Hôm 1/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã một lần nữa quyết định không hạ lãi suất trong bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát trở nên căng thẳng hơn.
Giữ nguyên lãi suất
Trong một động thái được nhiều người dự đoán từ trước, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của Fed) đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5% khi kết thúc cuộc họp ngày 1/5.
Lãi suất quỹ liên bang đã ở mức đó kể từ tháng 7 năm ngoái, khi Fed tăng lần cuối và kéo chi phí đi vay liên ngân hàng lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, FOMC lưu ý rằng các quan chức không nhận thấy nhiều tiến triển trong việc đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%.
“Ủy ban không kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trước khi các thành viên tự tin hơn rằng lạm phát chắc chắn đang đi xuống mức 2% ”, tuyên bố có đoạn, lặp lại thông điệp mà FOMC đã dùng sau cuộc họp tháng 1 và tháng 3.
FOMC còn nhận xét nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với “ tốc độ bền vững” trong bối cảnh việc làm tăng “mạnh” và tỷ lệ thất nghiệp “thấp.
Trong cuộc họp báo ngay sau quyết định chính sách, Chủ tịch Jerome Powell đã bày tỏ lo ngại rằng giá cả vẫn đang tăng quá nhanh.
“Lạm phát vẫn còn quá cao. Chúng tôi chưa chắc sẽ ghi nhận thêm tiến triển trên mặt trận chống lạm phát và con đường phía trước cũng không chắc chắn”, ông Powell chia sẻ.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư hài lòng với bình luận của ông Powell rằng Fed khó có thể tăng lãi suất trở lại. Chủ tịch Fed cũng nhấn mạnh FOMC cần đưa ra quyết định “theo từng cuộc họp”.
FOMC còn nhất trí sẽ bắt đầu giảm tốc độ thắt chặt định lượng (hay giảm quy mô bảng cân đối kế toán) từ tháng 6 tới. Động thái này cho thấy khả năng Fed tiến tới nới lỏng chính sách tiền tệ đang ngày càng lớn.
Lạm phát đã rời khỏi mức đỉnh
Lạm phát đã giảm nhiệt so với mức đỉnh vào giữa năm 2022. Song, hầu hết dữ liệu tính đến thời điểm hiện tại đều cho thấy áp lực giá vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI, thước đo lạm phát ưa thích của Fed) tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 3. Nếu loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, PCEPI lõi đi lên 2,8%.
Mặt khác, GDP chỉ tăng 1,6% trong quý I (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Kết quả này thấp hơn dự kiến của giới chuyên gia, làm dấy lên lo ngại về khả năng lạm phát đình trệ - tình trạng tăng trưởng thấp và lạm phát cao.
Trong tuần này, chỉ số chi phí việc làm của Bộ Lao động Mỹ đã ghi nhận mức tăng hàng quý lớn nhất trong một năm, khiến thị trường tài chính thêm hoang mang.
Vì vậy, các nhà giao dịch đã điều chỉnh kỳ vọng của mình. Hồi đầu năm, họ dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất ít nhất 6 lần, bắt đầu từ tháng 3. Bây giờ, thị trường chỉ hy vọng Fed “nới tay” một lần trong năm nay và bắt đầu muộn hơn.
Hiện tại, các quan chức đều kêu gọi ngân hàng trung ương Mỹ kiên nhẫn, tạm thời chưa nới lỏng chính sách để tìm hiểu xem lạm phát có đang giảm về mức mục tiêu một cách bền vững hay không.
Một hoặc hai quan chức thậm chí còn đề cập đến khả năng tăng lãi suất nếu dữ liệu không hợp tác. Ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, là người đầu tiên dự đoán Fed chỉ giảm lãi suất một lần trong năm nay, có thể là vào quý IV.
Ở cuộc họp tháng 3, các thành viên FOMC dự kiến sẽ có ba lần giảm trong năm nay, giả sử mỗi lần hạ 25 điểm cơ bản. Phải đến cuộc họp ngày 11 - 12/6, FOMC mới công bố dự báo mới.
Thắt chặt định lượng
Fed bắt đầu thắt chặt định lượng (QT) vào tháng 6/2022. Kể từ đó, Fed cho phép 95 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp đến hạn mà không tái đầu tư.
Kết quả là đến nay, quy mô bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm xuống còn khoảng 7.400 tỷ USD, thấp hơn 1.500 tỷ USD so với mức đỉnh hồi giữa năm 2022.
Theo kế hoạch mới, Fed sẽ cho phép 25 tỷ USD trái phiếu kho bạc đến hạn mà không tái đầu tư, thay vì 60 tỷ USD như trước. Quy mô nắm giữ sẽ giảm 300 tỷ USD trong một năm, so với 720 tỷ USD kể từ khi QT bắt đầu vào tháng 6/2022.
Trong khi đó, Fed vẫn tiếp tục giảm nắm giữ chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp ở mức 25 tỷ USD mỗi tháng.