Theo thông tin từ CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC ), tháng 4/2024 doanh số chung của Sao Ta đạt 16,32 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất tôm thành phẩm của công ty này trong tháng 4 đạt 2.130 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước (YoY); sản xuất nông sản thành phẩm đạt 216 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.435 tấn, tăng 22% YoY; sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 42 tấn, giảm 55%.
FMC cho biết, các trại tôm của doanh nghiệp đã hoàn tất thu hoạch tôm trong tháng 4, đang chuẩn bị cho tiến trình thả nuôi vụ chính.
Mới đây, FMC đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 hợp nhất, cho biết doanh thu thuần đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng tăng thêm 47%, lên mức 927 tỷ đồng. Các khoản doanh thu tài chính, chi phí tài chính giảm lần lượt 5% và 27%, còn đạt 16,9 tỷ đồng và 6,2 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại tăng lần lượt 26% và 28%, đạt 30,1 tỷ đồng và 19,6 tỷ đồng. Quý 1/2024, lợi nhuận trước thuế của FMC đạt 57,4 tỷ đồng, tăng 13% so với mức 50,6 tỷ đồng tại cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, Sao Ta đặt mục tiêu đạt 320 tỷ đồng lãi trước thuế, với kết quả quý 1 doanh nghiệp đã hoàn thành 17% kế hoạch năm về lợi nhuận.
Thông tin tại báo cáo thường niên năm 2023, Chủ tịch HĐQT FMC Hồ Quốc Lực nhận định, năm 2023, ngành tôm Việt phải đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu; lạm phát neo cao, nhu cầu tiêu dùng giảm sút; sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ chính của tôm Việt là Ecuador và Ấn Độ. Mặc dù không gặp phải hiện tượng lạm phát leo thang như các nước phương Tây, thị trường lớn nhất của FMC là Nhật Bản cũng bị tác động bởi vấn đề sức mua yếu và tỷ giá liên tục tăng cao.
Năm 2024, Sao Ta cho rằng, thách thức của ngành tôm vẫn sẽ còn kéo dài ít nhất trong 6 tháng đầu năm, thậm chí có thể với quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với năm 2023. Trong đó, vấn đề căng thẳng tại Biển Đỏ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu tôm sang Mỹ và châu Âu; vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ có thể làm giảm lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp tôm Việt.
“Trước những thách thức của ngành tôm năm 2023, FMC tiếp tục chọn Nhật Bản là thị trường chiến lược lâu dài, tập trung phát triển thị trường này, đồng thời từng bước thâm nhập vào thị trường Trung Quốc,” ông Hồ Quốc Lực thông tin tại báo cáo thường niên năm 2023 của FMC .
Ông Lực cũng cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm tôm chế biến sâu và chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác chống bán phá giá và chống trợ cấp trong năm 2024.
Dương Anh
https://mekongasean.vn/sao-ta-noi-da-tang-truong-ve-doanh-so-post34266.html#34266|zone-highlight-6|1