Những kế hoạch mới về việc rót vốn đầu tư trong vài năm tới vào nông nghiệp của các tên tuổi lớn như HAGL Agrico, Hoàng Anh Gia Lai hay BAF đang cho thấy đó là hướng đi “đường dài” một cách bài bản nhằm tìm điểm rơi lợi nhuận. Lẽ đương nhiên, đầu tư nông nghiệp không thể 'một sớm một chiều', nên việc chấp nhận cuộc chơi dài hơi, định hình rõ chiến lược kinh doanh là rất cần thiết.
Một báo cáo dự án đầu tư nông nghiệp mới đưa ra từ CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) do ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT của Thaco) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cho thấy, mục tiêu trong giai đoạn 2024 - 2028 sẽ rót 18.090 tỷ đồng (khoảng 750 triệu USD) để đầu tư phát triển diện tích trồng chuyên canh cây ăn trái đạt đến 10.000 ha (trong đó 8.000 ha chuối và 2.000 ha dứa) và diện tích chăn nuôi bò kết hợp trồng cây ăn trái đạt 14.000 ha (trong đó có 5.000 ha cây ăn trái gồm xoài, bưởi, sầu riêng và quy mô đàn bò 210.000 con).
Hướng đến đầu tư bài bản trong dài hạn
Với quy mô của dự án đầu tư này, HAGL Agrico kỳ vọng đến năm 2028 sẽ đạt sản lượng xuất khẩu (XK) là 624.000 tấn/năm, sản lượng trái cây chế biến XK là 25.000 tấn/năm, sản lượng bò giống là 12.000 con/năm và sản lượng bò thịt thương phẩm XK 17.000 tấn/năm. Qua đó sẽ giúp công ty đạt doanh thu 13.500 tỷ đồng (tương đương 550 triệu USD) và sẽ có lãi 2.450 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD).
Định hình rõ chiến lược kinh doanh trong dài hạn sẽ giúp cho các công ty đầu tư vào nông nghiệp hái “quả ngọt” về lợi nhuận.
Cũng nên chú ý thêm, riêng trong năm nay công ty nêu trên lại dự kiến lỗ trước thuế là 120 tỷ đồng. Dự kiến mức lỗ này được cho là nối dài chuỗi 4 năm lỗ liên tiếp, nhưng sẽ thu hẹp đáng kể so với những năm liền trước.
Còn với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT, tại đại hội cổ đông 2024 mới diễn ra, đã đặt mục tiêu năm 2024 sẽ phát triển thêm 2.000 ha chuối để nâng tổng diện tích lên 9.000 ha, phát triển diện tích sầu riêng thêm 500 ha nhằm đưa quy mô đạt 2.000 ha.
Công ty này cũng dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trong năm nay là 1.320 tỷ đồng. Riêng về cây ăn trái dự kiến mang về doanh số tốt nhất với 5.540 tỷ đồng, heo ăn chuối đóng góp 1.550 tỷ đồng.
Tuy vậy, việc lỗ lũy kế vẫn là nỗi ám ảnh của HAGL (lỗ lũy kế đến cuối 2023 là 1.669 tỷ đồng). Do đó công ty đang cố gắng đến tháng 6/2024 sẽ xoá lỗ luỹ kế và năm 2026 sẽ trả hết nợ. Với mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm nay thì kế hoạch xoá lỗ luỹ kế có thể phải lùi sang năm 2025.
Hoặc như CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi), tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, đã thông qua chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trong năm nay đạt 305,9 tỷ đồng, gấp 9,9 lần năm trước.
Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ABS, phía BAF đã lên kế hoạch đầu tư thêm 18 trang trại mới và 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn 2024 – 2025. Riêng trong năm 2024, công ty dự kiến đưa vào hoạt động tổng cộng 7 trang trại mới và khởi công 6 trang trại cùng 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi.
Không chỉ vậy, trong năm công ty này sẽ chú trọng mở rộng kênh phân phối sản phẩm tại các siêu thị lớn như Big C, AEON và đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển trang trại. BAF đặt mục tiêu tổng quy mô đàn heo trong năm 2024 tăng gấp đôi so với cuối năm 2023, nâng tổng đàn lên 75.000 con heo nái và 800.000 con heo thịt.
