Nhựa Tiền Phong “thất thu” ngay từ quý đầu năm 2024 khi chỉ mang về 949 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ. Đây đồng thời là mức thấp nhất kể từ quý 3/2019 của doanh nghiệp nhựa.
Doanh thu Nhựa Tiền Phong thấp nhất 18 quý
Nhựa Tiền Phong “thất thu” ngay từ quý đầu năm 2024 khi chỉ mang về 949 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ. Đây đồng thời là mức thấp nhất kể từ quý 3/2019 của doanh nghiệp nhựa.
Diễn biến doanh thu và lãi ròng của NTP theo quý từ năm 2019 |
|
Dù doanh thu giảm đáng kể nhưng lãi ròng CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ( HNX : NTP ) chỉ giảm nhẹ 8%, ghi nhận 109 tỷ đồng. Điều này đến từ một số nguyên nhân chính.
Thứ nhất, doanh nghiệp nhựa vẫn duy trì biên lãi gộp đi ngang so với cùng kỳ, khoảng 28.9% nhưng mức này đã giảm so với quý cuối năm 2023 (33.2%). Động lực chính trong quý 1/2024 vẫn chủ yếu từ doanh thu bán thành phẩm bao gồm sản phẩm ống và phụ tùng nhựa, ghi nhận 900 tỷ đồng.
Thứ hai, so với cùng thời điểm năm ngoái, lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mang về cho NTP thêm hơn 10 tỷ đồng. Chi phí lãi vay 13 tỷ đồng, giảm hơn một nửa. Điều tương tự cũng đúng với chiết khấu thanh toán, lãi bán hàng trả chậm, còn 7.5 tỷ đồng.
Cuối cùng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp thu hẹp đến 30%. NTP chỉ dành ra 142 tỷ đồng cho các chi phí này trong kỳ vừa qua, trong khi quý 1/2023 lên đến 202 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance |
Không có nhiều thay đổi lớn trên bảng cân đối kế toán của NTP sau 3 tháng đầu năm 2024, ngoại trừ tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và phải thu ngắn hạn khách hàng, đều giảm khoảng 200 tỷ đồng, còn lại lần lượt 252 tỷ đồng và 682 tỷ đồng. Nợ phải trả theo đó cũng giảm tương ứng, chủ yếu trả nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn, cuối kỳ còn 1.4 ngàn tỷ đồng.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của NTP sau quý 1 chỉ đạt 127 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 932 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Điều này phần lớn là do Công ty chi cho hàng tồn kho, và thanh toán các khoản phải trả, tổng cộng 242 tỷ đồng, trong khi năm ngoái ghi nhận thu 573 tỷ đồng.
Cuối quý 1/2024, phải thu khách hàng CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam số tiền 369 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng giá trị phải thu của NTP . Đây là công ty liên kết do NTP nắm 27.39% vốn.
NTP chưa công bố cụ thể về kế hoạch kinh doanh hợp nhất cho năm 2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhựa đang kỳ vọng lãi trước thuế công ty mẹ 555 tỷ đồng, đi lùi 13% so với thực hiện năm 2023.
Sự thận trọng được đặt ra trong bối cảnh các chính sách cho ngành bất động sản như việc kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và “room” tín dụng cho ngành bất động sản vay vẫn chưa được tháo gỡ, nhu cầu xây dựng sẽ giảm và nhu cầu sử dụng ống nhựa theo đó sẽ khó tăng trưởng nhiều.
Ngoài ra, NTP nhận định tình hình giá nguyên vật liệu chính như bột PVC , hạt HDPE, hạt PPR đang ở mức thấp như hiện nay và xu hướng khó có thể tăng cao như các tháng cuối năm 2021 thì việc tăng doanh thu do tác động của tăng giá bán sẽ không còn. Chưa kể nếu giá nguyên vật liệu chính giữ ở mức hiện tại có thể sẽ phải tính đến phương án tiếp tục giảm giá bán một số dòng sản phẩm để phù hợp với tình hình cạnh tranh.
Để hoàn thành kế hoạch sản xuất năm nay, doanh nghiệp có hơn một nửa thị phần ống nhựa ngoài miền Bắc cho biết sẽ đẩy mạnh bán các dòng sản phẩm mới, tăng cường hội thảo giới thiệu sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối ở các vùng miền còn yếu,…
Theo dữ liệu từ Future Market Insight, quy mô thị trường nhựa Việt Nam ước đạt 10.9 triệu tấn vào năm 2024, và dự kiến đạt 16.3 triệu tấn vào năm 2029, tương ứng tăng trưởng với tốc độ trung bình 8.4%/năm trong cùng giai đoạn. Năm nay, ngành nhựa xây dựng theo đó được dự báo tăng nhẹ. Trong tương lai gần, phân khúc này được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng của ngành và chiếm khoảng 25% tổng ngành nhựa.
https://fili.vn/2024/04/doanh-thu-nhua-tien-phong-thap-nhat-18-quy-737-1184979.htm