Đơn hàng dệt may tăng 10-15%

Doanh nghiệp dệt may đang tăng tốc sản xuất nhằm đáp ứng tiến độ giao hàng và tận dụng cơ hội từ thị trường đang “ấm dần”.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP. Hồ Chí Minh cho hay, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý II/2024 phục hồi tương đối thuận lợi, ở mức từ 10-15%. “Đơn hàng vẫn ở quy mô nhỏ nhưng phân khúc sản phẩm đa dạng giúp doanh nghiệp sản xuất “dễ thở” hơn”, ông Hồng cho hay.

Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng cho biết, doanh nghiệp đã nhận đơn hàng gần đủ cho quý III/2024. Dự kiến, đơn hàng cho quý cuối năm 2024 sẽ còn dồi dào hơn, bởi đây là thời gian bước vào mùa cao điểm sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường mùa lễ, Tết.

Ông Tùng kỳ vọng, quý II/2024, công ty sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tháng 4/2024, Công ty ước tính doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khoảng 15%.

Tình hình đơn hàng đã cải thiện, doanh nghiệp đánh giá cao tín hiệu này và hy vọng xu hướng tích cực sẽ kéo dài đến hết năm. Hiện doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất vừa để đáp ứng đơn hàng.

Với Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, đơn hàng may FOB cho khách hàng Nhật Bản về cơ bản đã có đủ đơn hàng tới hết quý III/2024. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các doanh nghiệp trong ngành, mặt bằng chung về đơn giá đều chưa có sự cải thiện nhiều so với 2023.

Năm nay một số khách hàng của Đông Xuân như: Aeon, Itochu, Organ… đều đã tăng đơn đặt hàng. Nếu xét về chất lượng sản phẩm, đối tác Aeon đánh giá cao sản phẩm của Đông Xuân so với các sản phẩm FOB đến các đối thủ trong khu vực. Còn với Itochu, mặc dù có sự tăng trưởng chậm nhưng đây cũng là một khách hàng tiềm năng với các sản phẩm đặc thù cho thị trường Nhật Bản.

Đơn hàng dệt may tăng 10-15%. Ảnh: Cấn Dũng

Dù đơn hàng trong quý II/2024 có khởi sắc hơn, tuy theo ông Hồng, vẫn chưa thực sự thuận lợi, các nhãn hàng vẫn “e dè” trong quyết định đặt hàng, nhiều nhà nhập khẩu còn theo dõi tác động từ biến động chính trị trên thị trường thế giới và sự phục hồi của một số quốc gia tiêu thụ lớn.

Về tác động của xung đột ở khu vực Biển Đỏ, lãnh đạo Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP. Hồ Chí Minh cho hay, mức độ ảnh hưởng tới doanh nghiệp dệt may đã “giảm nhiệt” một phần. Nguồn cung nguyên phụ liệu và xuất khẩu đã “thích nghi” và dần ổn định. Quan ngại hiện tại là cạnh tranh về giá, do đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng suất, tiết giảm tối đa chi phí để có giá thành tốt nhất.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Đăng Lợi – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân cũng cho hay, doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn nội tại khi cạnh tranh lao động tại khu vực Hưng Yên ngày càng gay gắt. Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn số lượng lao động nghỉ việc nhiều hơn so với số lượng lao động tuyển dụng mới.

Cùng đó, trang thiết bị mặc dù đã được đầu tư chiều sâu, nhưng vẫn còn nhiều thiết bị cũ, công suất nhỏ… Doanh nghiệp đang tính toán để điều chuyển, thanh lý và tiếp tục đầu tư máy móc mới cho sản xuất. Đồng thời, quyết liệt để tăng năng suất lao động nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng.

Không thuận lợi như mặt hàng quần áo, theo ông Đậu Phi Quyết – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Việt Thắng – CTCP, thị trường xuất khẩu vải dệt thoi có sự cạnh tranh tương đối gay gắt. Nhiều khách hàng đưa lên bàn cân để so sánh giá vải thành phẩm và vải mộc từ Việt Nam đối với các nhà cung cấp từ Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh buộc doanh nghiệp phải tìm các giải pháp để tìm kiếm cơ hội cung cấp vải cho thị trường nội địa.

Nhưng với sức ép giá của nhiều nhà cung cấp đang rẻ hơn, doanh nghiệp đang phải tìm giải pháp để giảm giá thành đối với mặt hàng vải thành phẩm để có chính sách giá tốt nhất cho khách hàng nội địa nhằm xây dựng và mở rộng thêm những khách hàng mới bên cạnh các khách hàng lâu năm.

Sự khởi sắc của đơn hàng đã giúp doanh nghiệp dệt may dần bước qua vùng trũng và phục hồi sau năm 2023 vô cùng khó khăn. Bước sang năm 2024, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dệt may sớm phục hồi. Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương còn phối hợp tổ chức các hội chợ, triển lãm lớn trong nước nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may đến Việt Nam.

Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may 2024 (VIATT 2024) là một điển hình, theo Bộ Công Thương, triển lãm đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Đồng thời khuyến khích các thương hiệu lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

“Triển lãm do Bộ Công Thương được tổ chức đúng thời điểm thị trường ấm dần lên, đã phát huy hiệu quả khi “kéo” nhiều nhãn hàng, nhà đầu tư tới Việt Nam. Giúp doanh nghiệp dệt may trong nước ký được đơn hàng, kết nối được nguồn cung nguyên phụ liệu cho sản xuất”, ông Hồng cho biết thêm.

Hải Linh

Link gốc

https://congthuong.vn/don-hang-det-may-tang-10-15-318162.html