Dow Jones tương lai giảm 200 điểm

Tính tới lúc 10h21 (giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 207 điểm (tương đương 0.6%), hợp đồng tương lai S&P 500 lùi 0.7%, còn Nasdaq 100 tương lai giảm 0.6%. Ở thị trường châu Á, chỉ số ASX 200 của Australia tăng 0.41%, còn Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0.66%.

Căng thẳng Hamas-Israel đã leo thang thành cuộc chiến toàn diện trong ngày 07/10, sau khi nhóm vũ trang Hamas, một lực lượng Hồi giáo Palestine đang kiểm soát dải Gaza, mở một cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn vào Israel.

Vào rạng sáng ngày 07/10, ngay ngày lễ lớn của người Do Thái, nhóm vũ trang Hamas đã phát động cuộc tấn công vào Israel qua đường bộ, đường biển và đường hàng không. Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau khi hàng ngàn quả tên lửa được phóng từ Gaza vào Israel.

Theo số liệu từ hãng tin Reuters sáng 9/10, cuộc tấn công của Hamas đã khiến khoảng 700 người Israel thiệt mạng và hàng chục người khác bị bắt cóc. Trong khi đó, các cuộc không kích của Israel nhằm vào Hamas đã khiến hơn 300 người thiệt mạng. Chưa kể, mỗi bên còn có hàng ngàn người khác bị thương.

Sau thông tin này, giá dầu thô tương lai tăng vọt 4%.

Căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang có thể tác động tới thị trường năng lượng, với một số chuyên gia dự báo giá dầu sẽ tăng mạnh trong ngắn hạn. Căng thẳng địa chính trị còn có thể làm gia tăng sự biến động ở một thị trường đang tràn ngập lo ngại về lạm phát và lãi suất.

Tuần trước, giá dầu đã rớt ngưỡng 90 USD/thùng, với giá dầu Brent lao dốc 11% và dầu WTI sụt 8%.

Cả Palestine lẫn Israel đều không phải là “tay chơi” lớn trên thị trường dầu. Israel có hai nhà máy lọc dầu với tổng công suất gần 300,000 thùng/ngày. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), quốc gia này gần như không sản xuất dầu thô và các sản phẩm khí ngưng tụ. Tương tự, Palestine cũng không sản xuất dầu, dữ liệu từ EIA cho thấy.

Tuy vậy, xung đột này lại diễn ra ở vùng Trung Đông - “vựa” dầu mỏ của thế giới.

Vandana Hari, CEO của công ty nghiên cứu thị trường Vanda Insights, nhấn mạnh rằng xung đột không ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất hay cung cấp dầu, nhưng “nằm ở cửa ngõ của một vùng sản xuất và xuất khẩu dầu lửa quan trọng”.

“Ảnh hưởng đối với giá dầu sẽ hạn chế trừ phi xung đột nhanh chóng lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực, với sự dính líu của Mỹ, Iran và các quốc gia khác ủng hộ các bên liên quan trong cuộc chiến”, giám đốc khu vực Trung Đông của công ty tư vấn năng lượng Facts Global Energy, ông Iman Nasseri, nhận định.

Nhà quản lý quỹ phòng hộ người Pháp Pierre Andurand nhận định trên Twitter rằng nơi xảy ra xung đột không phải là một vùng sản xuất dầu lớn, nên sẽ không có ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Andurand cho rằng tồn kho dầu toàn cầu đang ở mức thấp và liên minh OPEC+ đang hạn chế sản lượng dầu, nên lượng dầu tồn kho có thể tiếp tục giảm trong những tháng sắp tới.