Hiện tại, dù đơn hàng đã quay trở lại song các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản cũng vẫn lựa chọn nhà cung cấp với giá thấp nhất và sản phẩm tốt nhất. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác cùng gia công sản xuất các mặt hàng giống Việt Nam bằng cách đưa giá gia công về mức thấp.
T rên thực tế, cuộc đua cạnh tranh đưa giá xuống đáy đã diễn ra trong năm 2023 khi doanh nghiệp trong nước thiếu các đơn hàng. Chỉ cần có đơn hàng các doanh nghiệp đều chấp nhận - dù đơn giá ở mức rất thấp, thậm chí lỗ để giữ được đơn hàng, từ đó có việc làm và giữ được người lao động.
Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, trong năm 2023, ngành dệt may đã trải qua rất nhiều khó khăn chưa từng có, ngoài đơn hàng giảm sút, doanh nghiệp còn phải nhận những đơn hàng không phải là thế mạnh với đơn giá rất thấp, thậm chí bị lỗ để duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân người lao động .
Trong 4 tháng đầu năm, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, đến nay, May 10 có nhiều đơn đặt hàng đến quý II, một số chủng loại có đơn đến quý III.
“Ngoài các thị trường truyền thống, những thị trường mới khai thác trong năm 2023 như Canada, ASEAN, Trung Quốc cũng đã có tín hiệu đặt hàng tương đối tốt”, ông Việt thông tin.
Tuy vậy, ông Việt cũng cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa thực sự ổn định do thị trường còn nhiều bất định và rất nhạy cảm với các biến động kinh tế - chính trị, giá cả hàng hoá nói chung vẫn duy trì ở mức thấp, áp lực giá gia công duy trì thấp chưa đem lại hiệu quả cho nhà sản xuất.
"Tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang cao, vì vậy người tiêu dùng vẫn có xu thế thắt chặt chi tiêu nên chưa thể tăng giá sản phẩm. Hiện, chúng tôi mới chỉ hồi phục về lượng, chưa có hồi phục về giá”, ông Việt nêu rõ.
Nhìn nhận vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trên thực tế, cuộc đua cạnh tranh đưa giá xuống đáy đã diễn ra trong năm 2023 khi doanh nghiệp trong nước thiếu các đơn hàng. Chỉ cần có đơn hàng các doanh nghiệp đều chấp nhận - dù đơn giá ở mức rất thấp, thậm chí lỗ để giữ được đơn hàng, từ đó có việc làm và giữ được người lao động.
Hiện tại, dù đơn hàng đã quay trở lại song các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản cũng vẫn lựa chọn nhà cung cấp với giá thấp nhất và sản phẩm tốt nhất. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc cùng gia công sản xuất các mặt hàng giống Việt Nam cũng phải tìm cách đưa sản phẩm của mình sang nước khác nhờ đưa giá gia công về mức thấp.
“Sau đại dịch, hầu hết chi phí đều tăng nhưng đơn giá gia công không tăng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nào chấp nhận chi phí thấp, thậm chí không có lãi thì mới tham gia cạnh tranh được”, bà Thảo nêu rõ.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM. (Nguồn: N.N )
Những kiến nghị từ phía doanh nghiệp
Cùng chung lo ngại này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết hàng tồn kho của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm đi và các nước này đã bắt đầu đặt hàng trở lại. Vì vậy, xuất khẩu gỗ sẽ khởi sắc trong năm nay và mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023 sẽ nhiều khả năng đạt được.
Tuy vậy, hầu hết doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tham gia vào các thị trường với tư cách là các doanh nghiệp, doanh nhân cá thể, chưa phải tư cách ngành hàng quốc gia khiến cho cạnh tranh nước ngoài thì ít, cạnh tranh trong nước thì nhiều, khiến đơn giá bị kéo xuống thấp.
“Do đơn giá thấp, nhiều doanh nghiệp chưa dám chưa dám dự trữ nguồn nguyên liệu để tăng tốc sản xuất, ngoại trừ một số doanh nghiệp có lợi thế nhất định đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể phục hồi nhanh hơn”, ông Hoài quan ngại.
Vì vậy, trong bối cảnh đơn giá chưa được cải thiện, ông Hoài khuyến nghị các doanh nghiệp nên trao đổi với nhau, liên kết với nhau để khách hàng đưa ra giá phù hơn, tránh như năm ngoái mức giá "chạy đua" xuống đáy. Về phía Chính phủ, Quốc hội cần cơ chế nào đó để doanh nghiệp hợp nhất, đồng lòng liên kết chặt chẽ với nhau kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
“Hiệp hội chúng tôi cũng chỉ mang tính khuyến nghị mềm, chưa đủ sức thuyết phục doanh nghiệp, sự hợp tác còn kém”, Phó Chủ tịch VIFOREST nêu rõ.
Còn bà Nguyễn Minh Thảo, do thị trường thế giới chưa phục hồi, xung đột vũ trang một số nơi phức tạp hơn đầu năm nên tình hình đơn hàng trong những tháng cuối năm sẽ khó có thể dự đoán. Bởi trước đó, như trong năm 2022, đầu năm có nhiều đơn hàng, nhưng sau đó thì giảm sút đột ngột do những bất ổn về địa chính trị và khó khăn của kinh tế trên thế giới.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang làm mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết để vừa bảo vệ được bản thân doanh nghiệp của mình cũng như các doanh nghiệp trong nước cùng ngành hàng, nên rất dễ bị đối tác ép giá xuống mức thấp. Do đó, vai trò của các bên liên quan, đặc biệt là các hiệp hội trong việc dự báo về nhu cầu của khách hàng là rất quan trọng để doanh nghiệp có được tính toán để có đơn hàng với mức giá phù hợp.
Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt cũng cho biết, để bù đắp vào chi phí đầu vào tăng trong khi đơn giá chưa có sự phục hồi, ngoài tăng cường kiểm soát chất lượng, loại bỏ chi phí lãng phí, May 10 cũng đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, từ đó giảm thiểu chi phí nhân công.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn, Chính phủ sẽ kéo dài chính sách giảm thuế 2% VAT đến hết năm 2024, từ đó giảm chi phí đầu giúp giảm giá thành, đồng thời thuế suất thấp hơn giúp sức tiêu thụ mạnh hơn.
"Thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, để bù đắp chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước. Nếu chúng ta kéo dài chính sách này thì sẽ tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng", ông Việt tin tưởng.