FPT - Dưới góc nhìn của VDSC

  • DV CNTT quốc tế: Nhu cầu chi tiêu CNTT tại thị trường Nhật Bản đang tăng tốc, giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định của khối Công nghệ, bất chấp một số dấu hiệu suy yếu tại thị trường Mỹ
    Kết thúc nửa đầu năm 2023, mảng DV CNTT quốc tế ghi nhận 11.227 tỷ đồng doanh thu (+30% YoY), và 1.834 tỷ đồng LNTT (+35% YoY). Biên LNTT tăng 50 bps YoY lên 16,3% khi đà giảm của đồng JPY so với cùng kỳ đã giảm đáng kể.
    Tăng trưởng của mảng này được dẫn dắt chủ yếu bởi sự tăng tốc của thị trường Nhật Bản, và APAC với tăng trưởng lần lượt là 39% YoY và 43% YoY, và đóng góp tỷ trọng doanh thu lần lượt là 38% và 26%. Trong khi đó, một thị trường quan trọng khác là Mỹ lại chứng kiến sự giảm tốc khá nhanh, tăng trưởng lũy kế 1H-2023 giảm xuống mức 15% YoY từ 50% YoY của năm 2022, chịu áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed. Trong diễn biến này, các doanh nghiệp DV CNTT lớn của Ấn Độ, vốn có mức độ tập trung khá cao vào thị trường Mỹ, cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu theo quý liên tục giảm kể từ năm 2022 (hình 2).
    Đáng chú ý, sự chậm lại của thị trường Mỹ cũng ảnh hưởng tới doanh thu ký mới trong Q2-2023, ghi nhận khoảng 4.800 tỷ đồng (chỉ tăng trưởng 5% YoY và tỷ lệ DT ký mới/DT ghi nhận giảm xuống mức 0,8). Tuy nhiên, giá trị ký mới này chưa bao gồm các hợp đồng T&M (hợp đồng không cố định giá trị) vốn được ký khá nhiều với các đối tác tại Nhật Bản. Do đó, trong xu hướng các doanh nghiệp tại Nhật Bản tăng cường chi tiêu CNTT hậu Covid nhằm bắt kịp với các đối thủ trên thế giới, mảng hoạt động này vẫn giữ nguyên mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu cho năm nay, hàm ý tăng trưởng cả năm khoảng 25% YoY.

  • DV CNTT trong nước: Vẫn còn nhiều thách thức
    Mảng DV CNTT trong nước ghi nhận gần 3.000 tỷ đồng doanh thu (+9% YoY), và 171 tỷ đồng LNTT (-35% YoY). Biên LNTT giảm gần 4 điểm phần trăm YoY xuống 5,7%, hàm ý hàm lượng các dịch vụ liên quan tới phần cứng đã tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo ban lãnh đạo, các khách hàng chính của mảng này hoạt động tập trung trong lĩnh vực Ngân hàng và BĐS vẫn đang cắt giảm khá nhiều các chi tiêu cho công nghệ và chuyển đổi số khi môi trường kinh doanh hiện nay chưa thực sự thuận lợi, chưa kể đến tính không chắc chắn trong thời điểm phục hồi kỳ vọng. Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu Chuyển đổi số số cho khối Chính phủ còn khá thấp so với kỳ vọng của doanh nghiệp, một phần do thời gian từ lúc ký kết tới thời điểm ghi nhận doanh thu thường kéo dài.

  • Khối Viễn thông: DV băng thông rộng tăng trưởng chậm do thay đổi mang tính cấu trúc
    Lũy kế 6T-2023, khối Viễn thông tăng trưởng 9% YoY về doanh thu và 5% YoY về LNTT do các hoạt động quảng cáo trực tuyến giảm mạnh trong bối cảnh các doanh nghiệp cắt giảm ngân sách cho hoạt động marketing online. Loại trừ hoạt động này, doanh thu và LNTT của các DV viễn thông (băng thông rộng, truyền hình trả tiền, DC và đường truyền riêng) tăng trưởng lần lượt là 10% YoY và 14% YoY. Trong khi doanh thu của dịch vụ băng thông rộng ghi nhận sự giảm tốc xuống mức 6% YoY do thị trường dần bão hòa, các DV Viễn thông cho khối KHDN và Pay TV vẫn duy trì tăng trưởng hai chữ số ở mức 15% YoY. Nhóm DV Viễn thông cho khối KHDN sẽ là động lực tăng trưởng của khối khi xu hướng áp dụng Cloud trong quá trình Chuyển đổi số vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, dẫn chứng bởi hiệu suất sử dụng các DC của FPT đang ở mức toàn dụng.

3 Likes