Doanh nghiệp muốn bán tín chỉ carbon: không dễ

Tại Việt Nam đã có các đơn vị đăng ký tạo tín chỉ carbon qua thị trường tự nguyện nhưng bán được hay chưa vẫn còn là dấu hỏi.

Hiệp hội doanh nghiệp (DN) TP.HCM vừa tổ chức chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 76 với chủ đề “ Tín chỉ carbon ai bán ai mua”.

Đã có DN Việt đăng ký qua thị trường carbon tự nguyện nhưng…

TS. Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá quốc tế Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết, nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định tín chỉ carbon có thể được DN phát thải sử dụng bù đắp lượng khí nhà kính (KNK) vượt quá mức cho phép được phân bổ nhưng không quá 10% tổng hạn ngạch được cấp cho cơ sở đó.

Như vậy, đối với tín chỉ carbon DN chỉ mua bán 10% tổng hạn ngạch của mình. Đây là thông lệ tốt trên thế giới khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải KNK mới hình thành chứ không riêng Việt Nam.

Qua đó, thị trường tín chỉ carbon cũng chỉ là thị trường bổ trợ cho thị trường mua bán hạn ngạch phát thải KNK.

Bên cạnh đó, hạn ngạch carbon đến trước 2025 chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam phân bổ nên DN chưa biết lượng tín chỉ carbon cần mua để bù đắp phần thiếu hoặc tạo thành mới không bị trùng với hạn ngạch phát thải được yêu cầu tuân thủ.

“Trong khi chờ sự phân bổ hạn ngạch phát thải theo cam kết của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới về nỗ lực tự nguyện giảm phát thải theo đóng góp do quốc gia tự quyết định ( NDC ).

DN có thể tham gia thị trường trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện trước. Sau đó vẫn có cơ hội quay lại thị trường tín chỉ carbon bắt buộc trong nước khi hình thành, dự kiến thí điểm 2025 và chính thức 2028”- TS Nam chia sẻ.

Lãnh đạo Hiệp hội DN TP.HCM tham quan gian hàng trưng bày tại chương trình.

Cũng theo TS. Nam, khác với thị trường tín chỉ carbon bắt buộc với sự tham gia của Chính phủ, thị trường carbon tự nguyện trên thế giới do các Tổ chức phi chính phủ đứng ra dùng uy tín của họ thuyết phục cá nhân, tổ chức mua bán tài sản của mình là tín chỉ carbon trên hệ thống nền tảng của họ.

"Thị trường tín chỉ carbon tự nguyện thế giới có quy mô 2 tỉ USD /262 tỉ USD (2021) so với thị trường bắt buộc nhưng thời gian qua phát triển rất nhanh. Tại Việt Nam đã có các đơn vị đăng ký tạo tín chỉ carbon qua thị trường tự nguyện nhưng không biết đã có ai bán chưa ”-TS. Nam nói.

Riêng chi phí thẩm định hồ sơ tốn vài chục ngàn USD

Theo TS Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá quốc tế của UNFCCC, muốn đạt chứng nhận tín chỉ carbon, bước đầu DN phải đăng ký dự án, chi phí vài trăm USD tuỳ cơ chế.

Sau đó thuê đơn vị thẩm định vào thẩm định kết quả giảm phát thải nhẹ theo thiết kế. Tiếp đến là giám sát đánh giá, thẩm định lần hai theo thực tế. Cuối cùng là chứng nhận tín chỉ carbon. Sau khi đạt chứng nhận đây là tài sản của DN, tổ chức, cá nhân và là sản phẩm để đem đi bán.

“Tư vấn quốc tế mỗi lần thẩm định với chi phí cả vài chục ngàn USD , nếu lần một chưa đạt, phải quay lại lần hai, lần ba thậm chí năm lần chi phí càng đội lên cao. Đơn vị phát triển dự án thấy chi phí vốn đã nhiều mà chưa có được tín chỉ sẽ không làm thẩm định nữa.

Do đó, thị trường Việt Nam hiện nay chưa có sản phẩm tín chỉ carbon. Nếu không có sản phẩm, DN hoặc nhà đầu tư không thể mua đi bán lại nhiều lần được” - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc HFIC chia sẻ thông tin tại chương trình.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM ( HFIC ) cho biết, bên cạnh chi phí cố định ban đầu, định kỳ hàng năm DN tốn chi phí giám sát, xác nhận, phát hành tín chỉ carbon.

Để giảm chi phí ban đầu cho DN, HFIC được giao nhiệm vụ điều phối - tập hợp nhiều dự án cùng lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực vào một hồ sơ. Sau đó thuê tư vấn nước ngoài thực hiện, vừa giảm chi phí tư vấn cũng như chi phí thẩm định.

“Hiện nay HFIC đang làm việc cùng WB. WB đang thiết kế chương trình cho TP.HCM vay 250 triệu USD thực hiện các hoạt động giảm phát thải carbon. Trong đó gồm 50 triệu USD là vốn vay ODA từ Hà Lan, 30 triệu USD vốn đối ứng của TP.HCM ...."ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Tung Sơn, Đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, không phải cứ tạo ra được tín chỉ carbon sẽ bán đồng giá mà giá trị tín chỉ carbon của ngành này sẽ khác với ngành kia, của Việt Nam khác với Singapore, Hàn Quốc hay vì sao có người bán 5 USD , người kia bán 100 USD … Tùy vào biên độ, thị trường quyết định.

Ví dụ tín chỉ carbon sinh ra từ năng lượng mặt trời, điện gió có giá trị thấp vì việc tạo ra tín chỉ carbon là phụ. Khác hẳn với DN nằm trong danh sách phải giảm phát thải khí nhà kính hay DN nằm ngoài danh sách phải áp dụng công nghệ để giảm phát thải, tạo ra tín chỉ carbon có giá trị cao và bán được giá hơn.

Bên cạnh đó, có thể hình dung tín chỉ carbon là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, được phân bổ hạn ngạch trong biên độ. Ví dụ 2025-2030 DN phải giảm lượng phát thải khí nhà kính bao nhiêu. Nếu qua giai đoạn này tín chỉ carbon giảm giá trị hoặc bán giá rất thấp.

Theo ông Sơn, TP.HCM có 140/hơn 1900 DN phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Vừa rồi theo yêu cầu của Bộ TN&MT, TP.HCM rà soát và bổ sung thêm 131 DN vào danh sách.

Nghị định 06 đang sửa đổi, dự kiến khoảng tháng 9, 10 sẽ đưa ra các quy định rõ ràng, có cơ sở pháp lý để DN triển khai thực hiện.

TÚ UYÊN

Pháp luật TPHCM

Doanh nghiệp muốn bán tín chỉ carbon: không dễ

https://vietstock.vn/2024/05/doanh-nghiep-muon-ban-tin-chi-carbon-khong-de-768-1189318.htm