Nhiều nhà băng thay đổi nhân sự cấp cao trong mùa đại hội ngân hàng năm nay. Việc này kỳ vọng mở ra những cơ hội mới, mang tới diện mạo mới cho ngành ngân hàng.
Ngân hàng dồn dập thay "ghế nóng"
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024, bên cạnh câu chuyện chia cổ tức với tỷ lệ "khủng", chuyển sàn niêm yết, nợ xấu tăng... thì thông tin biến động nhân sự cấp cao cũng gây chú ý.
Tại ĐHCĐ thường niên năm nay, HĐQT Eximbank trình cổ đông thông qua việc bầu ông Nguyễn Cảnh Anh - Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 - 2025). Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng trình cổ đông miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Lê Thị Mai Loan. Bà Loan đã xin từ chức vì lý do cá nhân.
ĐHCĐ Eximbank ngày 26/4 cũng đã bỏ phiếu thuận, nhất trí bầu ông Nguyễn Hồ Nam trở thành thành viên HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ 2020 - 2025, cố vấn HĐQT Eximbank được bổ nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank. Bên cạnh đó, bà Đỗ Hà Phương và bà Lương Thị Cẩm Tú cũng được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Tại ĐHCĐ của KienlongBank, các cổ đông của ngân hàng này đã bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2027, gồm bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh và bà Hoàng Thị Phượng.
Tương tự, tại ĐHCĐ thường niên 2024 của Nam A Bank, ông Trần Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc thường trực Nam A Bank được bầu vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ VIII (2021 - 2026) với tỷ lệ 99,75%.
Ngay sau ĐHCĐ, HĐQT Nam A Bank đã họp thống nhất phân công ông Trần Ngọc Tâm, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc giữ trọng trách Phó chủ tịch thường trực HĐQT. Tiếp theo đó, HĐQT cũng đã bổ nhiệm ông Trần Khải Hoàn, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực vào vị trí Quyền Tổng giám đốc Nam A Bank.
ĐHCĐ của VietABank cũng thông qua đơn từ nhiệm của ông Hoàng Vũ Tùng, Thành viên Ban Kiểm soát; đồng thời bầu ông Trần Ngọc Hải vào vị trí thay thế ông Tùng.
Trước đó, HĐQT VietABank quyết định miễn nhiệm ông Cù Anh Tuấn khỏi vị trí Phó tổng giám đốc, có hiệu lực từ ngày 20/3/2024.
Ở một số ngân hàng khác cũng có biến động về nhân sự cấp cao.
Tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc sau hơn 10 năm giữ ghế, tập trung vào vị trí thành viên HĐQT.
OCB vừa công bố bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải đảm nhận các quyền hạn, nhiệm vụ trong vai trò Tổng Giám đốc (CEO) ngân hàng này từ ngày 6/5/2024.
Trong khi đó, tại PGBank, bà Đinh Thị Huyền Thanh có đơn xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT vì lý do cá nhân. ĐHCĐ thường niên 2024 của PGBank ngày 20/4 vừa qua đã thông qua việc từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của bà Thanh. Bà này rút khỏi ghế Tổng Giám đốc từ ngày 25/4.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024 diễn ra ngày 5/4, HĐQT ABBank đã có văn bản trình ĐHCĐ thông qua việc bầu ông Nguyễn Hồng Quang, hiện giữ chức cố vấn Ban Kiểm soát ABBank vào vị trí thành viên Ban Kiểm soát.
Trước đó, ABBank công bố miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc với ông Nguyễn Mạnh Quân từ ngày 20/3. Vào tháng 1/2024, ABBank đã miễn nhiệm ông Đỗ Lam Điền khỏi vị trí Phó tổng giám đốc. Đồng thời, 2 thành viên khác của Ban điều hành, ông Nguyễn Khánh Phúc và ông Nguyễn Hồng Quang, cũng đã thôi chức vào ngày 12/1. LPBank vừa miễn nhiệm và bổ nhiệm các nhân sự cấp cao.
Trong đó, bà Vũ Thu Hiền miễn nhiệm khỏi vị trí Phó tổng giám đốc, đồng thời bổ nhiệm bà Vũ Nam Hương đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp.
Hồi tháng 2/2024, SeABank đã miễn nhiệm 4 Phó tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, ông Võ Long Nhi, ông Hoàng Mạnh Phú, bà Trần Thị Thanh Thủy. Đồng thời, bổ nhiệm 2 nhân sự khác vào vị trí này là ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Khối nguồn vốn và thị trường tài chính và ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Khối quản trị rủi ro.
Thông điệp đằng sau việc thay đổi nhân sự cấp cao tại các ngân hàng
Nguồn nhân sự cao cấp luôn được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu trong các ngân hàng.
Tuy nhiên, dù là nhân sự cấp cao hay nhân viên cơ sở thì việc lựa chọn các nhân sự này đều phải được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng mới của từng ngân hàng.
Thay đổi nhân sự, đặc biệt là nhân sự cao cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng diễn ra khá sôi động trong vài năm trở gần đây. Biến động này thường nhộn nhịp hẳn lên trước thềm ĐHCĐ.
Việc thay đổi nhân sự cấp cao tại các ngân hàng được kỳ vọng sẽ tạo ra “làn gió mới”, mang đến những biến chuyển mới cho các nhà băng. Việc này nhằm phù hợp với mục tiêu kinh doanh và thị hiếu thị trường
Sự biến động ở các vị trí nhân sự cấp cao diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm.
Việc lựa chọn nhân sự của các ngân hàng ẩn chứa thông điệp mạnh mẽ của các ngân hàng trong nỗ lực chuyển đổi số, gia tăng lợi thế cạnh tranh, đồng thời nhằm hiện thực hoá mục tiêu đẩy mạnh công nghệ và mô hình bán lẻ được ĐHCĐ các ngân hàng đề ra.
Đằng sau các quyết định thay thế hoặc bổ sung nhân sự cấp cao, có thể thấy các ngân hàng đang trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo. Sự “trẻ hóa” ở thượng tầng tại các ngân hàng thương mại hiện nay được kỳ vọng mở ra những cơ hội mới, mang tới một diện mạo mới cho ngành ngân hàng.
Ngành ngân hàng cũng đang phải đối mặt với các rủi ro từ sự bất ổn của thị trường trái phiếu, bảo hiểm… hay thoái lãi dự thu, rủi ro an ninh, tấn công mạng…
Trước những thách thức đó, bài toán đặt ra là các ngân hàng phải nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó, mấu chốt nằm ở việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự.
Lê Vũ Phong
https://vietnamfinance.vn/ghe-nong-ngan-hang-bien-dong-sep-lon-don-dap-den-va-di-d110261.html