DXG: Thực hiện dự án khu đô thị gần 1.900 tỷ đồng tại Vĩnh Phúc; HAG: Lãi sau thuế đạt 123 tỷ đồng tháng 8/2022 nhờ trồng chuối nuôi heo

,

BẢN TIN SÁNG NGÀY 15/09/2022

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Nhiều công ty Nga phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ

– Ngày càng nhiều công ty Nga phát hành trái phiếu bằng tiền Trung Quốc, khi giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ gia tăng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

– Nhà sản xuất nhôm lớn Rusal hồi tháng 7 trở thành công ty Nga đầu tiên phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trong nước này. Số trái phiếu này, có hai đợt trị giá 2 tỷ nhân dân tệ mỗi đợt và có thời hạn 5 năm, được cho là đã được đăng ký vượt mức (nhu cầu cao hơn số phát hành). Cuối tháng 8, công ty khai thác vàng lớn nhất của Nga, Polyrus, chào bán 4,6 tỷ nhân dân tệ trái phiếu. Mới đây nhất, ngày 13/9, Công ty dầu khí quốc doanh Nga Rosneft đã phát hành trái phiếu trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,44 tỷ USD).

– Các khoản giao dịch bằng nhân dân tệ đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực năng lượng. Gazprom trong tháng 9 này đã quyết định chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và rúp để xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc.

– Được biết, Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Nga và Trung Quốc dẫn đầu sẽ bắt đầu vào 15/9 tại Uzbekistan. Vấn đề hợp tác tài chính chặt chẽ hơn có thể nằm trong các chương trình nghị sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bao gồm khả năng Moskva phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng nhân dân tệ.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Việt Nam nhập siêu 2,2 triệu tấn sắt thép trong 8 tháng đầu năm

– Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 8, nhập khẩu thép giảm 13,6% so với tháng trước, ở mức 785.000 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng này giảm 16,3% xuống 513.000 tấn. Việt Nam tiếp tục nhập siêu 272.000 tấn sắt thép trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng, nhập siêu hơn 2,2 triệu tấn sắt thép, trái ngược với cùng kỳ năm trước khi Việt Nam xuất siêu gần 330.000 tấn.

– Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) lý giải năm trước, xuất khẩu thép tăng khả quan là do các nước nhập khẩu lớn đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế sau Covid-19. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường thép thế giới.

– Tuy nhiên, hiện nay các nền kinh tế lớn đều đang thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát leo thang, nhu cầu hàng hóa nói chung và sắt thép nói riêng giảm. Điều này đặt ngành thép Việt Nam vào nhiều khó khăn và thách thức trong giai đoạn này.

– Mặc dù vậy, MXV nhận định rằng các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội trong các tháng cuối năm do các nhà máy thép tại Châu Âu đã phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao. Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ nội địa cũng hứa hẹn khởi sắc hơn khi hàng loạt các dự án đầu tư sẽ gấp rút đẩy mạnh tiến độ.

• EU công bố thuế nhập khẩu và hạn ngạch dành cho gạo Việt Nam

– Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) mới đăng công báo quy định số 2022/1481 về thuế nhập khẩu gạo xát vào thị trường này.

– Thuế nhập khẩu đối với gạo xát trắng thuộc mã CN 1006 20, không phải gạo basmati xát vỏ với các giống được đề cập trong Điều 1 của Quy định Ủy ban (EC) số 972/2006, sẽ là 65 euro/tấn. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 8/9/2022.

– Cam kết từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) nêu rõ EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Cụ thể gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.

• Canada áp thuế chống bán phá giá ống thép dẫn dầu Việt Nam lên đến 37,4%

– Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá với ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Ấn Độ, Đài Loan – Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

– Theo kết luận cuối cùng, ngoại trừ một số công ty Đài Loan-Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc cung cấp thêm thông tin trong quá trình rà soát và được hưởng mức thuế riêng rẽ, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho tất cả các nhà xuất khẩu ống thép dẫn dầu còn lại, trong đó có Việt Nam là 37,4%.

– Mức thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 6/9/2022. Thời hạn để các bên đưa ra bình luận với kết luận cuối cùng của CBSA là ngày 19/9/2022.

– Theo thông tin từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch xuất khẩu ống thép dẫn dầu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 13 triệu USD trong năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị áp thuế (theo mã HS) chỉ khoảng 40.000 USD

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• DXG: Thực hiện dự án khu đô thị gần 1.900 tỷ đồng tại Vĩnh Phúc

– UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố hợp đồng dự án khu đô thị mới tại xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên do Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) làm chủ đầu tư. Tổng chi phí thực hiện dự án là 1.890 tỷ đồng, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

– Dự án có tổng diện tích đất sử dụng 37,872 ha, xây dựng khu nhà ở mới bao gồm các công trình hỗn hợp – thương mại – dịch vụ – văn phòng – khách sạn và biệt thự.

