Đồng chí Sao Đỏ - Vị Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam (sau này là Ngân hàng Nhà nước) đã xây những viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam
Theo chủ trương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), ngày 6/5/1951, tại Hang Bòng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển hệ thống tiền tệ - ngân hàng Việt Nam.
Cùng ngày trọng đại, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 16-SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập với nhiều nhiệm vụ: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ; quản lý Kho bạc Nhà nước; huy động vốn và cho vay để phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa; quản lý hoạt động kim dung bằng biện pháp hành chính; quản lý ngoại hối, các khoản giao dịch bằng ngoại tệ và đấu tranh tiền tệ với địch.
Trước nhiệm vụ vô cùng quan trọng, việc lựa chọn người đứng đầu phải là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, rất mực trung thành với lợi ích của Đảng, của dân tộc và của Nhân dân, có đạo đức cách mạng trong sáng, có uy tín ở Trung ương và các địa phương. Vì lẽ đó, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng trao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài chính Tổng bộ Việt Minh, Trưởng tiểu ban Kinh tế - Tài chính của Đảng.
Vị Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia là người học trò và người bạn chiến đấu sớm nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người hoạt động xuất sắc của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng Việt Nam. Đồng chí sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).
Bác Hồ với Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên Nguyễn Lương Bằng (ảnh chụp ngày 19/5/1957) - Ảnh: Tạp chí Ngân hàng |
Tuổi thơ sống trong cơ cực, cha mất sớm, từ khi còn nhỏ tuổi, ông phải bỏ học, nỗ lực kiếm sống ở đủ mọi nghề và giúp đỡ gia đình. Năm 1921, ông phải rời quê ra Hải Phòng làm việc. Trong hoàn cảnh đó, nhà cách mạng sớm thấu hiểu nỗi khổ cực, tủi nhục của người dân mất nước và nung nấu ý chí phải đánh đổ đế quốc, phong kiến, cứu lấy giống nòi.
Trong những năm tháng tham gia cách mạng, đồng chí là người góp phần xây dựng những nền tảng đầu tiên về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Ðảng, một trong những người truyền bá chủ nghĩa cộng sản khoa học ở nước ta. Trong suốt 20 năm hoạt động cách mạng dưới chế độ thực dân, từ năm 1925 đến 1945, ông bị bắt 3 lần và cũng 3 lần vượt ngục.
Hàng đầu từ trái sang: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tướng Phạm Kiệt và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu |
Trong nhiều năm giữ các chức vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng chắt chiu từng đồng để bổ sung vào quỹ Đảng. Có những lần đi công tác, ông không dùng tiền của Đảng, mà bí mật về quê bán thóc, lấy tiền đi đường. Vì vậy, nhiều người đồng hành quý trọng, gọi ông với những cái tên thân thương là “Anh Cả Đỏ”, “Sao Đỏ”.
Trong thời gian phụ trách công tác tài chính của Đảng, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng nói, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thể hiện đức tính liêm khiết tuyệt đối, rất minh bạch trong hoạt động tài chính, vì vậy, Đảng rất yên tâm khi giao đồng chí phụ trách tài chính.
Vị Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên, người tạo nền móng cho sự phát triển của ngành Ngân hàng
Thực hiện trọng trách Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đem hết sức, hết trí vào việc xây dựng nền móng tổ chức cho hoạt động của tổ chức còn non trẻ này. Nền móng này được thể hiện qua các mặt: Tổ chức bộ máy từ Trung ương xuống các liên khu, các tỉnh; tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ; xây dựng kho tàng, bảo quản chu đáo tiền bạc; xây dựng các chế độ công tác, bảo đảm quản lý chặt chẽ các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng và đề cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đoàn kết nhất trí trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của vị Tổng Giám đốc tài trí, từ một tổ chức đơn sơ, cơ sở vật chất nghèo nàn, với vài chục cán bộ đa phần còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã được tổ chức thành một hệ thống nhất gồm 3 cấp quản lý: Cấp Trung ương, cấp liên khu, cấp tỉnh; trong đó, ngân hàng tỉnh, thành phố là đơn vị cơ sở; dưới tỉnh là phòng giao dịch đặt ở các huyện (tiền thân của các chi điếm ngân hàng sau này).
Nhận thức vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ lưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt của Ngành ở Trung ương và các tỉnh. Nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày cũng đã được tổ chức.
Ngày đó, để có giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành gắn liền với thu hồi giấy bạc tài chính, vị Tổng Giám đốc đã liên hệ với nước bạn nhờ khâu in ấn và vận chuyển về nước. Đồng chí đứng ra tổ chức hệ thống kho tàng bảo quản tiền mới vào hang núi, vào nhà dân, tổ chức ngụy trang che chắn đảm bảo bí mật và an toàn, không bị địch đánh phá, không bị mối xông, chuột cắn…
Trước khi giao về các tỉnh, đồng chí cùng Bác Hồ đích thân đi kiểm tra kho tiền ở biên giới. Công tác bảo đảm, quản lý chặt chẽ các nghiệp vụ phát hành kho quỹ, tín dụng, kế toán và thanh toán được đồng chí chỉ đạo sát sao. Nhờ chuẩn bị chu đáo, việc triển khai công tác ngân hàng đã sớm đi vào nề nếp, xứng đáng với nhận xét của Bác Hồ: “Thành lập được Ngân hàng Quốc gia và phát hành giấy bạc ngân hàng là một thắng lợi của ta về mặt kinh tế”.
iệc ban hành đồng bạc giấy - đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đánh dấu một bước phát triển cực kỳ quan trọng đối với nền tài chính của nước ta, trở thành một vũ khí sắc bén để đấu tranh hiệu quả trên mặt trận kinh tế - tài chính, góp phần quyết định bảo đảm cung cấp cho nhu cầu to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến.
Đồng bạc giấy Việt Nam một mặt in chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chữ Quốc ngữ và chữ Hán) và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một mặt in hình Nông - Công - Binh. Các loại bạc giấy đều có chữ số Ả Rập, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, Lào, Campuchia chỉ mệnh giá. Các loại bạc giấy này có ký tên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giám đốc Ngân khố Trung ương, do đó ngoài tên gọi là giấy bạc Cụ Hồ, nhân dân còn gọi là giấy bạc Tài chính.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng dâng hương tại Nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Lương Bằng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (Ảnh: Ngân hàng Nhà nước) |
Sau này, tuy đã đảm nhiệm trọng trách khác của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn luôn quan tâm, dành cho Ngành Ngân hàng những tình cảm ân cần và sâu sắc. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (1951-1976), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đến thăm và căn dặn ngành Ngân hàng: “Nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước có hòa bình độc lập và thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới yêu cầu phải xây dựng một hệ thống ngân hàng xã hội chủ nghĩa lớn mạnh với một đội ngũ cán bộ có đủ đạo đức và tài năng để phát huy chức năng phục vụ và giám sát các hoạt động kinh tế, làm cho ngân hàng thực sự trở thành một trung tâm tiền mặt, một trung tâm tín dụng, một trung tâm thanh toán, có tác dụng huy động mọi tiềm năng của các ngành, các đơn vị kinh tế, nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quản lý, đưa nước nhà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” . |