắc nên ngó trước ngó sau. Thí dụ là khảo sát tâm lý giới tiêu thụ - dịch vụ nổi tiếng của Đại học Michigan. Từ đó người ta hy vọng đoán trước lãi suất thật do Fed quyết định. Trước bao lâu có thể là vấn đề thời điểm. Nhưng việc lãi suất thật từ mức cực thấp (là -5,2%) vào Tháng Ba năm ngoái lại tăng đến 1,8% từ Tháng Sáu vừa qua làm thị trường nhớ lại các tiền lệ: trước khi kinh tế bị suy trầm thì lãi suất thật đã tăng!

Thông thường, sự vận hành cao thấp của khối tiền tệ dẫn trước đà lên xuống của số tín dụng ngân hàng (bank credit). Bây giờ lại có sự lạ: tín dụng ngân hàng giảm thật, dù tổng sản lượng GDP có tăng! Không bói được nhờ quẻ lạ này thì người ta liếc qua kinh tế chính trị vậy: bội chi ngân sách.

Ngân sách Liên bang Hoa Kỳ vốn đã bị khiếm hụt thường xuyên vì chi cao hơn thu. Vậy mà năm ngoái, khi nạn lạm phát đã rõ mười mươi, Chính quyền Joe Biden còn giáng thêm hai chùy! Là đạo luật IRA (Inflation Reduction Act, Luật giảm lạm phát ) và CHIPS and Science Act. Hai chùy phang thêm hơn 10 ngàn tỷ đô la vào số khiếm hụt ngân sách trong những năm tới.

Nói thêm về đạo luật IRA: Mô thức Ngân sách của Phân khoa Kinh doanh Wharton School (thuộc Đại học Pennsylvania) cho biết là do lối hành văn, phí tổn thật của Đạo luật cao gấp ba ngạch số được Quốc hội cho phép. Cũng do đó, tiền lời đi vay để bù vào số bội chi ngân sách cũng tăng vì lãi suất đã tăng.

Nói cho gọn thì bội chi ngân sách sẽ tăng vì chi tăng vọt mà thu lại giảm nặng so với nguồn thu năm ngoái. Do nhiều yếu tố kỳ dị, khiếm hụt ngân sách liên bang Mỹ so với GDP thì từ 4,6% năm 2019 (trước khi bị đại dịch COVD) sẽ vượt 5,5% trong năm nay. Có vài nơi còn dự đoán ngạch số là 1,6 đến 1,9 ngàn tỷ đô la! Về kinh tế chính trị học thì việc tăng chi làm tăng bội chi như vậy đã KHÔNG giúp gì cho sản xuất kinh tế mà còn hậu quả ngược.

Kết luận có hai phần:

  1. bội chi ngân sách mà tăng nữa thì lạm phát chạy theo, chứ không giảm!

  2. phần chính - sẽ có lúc đưa vào “kinh tế nhập môn ngược” là giải ảo về kinh tế học – nếu vay hoài khiến gánh nợ của chính quyền mà vượt 90% Tổng sản lượng GDP thì lợi bất cập hại, là chuyện đang xảy ra!

NGUỒN BÀI VIẾT: Facebook