– Để thực hiện dự án này, Đất Xanh đã lập một công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phúc Hưng Phát vào cuối năm 2021. Doanh nghiệp mới có vốn điều lệ 755 tỷ đồng, do Đất Xanh sở hữu 100%. Phần vốn góp này được HĐQT công ty giao và ủy quyền cho ông Cao Đức Minh đại diện. Ông Minh là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật tại CTCP Đầu tư Bất động sản Miền Bắc, một công ty con khác do Đất Xanh nắm 99,9% vốn điều lệ.

– Lũy kế 6 tháng đầu năm, DXG đạt 3.342 tỷ đồng doanh thu và 670 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 49% và 44% so với bán niên 2021. Với kết quả này, Đất Xanh mới thực hiện 32% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận năm.

• HAG: Lãi sau thuế đạt 123 tỷ đồng tháng 8/2022 nhờ trồng chuối nuôi heo

– Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8 với doanh thu thuần 448 tỷ đồng, tăng 14% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu ngành chăn nuôi đạt 195 tỷ đồng, doanh thu cây ăn trái là 193 tỷ đồng còn doanh thu ngành phụ trợ đạt 60 tỷ đồng. Kết quả đơn vị thu về 123 tỷ đồng lãi sau thuế., giảm 2 tỷ đồng so với tháng 7.

– Lũy kế 8 tháng, công ty ghi nhận sản lượng tiêu thụ 136.075 con heo thịt, 167.280 tấn chuối (xuất khẩu được 112.740 tấn và tận dụng làm thức ăn chăn nuôi 54.540 tấn). Nhờ vậy, doanh thu trong quãng thời gian này của HAGL là 2.708 tỷ đồng, lãi sau thuế 781 tỷ đồng. Như vậy doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức đã hoàn thành 56,2% kế hoạch doanh thu và 69,7% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

– Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết dự kiến chuỗi Bapi sẽ có có khoảng 5.000 cửa hàng để bán 1 triệu con heo. Tới năm 2023, doanh số bán heo hơi sẽ trên 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn còn có kế hoạch mở nhà máy giết mổ công suất 3.000 con/ngày, xây nhà máy chế biến thịt heo thành xúc xích, giăm bông, thịt heo một nắng… để xuất khẩu và bán trong nước.

– Trong giải trình về BCTC soát xét bán niên mới đây, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết tiến hành nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, Việt Nam và dự kiến ra mắt sản phẩm vào tháng 11. Vì vậy, ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu từ sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để tập đoàn trả nợ và mở rộng kinh doanh.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 14/9/2022, với thông tiêu cực từ công bố CPI tháng 8 của Mỹ, tâm lý thị trường phản ứng tiêu cực ngay từ đầu phiên, VNINDEX đã mở gap giảm 19 điểm, cả thị trường đỏ lửa. Đến đầu phiên chiều, nhờ lực cầu gia tăng mạnh – nổi bật là nhóm cổ phiếu Năng lượng và Công nghiệp đã đưa chỉ số hồi phục về gần mốc tham chiếu. Kết phiên đóng cửa tại mốc 1.240,77 điểm, giảm hơn 7,6 điểm (-0,61%).

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán vẫn duy trì vị thế áp đảo khi số mã giảm chiếm hơn 60% số mã trên sàn HOSE, tương ứng với 321 mã giảm/120 mã tăng. Thanh khoản có sự gia tăng đạt hơn 14.351 tỷ đồng.

– Tác động mạnh đến đà giảm điểm của VNINDEX là nhóm cổ phiếu trụ trong VN30 gồm VIC (-1,06 điểm), VHM (-0,88 điểm) và SAB (-0,909 điểm). Ngược lại chiều nâng đỡ chỉ số có EIB (+0,672 điểm) và VCB (+0,479 điểm).

– Phiên hôm qua chỉ ghi nhận 2/10 nhóm ngành hồi phục gồm Năng lượng (+1,7%) và Công nghiệp (+0,28%). Các nhóm ngành còn lại giảm nhẹ dưới 0,8%. Duy chỉ có Tiêu dùng thiết yếu giảm hơn 1,5%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính (3.434 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (2.013 tỷ đồng) và Bất động sản (1.745 tỷ đồng).

– Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 54 tỷ đồng, với đại hiện là VHM (-47,75 tỷ đồng), KBC (-36,33 tỷ đồng) và STB (-35,53 tỷ đồng). Chiều mua ròng tập trung vào HPG (107,57) tỷ đồng, PVD (80,9 tỷ đồng) và SSI (61,73 tỷ đồng).

– VNINDEX sau khi mở gap giảm về vùng 1.229 điểm đã có lực cầu tham gia đưa chỉ số hồi phục trở lại cùng thanh khoản gia tăng. Tuy nhiên, số lượng mã giảm điểm vẫn chiếm đa số và có sự gia tăng mã giảm qua 3 phiên gần đây cho thấy dấu hiệu suy yếu của lực mua và khả năng đây sẽ là nhịp hồi kỹ thuật. Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh, thị trường sẽ có những rung lắc nhất định. Nhà đầu tư ưu tiên cơ cấu lại danh mục, hạ dần tỷ trọng với những mã cổ phiếu có dấu hiệu gia tăng về lực bán.

1 Likes