Sau khi quy định giá mua điện cố định FIT hết thời hạn, hiện nay chưa có chính sách mới để tiếp nối. Điều này làm chững lại trong thu hút các nguồn đầu tư vào các dự án điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà đang là một chủ đề rất nóng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Các chuyên gia doanh nghiệp trao đổi tại Tọa đàm: “Phát triển điện mặt trời mái nhà: cơ chế nào phù hợp” ngày 10/5/2024. Ảnh: Việt Dũng.Thực tế này được các chuyên gia, doanh nghiệp nêu ra tại Tọa đàm: “Phát triển điện mặt trời mái nhà: Cơ chế nào phù hợp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 10/5/2024.
Nhằm bù đắp sản lượng điện thiếu hụt, tháng 4/2017, Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Trong đó, giá mua điện mặt trời là 9,35 Uscents/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh) (trong khi đó, giá bán điện bình quân năm 2017 là 1.720,65 đồng/kWh).
CÁC DỰ ÁN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ CHỮNG LẠI
Đến tháng 6/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, giá mua điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/kWh (tương đương 1.943 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân 2020 là 1.826,22 đồng/kWh).
Sau hai quyết định trên, với giá điện hấp dẫn như vậy, điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà đã phát triển bùng nổ. Tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã có 8.642 MW điện mặt trời nối lưới vận hành, cao hơn 10 lần so với công suất đến 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch VII điều chỉnh (850 MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến 2025 là 4.000 MW.
Điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh, đến cuối 2020 có 7.864 MW được vận hành. Con số này nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên 16.506 MW, cao gấp 19 lần công suất phê duyệt Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Phương Mai, Chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, nhận xét trong thời gian qua có sự tăng trưởng đột phá của các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có dự án điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà.
Trước đây khi Việt Nam chưa có nhiều dự án năng lượng tái tạo, chính sách khuyến khích bằng cách đưa ra biểu giá FIT đã tạo động lực rất lớn, thúc đẩy tăng trưởng phát triển mạnh mẽ của các dự án.
Tuy nhiên, “không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều chỉ áp dụng giá FIT trong một thời gian nhất định, mang tính khuyến khích ban đầu đối với các dự án năng lượng tái tạo khi các quốc gia tiến hành chuyển dịch sang sử dụng các nguồn năng lượng từ tự nhiên nhiều hơn”, bà Mai nói.
Đồng tình với quan điểm của Chính phủ sẽ chỉ sử dụng giá FIT trong một thời gian nhất định, nhưng bà Mai cho rằng để các dự án năng lượng tái tạo, cũng như dự án năng lượng sạch nói chung phát triển, sự tiếp nối các chính sách cần phải có sự liên tục nhất định.
Hiện nay, điều này đang có sự gián đoạn bởi sau khi quy định giá mua điện cố định FIT hết thời hạn, chưa có chính sách mới nào để tiếp nối. Điều này làm chững lại trong thu hút các nguồn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cụ thể ở đây là các dự án điện mặt trời và hiện nay là điện mặt trời mái nhà đang là một chủ đề rất nóng.
Ông Nguyễn Minh Đức: "Quyết định 13 đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Việc đưa ra cơ chế giá FIT, cũng chỉ nên áp dụng trong một giai đoạn, thời điểm tạo lập thị trường cho quá trình chuyển dịch năng lượng”.Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, “Quyết định 13 đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Việc đưa ra cơ chế giá FIT, cũng chỉ nên áp dụng trong một giai đoạn, thời điểm tạo lập thị trường cho quá trình chuyển dịch năng lượng”.
Theo ông Đức, trong thời điểm đầu, khi chưa có hệ sinh thái, cung cấp nguyên liệu đầu vào, kỹ sư, máy móc…, để phát triển một dự án năng lượng tái tạo sẽ rất tốn kém, không khả thi về mặt kinh tế. Do đó, chính sách giá FIT sẽ giúp các dự án đầu tiên này vượt qua rào cản, tạo lập thị trường và hệ sinh thái.
Tuy nhiên, khi đã trải qua giai đoạn đầu này, thị trường được tạo lập và có nhà đầu tư… chính sách giá FIT sẽ không còn hiệu quả và nên chuyển sang các chính sách phù hợp, mang tính thị trường hơn, chuyên gia Ban pháp chế VCCI nêu quan điểm.