Phía ABS đánh giá kế hoạch kinh doanh 2024 mà BAF đưa ra phù hợp với bối cảnh thị trường và BAF có thể hoàn thành được mục tiêu. Kết quả kinh doanh của công ty này trong năm nay sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực hơn so với cùng kỳ nhờ kỳ vọng giá lợn hơi trung bình hồi phục khi sức mua của người tiêu dùng tăng trở lại đối với mặt hàng thực phẩm. Thêm vào đó, giá thức ăn chăn nuôi đầu vào dự kiến tiếp tục ở mức thấp trong thời gian tới giúp BAF tiếp tục cải thiện được biên lợi nhuận gộp trong năm 2024.
Định hình rõ chiến lược kinh doanh
Có thể nói chiến lược đầu tư vào nông nghiệp theo “đường dài” nhằm tìm kiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) nội địa nêu trên là rất ấn tượng dù bản thân không ít DN còn đối mặt với tình trạng thua lỗ. Điều này không chỉ mang lại lợi ích có tính vững chắc cho chính DN mà còn góp phần gia tăng kim ngạch XK nông sản của Việt Nam.
Giới quan sát cũng lưu ý trong câu chuyện đầu tư nông nghiệp của các DN Việt thì không thể một phát ăn liền, và có những thời điểm phải chấp nhận thua lỗ. Thậm chí trong một vài năm đầu vẫn chưa thể có ngay tín hiệu tốt về mặt lợi nhuận. Do đó, việc các công ty lên kế hoạch đầu tư một cách dài hơi, bài bản hơn trong lĩnh vực này là rất cần thiết, đó cũng là cách chấp nhận cuộc chơi dài hạn.
Như bộc bạch của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico, công ty đã tìm ra được mô hình, công việc tiếp theo là quản trị vận hành như thế nào để có lãi. Và công ty hy vọng năm nay sẽ đầu tư xây dựng được, đến 2025 sẽ có doanh thu ổn định và hy vọng bắt đầu có lợi nhuận.
“Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cơ giới hóa thực sự rất khó khăn. Quan điểm của chúng tôi là làm trung thực, minh bạch, tạo ra giá trị thật, đồng thời mang đến giá trị bền vững trong tương lai”, ông Dương cho biết.
Hay như nói về kế hoạch phát triển diện tích trồng sầu riêng, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng sầu riêng của công ty đến nay có hơn 1.500 ha và đang trồng mới tiếp, dự kiến có 300-400 ha để khai thác trong năm 2024.
Như tính toán của ông Đức, giá thành sầu riêng ở Việt Nam cao nhất cũng chỉ vào khoảng 20.000 đồng/kg, còn với HAGL thì giá thành cho loại trái cây vua này chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, nên bán giá nào cũng có lời. Chính vì thế công ty rất kỳ vọng vào sầu riêng, đặc biệt là từ 2025 với diện tích lớn nhất nằm ở Lào.
Về phía BAF , Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá nhấn mạnh trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh và đầy biến động thì việc định hình rõ ràng chiến lược kinh doanh cho năm nay là bước đi then chốt. Điều này giúp công ty không chỉ vững vàng trước những thách thức mà còn tận dụng tối đa mọi cơ hội để phát triển bền vững và mở rộng thị trường.
Chẳng hạn như việc đầu tư trang trại chăn nuôi, theo ông Bá, nhận diện và tận dụng cơ hội từ những thời điểm khó khăn của thị trường, khi các đối thủ chùn bước, nên BAF sẽ đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển trang trại, với mục tiêu xa là đạt vị trí top 3 ngành chăn nuôi tại Việt Nam vào năm 2030.
Nhìn chung, việc tìm điểm rơi lợi nhuận của các công ty nông nghiệp đang cho thấy việc đầu tư theo “đường dài” với chiến lược bài bản là rất quan trọng. Lẽ đương nhiên, bản thân các DN sẽ phải tính toán cặn kẽ nguồn vốn huy động cho việc đầu tư, khả năng trả nợ, kế hoạch xóa lỗ, giảm giá thành, mở rộng thị trường tiêu thụ để đảm bảo doanh thu…