Điều gì khiến giá cổ phiếu tăng hay giảm?

Khi đầu tư ai cũng muốn mua khi giá bắt đầu tăng, bán khi bắt đầu giảm, nhưng câu hỏi đặt ra là điều gì khiến cổ phiếu tăng, điều gì khiến cổ phiếu giảm? Phải biết điều gì khiến giá cổ phiếu thay đổi thì mới biết mình phải phân tích cái gì, phân tích như nào nếu không như một mớ bòng bong, phân tích abc xyz sau đó cổ phiếu tăng cứ nghĩ mình phân tích đúng nhưng có thể chỉ là may mắn; rồi cũng chính những lý do đó nhưng giá cổ phiếu lại giảm cũng chẳng biết sai ở đâu.

Câu trả lời thực ra nằm ở các sách giáo khoa về đầu tư, nhưng nếu không đầu tư thực tế trải nghiệm thì sẽ không hiểu được.

Sự thay đổi giá cổ phiếu thì gắn liền với giá trị doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp tăng lên thì xu hướng giá thị trường tăng lên, và giá trị doanh nghiệp giảm thì xu hướng giá thị trường giảm. Giá cổ phiếu trên thị trường có thể coi là hàng hóa phái sinh tương lai của giá trị doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp sẽ quyết định giá thị trường, như vậy phân tích những yếu tố làm thay đổi giá trị doanh nghiệp sẽ biết những yếu tố làm thay đổi giá thị trường.

Giá trị = Dòng tiền tương lai kỳ vọng/ Tỷ lệ chiết khấu

Như vậy hiểu được dòng tiền tương lai kỳ vọng và tỷ lệ chiết khấu sẽ hiểu gần như toàn bộ sự thay đổi của giá thị trường. Dòng tiền tương lai kỳ vọng và tỷ lệ chiết khấu là gì?

Phân tích dòng tiền tương lai kỳ vọng chính là phân tích vi mô, phân tích báo cáo tài chính, phân tích nhà máy mới, sản phẩm mới, cửa hàng mới, phân tích doanh nghiệp…

Phân tích tỷ lệ chiết khấu chính là phân tích vĩ mô, phân tích về lãi suất, lạm phát, mua bán USD của SBV, phân tích thị trường chung…

Về mặt toán học sự thay đổi của mẫu số (tỷ lệ chiết khấu) bao giờ cũng tác động mạnh hơn sự thay đổi tử số (dòng tiền tương lai kỳ vọng) đến giá trị. Do đó một sự thay đổi 1 2% trong tỷ lệ chiết khấu cũng có thể tác động rất lớn đến giá trị.

Từ công thức trên bạn cũng phải hiểu rằng giá trị của một tài sản được quyết định bởi tương lai chứ không phải quá khứ. Nhưng phân tích quá khứ là phương pháp tốt nhất để hiểu tương lai, nhưng mức độ chính xác tùy thuộc vào độ may mắn và khả năng phân tích.

Tỷ lệ chiết khấu và dòng tiền tương lai kỳ vọng thường có mối tương quan ngược chiều nhau. Ví dụ như khi lạm phát tăng lên, làm tăng tỷ lệ chiết khấu và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thường khó khăn làm giảm dòng tiền tương lai kỳ vọng, do đó khiến giá trị giảm xuống rất mạnh; ngược lại khi tỷ lệ chiết khấu giảm thì dòng tiền tương lai kỳ vọng thường tăng nên giá trị tăng rất lớn. Đó là lý do vì sao giá cổ phiếu hoặc các tài sản phi sản xuất nói chung có sự biến động rất lớn.

Phân tích vĩ mô không phải ai cũng phân tích và hiểu được, nên có một mẹo nhỏ là nhà đầu tư có thể phân tích về xu hướng thị trường chung là hiểu được về xu hướng tỷ lệ chiết khấu, vì thị trường chung là đại diện tiêu biểu cho vĩ mô. Khi thị trường chung trong xu hướng giảm thì tức là tỷ lệ chiết khấu đang tăng, khi thị trường chung tăng thì tỷ lệ chiết khấu giảm, khi thị trường sideway thì tỷ lệ chiết khấu đang không đổi, khi đó giá trị sẽ phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng. Để phân tích thị trường chung đang ở giai đoạn này thì mình hay dùng phương pháp VSA để xác định các giai đoạn của thị trường đang ở vị trí nào.

Sự thay đổi trong tỷ lệ chiết khấu ảnh hưởng rất lớn đến giá trị và giá thị trường cổ phiếu, nên nhà đầu tư nổi tiếng Stanley Druckenmiller có nói một câu “Những con số lợi nhuận không làm dịch chuyển toàn bộ thị trường, mà chính là Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Hãy giành sự tập trung đối với những động thái của các ngân hàng trung ương và chú ý đến dòng chảy của vốn.” Đây là câu nói phản ánh rất đầy đủ về những yếu tố cơ bản làm thay đổi giá cổ phiếu, nhưng nếu bạn hiểu từ công thức nền tảng về định giá thì bạn sẽ hiểu sâu sắc và ứng dụng tốt hơn rất nhiều.