Theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng Việt Nam mỗi năm khoảng 50 tấn, tương đương 3 tỉ USD.
Tại tọa đàm "Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 17-5, các chuyên gia kinh tế đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho doanh nghiệp (DN) được nhập khẩu vàng.
Nguồn cung hạn chế
GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng thị trường vàng trong nước đang cách biệt quá xa so với thị trường thế giới. Việc nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng dẫn đến sự cách biệt đó càng lớn hơn. "Các kênh đầu tư hiện khó khăn, gửi tiết kiệm lãi suất thấp, người dân tìm đến vàng như một kênh đầu tư khá an toàn. Bối cảnh nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế, giá trong nước sẽ lên cao" - GS-TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Việc độc quyền vàng miếng SJC đã tồn tại nhiều năm qua, song theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, trong giai đoạn trước không có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng gia tăng.
Dẫn tính toán của Hội đồng vàng thế giới, ông Nghĩa cho biết nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, vấn đề đặt ra nếu không nhập khẩu, thì nguồn vàng từ đâu. Chuyên gia này nhận định, trước thời điểm năm 2020, việc nhập lậu vàng có xảy ra. Từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bộc phát, con đường nhập lậu vàng trở nên khó khăn hơn. Cùng lúc đó, hàng loạt vụ nhập lậu vàng bị phát hiện, khiến nguồn cung từ bên ngoài vào Việt Nam không còn như trước.
Từ đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc không có nguồn cung phần nào đã tạo ra sự chênh lệch giá. Nên để vàng trở lại trạng thái bình thường, không có gì quá ghê gớm để chúng ta phản ứng chính sách như thời gian vừa qua.
GS-TS Hoàng Văn Cường cũng nêu nghịch lý khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức đấu thầu, thì ngay sau đó giá vàng lại tăng vọt. Từ kết quả này, ông Cường cho rằng giải pháp đấu thầu đã không đạt mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước. GS-TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận ở góc độ nào đó việc đấu thầu còn là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn. Bởi theo ông Cường, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mục tiêu.
Để việc đấu thầu đạt mục tiêu, ông Cường cho rằng NHNN cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu.
Các chuyên gia kinh tế đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng. Ảnh: MINH PHONG
Lập sàn giao dịch vàng vật chất
Để bình ổn thị trường vàng thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, hiện nay bối cảnh kinh tế đã khác, chúng ta có đủ công cụ quản lý để vàng trở về đúng nghĩa chức năng như một loại tài sản để tích trữ, đầu tư. Do đó, cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC để thị trường điều tiết và có sự quản lý của nhà nước.
Khi sửa đổi Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng, ông Cường đề xuất "không cần quy định nhãn hiệu vàng miếng độc quyền của Nhà nước", mà các DN đủ điều kiện đều có thể sản xuất vàng miếng. Với quy định theo hướng nới lỏng này, kỳ vọng sẽ tạo sự cạnh tranh về giá trên thị trường, khi đó vàng SJC chưa chắc đã có giá cao hơn các thương hiệu vàng khác.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình với việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC, trả lại thương hiệu SJC cho DN. "Nhà nước cấp phép cho họ nhập khẩu bình thường và quản lý việc xuất nhập khẩu bằng thuế. Sức mạnh hữu hiệu nhất để quản lý là công cụ thuế" - TS Lê Xuân Nghĩa nói. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, việc đánh thuế cần ở mức độ vừa đủ, nếu đánh thuế nhập khẩu quá cao sẽ có nhập lậu vàng.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc AFA Capital, không cần duy trì vàng miếng SJC và nghiên cứu mô hình sàn giao dịch vàng vật chất. Trong trường hợp vẫn duy trì, NHNN sẽ phải cân đối nhiều mục tiêu trong điều hành, quản lý. Về dài hạn, ông Tuấn cho rằng nhu cầu về vàng của người dân chỉ là vấn đề tâm lý.
Về lập sàn giao dịch vàng vật chất, đây cũng là quan điểm của GS-TS Hoàng Văn Cường, TS Lê Xuân Nghĩa. Các chuyên gia này cho rằng Trung Quốc là quốc gia đã thành công với mô hình sàn giao dịch vàng tập trung, Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm này.
Trước một số ý kiến lo ngại về nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng Việt Nam mỗi năm khoảng 50 tấn, tương đương 3 tỉ USD. "Con số này chưa bằng một nửa kim ngạch xuất khẩu rau củ của Việt Nam, cũng chưa bằng 1/5 lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023" - TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo Minh Chiến
Người lao động
https://cafef.vn/de-xuat-bo-doc-quyen-vang-mieng-lap-san-vang-188240518091333552.chn