Được UBND tỉnh cho thuê đất làm bãi tập kết cát, sỏi, với thời hạn hàng chục năm, nhưng nhiều năm qua, doanh nghiệp này không được gia hạn làm bến thủy dẫn đến đình trệ hoạt động.
Doanh nghiệp kêu cứu
Báo Lao Động nhận được đơn của ông Phạm Xuân Quỳnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hà (Công ty Quỳnh Hà, TP Hòa Bình) - về việc đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Nội dung đơn nêu: Công ty Quỳnh Hà được UBND tỉnh Hòa Bình cho thuê đất để làm bãi tập kết kinh doanh cát sỏi và vật liệu xây dựng tại bãi cát Thịnh Minh phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình. Thời gian thuê đất từ ngày 16.1.2008 đến ngày 14.12.2057 với diện tích đất gần 6.300 m2 .
Từ khi thuê đất, đơn vị luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật của nhà nước, nộp thuế đất đầy đủ và tạo ra việc làm cho gần 20 người lao động với mức thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Góp phần ổn định giá cả vật liệu tại địa phương.
Theo ông Quỳnh, sau khi được UBND tỉnh Hòa Bình cho thuê đất, năm 2008, Công ty đã được Cục đường thủy nội địa cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Đến năm 2016, do thay đổi về chức năng nhiệm vụ nên đơn vị cấp là Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.
Doanh nghiệp mong muốn các các cơ quan chức năng cấp giấy phép bến thủy tạm thời. Ảnh: Minh Nguyễn
"Tuy nhiên đến năm 2018, lấy lí do thay đổi quy hoạch, Sở Giao thông vận tải Hòa Bình không gia hạn bến thủy nội địa cho đơn vị chúng tôi nữa. Có bãi tập kết cát sỏi mà không có bến thủy thì giống như có nhà nhưng không có lối đi. Doanh nghiệp chúng tôi loay hoay không biết phải làm sao"- ông Quỳnh nói.
Cũng theo vị giám đốc, gần đây đơn vị gặp nhiều khó khăn, khi liên tục bị các cơ quan chức kiểm tra, xử lý, hỏi han giấy tờ. Việc này khiến mọi hoạt động đình trệ, nguy cơ phá sản.
"Tỉnh đồng ý cho doanh nghiệp thuê đất tới 50 năm để làm bãi tập kết cát sỏi. Nhưng đột ngột dừng cấp phép bến thủy nội địa khiến chúng tôi lâm vào thế làm thì sai, mà không làm thì phá sản. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét thấu tình đạt lý, nghĩ đến doanh nghiệp, nghĩ đến người lao động mà linh động tìm giải pháp phù hợp" - đại diện Công ty Quỳnh Hà nói.
Toàn cảnh khu vực bãi cát Công ty Quỳnh Hà được UBND tỉnh Hòa Bình cho thuê đất. Ảnh: Minh Nguyễn.
Cơ quan chức năng nói gì?
Liên quan đến câu chuyện này, trao đổi với PV Lao Động, đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình xác nhận, trước đây, Công ty Quỳnh Hà được Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cấp giấy phép hoạt động Bến thủy nội địa. Năm 2016, theo chức năng nhiệm vụ, sở tiếp tục cấp giấy phép cho đơn vị này.
Tuy nhiên, đến năm 2018, vị trí bãi cát của công ty này, không nằm trong quy hoạch phát triển cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (tại quyết định số 883 của UBND tỉnh Hòa Bình) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, do đó đã dừng cấp phép cho Công ty Quỳnh Hà.
Theo Sở Giao thông vận tải Hòa Bình, đơn vị cũng đã có văn bản trả lời Công ty Quỳnh Hà về nội dung này, trong đó đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu và tìm vị trí phù hợp theo quy hoạch để cấp phép.
Hiện theo Nghị định 06 ngày 25.1.2024 của Chính phủ, việc quản lý, cấp phép, cấp phép lại, gia hạn của các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh sẽ là do UBND các huyện, thành phố thực hiện và quản lý.
Thượng tá Nguyễn Quang Huy - Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đang thực hiện kế hoạch của C08, C03 - Bộ Công an và Công an tỉnh; Chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình về đảm bảo trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa năm 2024; Trao đổi của lãnh đạo UBND, Công an thành phố khu vực cầu Hòa Bình 2 và các bến thuộc khu vực xã Thinh Minh.
Theo Thượng tá Huy, phòng đã chỉ đạo CSGT đường thủy phối hợp các lực lượng tuần tra, kiểm soát tất cả các bến, bãi tập trung vào những bến bãi không phép, hết hạn, không đủ các điều kiện an toàn. Lực lượng đã tuyên truyền, yêu cầu các tàu thuyền không vào những bến không đủ điều kiện.
"Quan điểm của lực lượng CSGT, nếu các đơn vị có đầy đủ giấy tờ thì chúng tôi rất ủng hộ chứ không có chuyện gây khó khăn" - Thượng tá Huy khẳng định.