Đạm Ninh Bình: Đang ngập trong nợ 'bất ngờ' báo lãi lớn

,

Sau nhiều năm liền, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ, đến tận quý I/2024, đơn vị mới thực sự kinh doanh có lãi.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (Dự án Đạm Ninh Bình) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, khởi công tháng 5/2008, có tổng mức đầu tư 667 triệu USD từ nhiều nguồn (vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ của địa phương…), trong đó riêng khoản vay từ ngân hàng China Eximbank của có trị giá 250 triệu USD với thời hạn vay 15 năm (2008-2023).

Từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ (lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng).

Do đó, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình nằm trong số 12 dự án yếu kém ngành công thương đang trong quá trình xử lý.

Tính đến ngày 31/12/2021, Nhà máy điện đạm Ninh Bình còn nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 80% là nợ gốc (khoảng 9.600 tỷ đồng), 20% là nợ lãi (khoảng 2.400 tỷ đồng).

Năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Nhà máy điện đạm Ninh Bình đã hoạt động có lãi trở lại, nhưng do lỗ lớn từ những năm trước, nên nhà máy vẫn chìm trong nợ.

2022 là năm mà Vinachem “ăn nên làm ra” nhờ điều kiện thuận lợi từ thị trường bên ngoài. Năm 2022, Vinachem đã đạt doanh thu và lợi nhuận ở mức cao nhất kể từ khi thành lập tập đoàn đến nay với mức doanh thu đạt 62.023 tỷ đồng, lợi nhuận 6.200 tỷ đồng, xuất khẩu trên 500 triệu USD (tăng 17% so với 2021).

Dù vậy, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 (báo cáo mới nhất được công bố của Vinachem) cho thấy, đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ với nội dung Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là công ty con của Tập đoàn Vinachem chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công thương, chưa thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn. Tại thời điểm 31/12/2023, báo cáo tài chính của Đạm Ninh Bình phản ánh nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ luỹ kế âm vốn chủ sở hữu.

Song trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh giảm lãi suất vay, phương án kéo dài thời gian vay vốn và xoá nợ lãi vay của Vinachem cho các khoản nợ vay tại VDB liên quan đến 3 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai. Tổng chi phí lãi vay được xoá, miễn giảm mà Vinachem đã ghi nhận trong năm 2023 là 3.388,3 tỷ đồng. Trong đó, giá trị lãi được xoá, giảm được Đạm Ninh Bình ghi nhận vào thu nhập khác trong năm 2023 là 459,8 tỷ đồng.

Bên cạnh khoản nợ tại VDB, báo cáo tài chính 2023 của Vinachem cho thấy, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang có khoảng 618,2 tỷ đồng vay ngắn hạn tại BIDV và Vietcombank.

Về hoạt động kinh doanh của Đạm Ninh Bình, công ty duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định. Sau khi Đề án Tái cơ cấu công ty đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 đã giúp công ty duy trì sản xuất ổn định, tình hình tài chính được cải thiện và bắt đầu có lãi, phục hồi các nguồn lực cũng như chủ động được nguồn vốn trong sản xuất - kinh doanh, cân đối dòng tiền, sử dụng nguồn tiền có hiệu quả và trả bớt nợ gốc và lãi vay ngân hàng.

Nhờ vậy, quý I/2024, công ty tiếp tục kinh doanh có lãi.

Link gốc

https://vietnamfinance.vn/dam-ninh-binh-dang-ngap-trong-no-bat-ngo-bao-lai-lon-d110755.html