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT XANH KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ NĂNG LƯỢNG XANH
Sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là một chủ trương đúng đắn đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, với mong muốn sẽ giảm tải việc sử dụng điện từ lưới điện quốc gia, tận dụng hiệu quả tiềm năng mặt trời lớn ở những nước như Việt Nam.
Theo bà Mai, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mang lại những lợi ích, hiệu quả nhất định sẽ ứng dụng tốt với những dự án ở quy mô lớn nhất định, diện tích mái lớn, nhà xưởng, khu công nghiệp, trường học…,.
Với những dự án này, nhà đầu tư cảm nhận rõ sự khác biệt khi có nguồn điện tự sản xuất ra và nguồn điện mua từ trên lưới. Sự khác biệt về giá cả sẽ khuyến khích phát triển, tạo sự bền vững, lâu dài.
Bà Nguyễn Phương Mai: Sử dụng điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là một chủ trương đúng đắn đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, với mong muốn sẽ giảm tải việc sử dụng điện từ lưới điện quốc gia, tận dụng hiệu quả tiềm năng mặt trời lớn ở những nước như Việt Nam.Còn với quy mô gia đình, việc khấu trừ tiền điện hoặc nhìn vào mức độ giảm tiền điện có thể sẽ kéo dài. Ở góc độ kinh tế, việc đầu tư sẽ không mang lại lợi ích rõ rệt nên sẽ rất khó khuyến khích.
Ngoài ra, trong thời gian tới Việt Nam sẽ ban hành quy định liên quan đến mua bán điện trực tiếp. Đây cũng sẽ là một động lực để khuyến khích, thúc đẩy điện mặt trời áp mái phát triển. Cơ chế này sẽ cho phép điện mặt trời áp mái được tham gia vào thị trường.
Từ góc độ doanh nghiệp trực tiếp tham gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Công ty Vũ Phong, cho rằng so với thời điểm khi Nghị định 13 còn đang có hiệu lực, tất cả mọi người đều muốn làm điện mặt trời mái nhà nhưng để bán lại cho EVN. Đó là giai đoạn phát triển bùng nổ.
Sau giai đoạn đó, thị trường đã có sự chững lại. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, phát triển kinh tế xanh đòi hỏi phải phát triển năng lượng xanh, ông An nhấn mạnh nhu cầu thị trường để phát triển điện mặt trời mái nhà vẫn đang rất lớn, đặc biệt, nhu cầu năng lượng mặt trời dành cho các mái nhà xưởng, các khu công nghiệp. “Phát triển sản xuất xanh không thể không có năng lượng xanh”.
Ông Phạm Đặng An: "Nhu cầu thị trường phát triển điện mặt trời mái nhà vẫn đang rất lớn, đặc biệt, nhu cầu năng lượng mặt trời dành cho các mái nhà xưởng, các khu công nghiệp. Để phát triển sản xuất xanh không thể không có năng lượng xanh”.Không chỉ Việt Nam mà ở nhiều nước khác như Indonesia, Banglasesh, Campuchia…nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà, đặc biệt điện mặt trời trên các mái nhà máy để tự sản xuất, tự tiêu thụ hiện đang rất lớn.
Theo ông An, đây không chỉ là câu chuyện giảm chi phí năng lượng mà còn xanh hóa hơn các nhãn hàng của doanh nghiệp. Hiện nay đã có những Tập đoàn, doanh nghiệp thể hiện cam kết mạnh mẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu như Google, Microsoft, Lego…
Trong bối cảnh các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện, thủy điện gặp khó khăn thì việc khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió; điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, trong đó nêu rõ phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Cụ thể, từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất là từ 168.594- 189.294 MW, sản xuất 252,1- 291,5 tỷ kWh.
Quy hoạch điện 8 cũng nêu rõ, ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Nhằm triển khai Quy hoạch điện 8, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Đáng chú ý, trong dự thảo Nghị định đề xuất hai chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Quy định này vẫn đang có những ý kiến trái chiều.
https://vneconomy.vn/dien-mat-troi-mai-nha-chung-lai-sau-giai-doan-phat-trien-bung-no.htm