Doanh nghiệp xoay xở trì hoãn tăng giá

Giá cả tăng cao đang tạo áp lực lên sản xuất, nhưng các doanh nghiệp cho biết không dễ tăng giá trong bối cảnh sức mua đang ở mức thấp bởi nhiều người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng do thu nhập giảm.

Nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ cho biết đang phải xoay xở để giữ giá hàng hóa, dù giá đầu vào tăng cao - Ảnh: T.T.D.

Bà Hường, chủ một cửa hàng tiện lợi ở quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết những tháng gần đây, tuần nào cửa hàng cũng có mặt hàng điều chỉnh tăng giá, hết các loại nước đến nhóm thức ăn vặt, thức ăn nhanh và mới đây là ngành hàng mì ăn liền, kem, sữa tươi, đồ dùng cá nhân...

"Giá nước lọc, nước giải khát vừa rồi tăng 2 - 5% tùy loại, nước uống đóng chai tăng mạnh nhất do vào mùa nóng nên vẫn tiêu thụ tốt", bà Hường cho biết.

Nhiều siêu thị cũng cho biết đang nỗ lực trì hoãn các đợt tăng giá.

Giám đốc tiếp thị một siêu thị lớn cũng cho biết đã nhận được nhiều đơn đề nghị tăng giá sản phẩm của các nhà cung cấp, trong đó phần lớn là hàng thiết yếu như ngành thực phẩm khô, thực phẩm chế biến... Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - phụ trách truyền thông Tập đoàn Central Retail, hệ thống này đang nỗ lực ổn định giá nhằm giữ sức mua.

Ông Phan Minh Phương, đại diện Công ty Saigon An Thái, chuyên sản xuất cà phê các loại, cho biết giá nguyên liệu cà phê tăng "phi mã" nên giá bán ra các loại cà phê hòa tan, cà phê bột đều phải điều chỉnh tăng từ 30 - 40%.

"Áp lực tăng giá đến từ biến động giá nguyên liệu, thời gian qua giá cà phê rang từ 200.000 đồng/kg tăng lên 280.000 đồng/kg do nguyên liệu đầu vào, các yếu tố về tỉ giá, giá xăng dầu...", ông Phương nói.

Theo ông Nguyễn Anh Văn - đại diện Công ty Idocean, chuyên sản xuất các sản phẩm thức uống như trà, trà sữa, bột ca cao..., giá các sản phẩm mà đơn vị này giao cho các đối tác tăng mạnh do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

"Với mặt hàng chủ lực trà sữa, chúng tôi ráng giữ giá bằng cách bù đắp số lượng tiêu thụ, còn các nhóm hàng khác buộc phải tăng ít nhất 40%", ông Văn nói.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh, với giá cả đầu vào tăng cao thời gian qua, giá sản phẩm phải tăng ít nhất 10 - 15% mới đủ bù chi phí.

Tuy nhiên, do sức mua của thị trường chậm, công ty sẽ xem xét điều chỉnh tăng giá nhẹ một số sản phẩm, đồng thời tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất đầu vào để kìm giá.

Đại diện Công ty NosaFood chuyên ngành gia vị, mì cũng cho biết dù đang chịu nhiều áp lực tăng giá nhưng vẫn chưa thể điều chỉnh vì sức mua đang thấp.

Sức mua yếu trước biến động giá

Báo cáo mới nhất về thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam trong quý 1-2024 của Kantar cho thấy tình hình kinh tế khó khăn và thu nhập giảm sút trong năm 2023 khiến người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu thận trọng.

Theo đó, cả khu vực thành thị và nông thôn trong nhóm khảo sát đều chứng kiến sự sụt giảm về lượng mua trong quý 1, dẫn đến tăng trưởng âm của tổng giá trị ngành hàng tiêu dùng.

So với quý 1 năm ngoái, chi tiêu của người tiêu dùng năm nay tăng trưởng âm, trong bối cảnh giá trung bình tăng dưới 3% trong khi khối lượng tiêu thụ giảm tại cả hai khu vực.

Tăng trưởng âm của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý 1-2024 phần lớn đến từ ngành thực phẩm và đặc biệt là ngành đồ uống, do siết chặt hơn việc thực thi nghị định 100 về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm nồng độ cồn.

"Sự sụt giảm trong ngành đồ uống có cồn chiếm đến 30% sự giảm sút của FMCG nói chung ở khu vực thành thị, do việc thực hiện nghị định 100 nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, sữa và thực phẩm đóng gói cũng ghi nhận sự giảm sút nhất định", báo cáo nhận xét.

N.BÌNH

Link gốc

https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-xoay-xo-tri-hoan-tang-gia-20240517091331501.htm