Đã có 14 TCTD ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào mở tài khoản, thanh toán, xác định giao dịch ngân hàng

Ngoài ra, đến nay cũng đã có 48 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp trên ứng dụng điện thoại di động; 58 tổ chức tín dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cược công dân gắn chíp tại quầy giao dịch...

Những số liệu trên được Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó Thường trực Tổ Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 8/5.

Đã có 14 TCTD ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào mở tài khoản, thanh toán, xác định giao dịch ngân hàng- Ảnh 1.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc

Cụ thể, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu rõ ràng, cho phép khách hàng trải nghiệm dịch vụ trên kênh số, có doanh thu từ kênh số tăng cao, đặc biệt là dịch vụ thanh toán số 100%; giải ngân cho vay trên kênh số; có sự tham gia các công ty tài chính; nhờ có sự kết nối liền mạch, người dân có thể tra cứu trên điện thoại thông minh tiền điện, tiền nước, thanh toán hóa đơn.

Năm 2023, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành Ngân hàng không ngừng thúc đẩy chuyển đổi số, sự phối hợp của Bộ Công an với NHNN bằng các nhiệm vụ trọng tâm đã làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Đồng thời, phối hợp triển khai xác minh những tài khoản nghi ngờ giả mạo phục vụ công tác quản lý nhà nước, phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm, xây dựng lòng tin của người dân.

Đến nay, đã có 48 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp trên ứng dụng điện thoại di động; 58 tổ chức tín dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cược công dân gắn chíp tại quầy giao dịch; 14 tổ chức tín dụng đang ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào các nghiệp vụ như mở tài khoản, thanh toán, xác định giao dịch, đối chiếu xác thực thông tin; ngân hàng hoàn thiện các giải pháp công nghệ, quy trình nghiệp vụ để thí điểm… nhận chi trả an sinh xã hội, thanh toán tiền điện nước dự kiến tiết kiệm chi phí khoảng 95 tỷ đồng/tháng; giảm thiểu tối đa thời gian, công sức, chi phí… từng bước thay thế các giải pháp truyền thống.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng khẳng định, Bộ Công an luôn sẵn sàng cùng ngành Ngân hàng để tạo ra nhiều tiện ích phục vụ người dân qua hoạt động ngân hàng. Về công tác bảo mật, Bộ sẽ cùng các đơn vị nghiệp vụ của NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp dịch vụ vừa đảm bảo an toàn, tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình kết nối; tiếp tục đẩy mạnh cho vay tín chấp qua chấm điểm công dân, bởi đến nay mới có 2 tổ chức tín dụng giải ngân cho 559 khoản vay…

Thanh Bình

An ninh Tiền tệ

https://cafef.vn/da-co-14-tctd-ung-dung-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-vao-mo-tai-khoan-thanh-toan-xac-dinh-giao-dich-ngan-hang-188240508160506776.chn