Doanh thu của EVN Hà Nội trong năm 2023 đạt hơn 52.000 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt hơn 26 tỉ đồng, có thể nói là rất mỏng so với khoản doanh thu cao ngất ngưởng.
EVN Hà Nội doanh thu cao nhưng lãi mỏng trong nhiều năm. Đồ họa: Lục Giang
Doanh thu cao nhưng lãi rất mỏng
BCTC Hợp nhất năm 2023 của Tổng Công Ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) ghi nhận doanh thu thuần của Tổng Công ty đạt 52.058 tỉ đồng, tăng 11% so với năm trước. Trong đó, doanh thu kinh doanh điện đạt 51.644 tỉ đồng, tăng 11%; doanh thu sản xuất, kinh doanh khác 209 tỉ đồng, không biến động so với năm trước.
Giá vốn kỳ này ở mức 48.920 tỉ đồng, tăng 10,8% so với năm trước. Trong đó, phần lớn là giá vốn kinh doanh điện với 48.700 tỉ đồng, giá vốn sản xuất, kinh doanh khác 147 tỉ đồng.
Doanh thu tăng và giá vốn đồng thời tăng cao, lợi nhuận gộp của EVN Hà Nội năm qua đạt 3.138 tỉ đồng, tăng 19%. Biên lãi gộp đạt 6%, cải thiện nhẹ so với mức 5,6% năm 2022.
Năm 2023, EVN Hà Nội có khoản doanh thu hoạt động tài chính 206 tỉ đồng, tăng 17% so với năm trước. Phần lớn trong đó là lãi tiền gửi với 195 tỉ đồng, còn lại là các khoản lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái, cổ tức, lợi nhuận được chia. Ngoài ra, khoản thu nhập khác và lợi nhuận khác trong năm qua lần lượt đạt gần 48 tỉ đồng và gần 39 tỉ đồng, lần lượt tăng mạnh 61% và 65% so với năm trước.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí trong năm 2023 cũng ghi nhận tăng mạnh. Chi phí tài chính ở mức 1.468 tỉ đồng, tăng 27,8%. Phần lớn trong đó là chi phí lãi vay với 1.357 tỉ đồng, tăng 29% so với năm trước; lỗ chênh lệch tỉ giá hối đoái 111 tỉ đồng, tăng 15,6% so với năm trước.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác cũng đồng loạt tăng. Theo đó, chi phí bán hàng ở mức 813 tỉ đồng, tăng 23%; chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 1.057 tỉ đồng, tăng 7,7% so với năm trước; chi phí khác ở mức 8,9 tỉ đồng.
Kết quả, EVN Hà Nội báo lãi sau thuế 26,6 tỉ đồng, giảm so với con số 27,5 tỉ đồng năm 2022. Có thể thấy mặc dù doanh thu ở mức rất cao nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này ở mức thấp do các khoản chi phí đội lên cao, đặc biệt là giá vốn và chi phí lãi vay.
Liên tục trong nhiều năm, EVN Hà Nội ghi nhận doanh thu cao, trên 40.000 - 50.000 tỉ đồng nhưng lãi luôn duy trì ở mức rất mỏng so với doanh thu.
EVN Hà Nội không còn công ty liên kết
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 của EVN Hà Nội ghi nhận có cải thiện, với mức dương 4.841 tỉ đồng, năm trước dương 2.688 tỉ đồng; ngược lại dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư tiếp tục âm 4.207 tỉ đồng, năm trước âm 4.045 tỉ đồng.
Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 125 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước dương 624 tỉ đồng. Tiền thu từ đi vay trong năm qua ở mức 2.497 tỉ đồng, chi trả nợ gốc vay 2.372 tỉ đồng.
Tại ngày 31.12.2023, tổng tài sản của EVN Hà Nội đạt 33.423 tỉ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với con số đầu năm. Trong đó, tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng ở mức 5.516 tỉ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm.
Ngược lại các khoản phải thu ngắn hạn giảm 21%, xuống còn 1.158 tỉ đồng, phần lớn là phải thu ngắn hạn của khách hàng với 921 tỉ đồng, trả trước cho người bán ngắn hạn 124 tỉ đồng và phải thu ngắn hạn khác 113 tỉ đồng.
Hàng tồn kho tăng lên 893 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với đầu năm. Phần lớn là nguyên vật liệu với 853 tỉ đồng; công cụ, dụng cụ 37 tỉ đồng; chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 2,8 tỉ đồng.
Tài sản dài hạn tính đến cuối năm 2023 đạt mức 25.115 tỉ đồng, giảm nhẹ so với con số 25.328 tỉ đồng đầu năm. Trong đó tài sản cố định chiếm 92%, với 23.189 tỉ đồng.
Tài sản dở dang dài hạn ở mức 1.281 tỉ đồng, giảm mạnh 37% so với đầu năm. Đây là giá trị xây dựng dở dang tại công trình đường dây và trạm biến áp 110kV Kim Chung (156 tỉ đồng), Công trình trạm biến áp 110kV Chương Mỹ và đường dây 110kV Thanh Oai - Chương Mỹ (144 tỉ đồng) và các dự án khác (981 tỉ đồng).
Đầu tư tài chính dài hạn đạt mức 8.622 tỉ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm. Đây là khoản đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác, bao gồm Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện lực Hà Nội, giá trị đầu tư 1.422 tỉ đồng, tỉ lệ sở hữu và biểu quyết 14,07%; Công ty Cổ phần EVN Quốc tế, giá trị đầu tư 7.200 tỉ đồng, tỉ lệ góp vốn và biểu quyết 1,96%.
EVN Hà Nội giảm tỉ lệ sở hữu từ 20%, xuống còn 14,07% tại Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện lực Hà Nội. Ảnh chụp màn hình BCTC EVN Hà Nội
Trước đó, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện lực Hà Nội là công ty liên kết của EVN Hà Nội, tuy nhiên ngày 25.5.2023, Công ty này tăng vốn điều lệ và EVN Hà Nội không thực hiện góp vốn bổ sung. Vì vậy, tỉ lệ sở hữu của EVN Hà Nội tại công ty này giảm từ 20%, xuống còn 14,07% và chuyển từ đầu tư vào công ty liên kết sang khoản đầu tư vào đơn vị khác.
LỤC GIANG