“Ghìm cương” giá vàng: Khi đấu thầu vàng không phải là “cây đũa thần”

Việc tăng nhập khẩu, sau đó tổ chức các phiên đấu thầu sẽ giúp tăng nguồn cung trong nước, từ đó kéo giá vàng hạ nhiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tăng nhập khẩu, tăng đấu thầu chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu sử dụng giải pháp này lâu dài sẽ tác động rất xấu tới nền kinh tế.

Vàng đấu thầu đang “ế”

Kể từ sau Tết Nguyên đán tới nay, giá vàng trong nước “nhảy múa” liên tục. Nếu trong phiên giao dịch 1/1/2024, giá vàng SJC ghi nhận mức giá 70 triệu đồng/lượng (mua vào) - 74 triệu đồng/lượng (bán ra), thì trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá vàng thiết lập mức giá chưa từng có 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Phiên giao dịch ngày 10/5 cũng là ngày giá vàng lên “đỉnh”, trong các phiên giao dịch sau đó, giá vàng SJC có xu hướng hạ nhiệt. Như vậy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, giá vàng đã tăng gần 25%. So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cao hơn 20 triệu đồng, đây cũng là mức chênh kỷ lục từ trước tới nay.

Trước hiện tượng giá vàng trong nước “lên đồng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có chỉ đạo xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước chênh cao so với với giá vàng thế giới.

Mới đây nhất, vào sáng 14/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo khẩn trương việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng.

Thậm chí, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đơn vị quản lý loại mặt hàng này cũng đưa ra giải pháp đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung trong nước.

Trong phiên đấu thầu đầu tiên vào ngày 23/4, vàng bị “ế”. Theo đó, chỉ có 2 thành viên trúng thầu và tổng khối lượng vàng trúng thầu chỉ là 3.400 lượng.

Trong khi đó, theo thông báo của NHNN, tổng khối lượng vào dự kiến được đấu thầu sẽ là 16.800 lượng. Như vậy, trong phiên đấu thầu đầu tiên mới chỉ “bay” được 1/5 tổng khối lượng vàng được đấu thầu.

Từ đó tới nay, NHNN đã tổ chức 5 phiên đấu thầu vàng miếng. Trong phiên đấu thầu mới nhất diễn ra vào ngày 8/5, đã có 3 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô vàng miếng tương đương với 3.400 lượng vàng.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định: Giải pháp đấu thầu để “ghìm cương” giá vàng không mới. Trên thực tế, giải pháp này đã được áp dụng một lần vào năm 2013, tức là cách đây đã 11 năm.

Liên quan tới vấn đề diễn biến đấu thầu vàng vừa qua, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trong phiên đấu thầu đầu tiên chỉ “bay” được 1/5 tổng khối lượng dự kiến là điều đã được lường trước. Bởi vì, đây được coi là phiên thăm dò thị trường. Diễn biến khá tương đồng vào năm 2013.

“Trong 76 phiên đấu thầu vàng năm 2013, phiên đầu tiên khối lượng vàng đấu thầu rất ít” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, khác với 11 năm trước, trong đợt đấu thầu vàng miếng năm nay, NHNN kiểm soát chặt hơn và doanh nghiệp sợ rủi ro hơn. Sự kiểm soát chặt của NHNN thể hiện ở việc quy định giá sàn đấu thầu ở mức khá cao, trong khi lại kiểm soát mức giá trần bán ra.

Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các doanh nghiệp đấu thầu phải mua lượng vàng tối thiểu khá lớn, là 1.400 lượng.

“NHNN kiểm soát chặt hơn và doanh nghiệp sợ rủi ro hơn. Sự kiểm soát chặt của NHNN thể hiện ở việc quy định giá sàn đấu thầu ở mức khá cao, trong khi lại kiểm soát mức giá trần bán ra. Thêm vào đó, NHNN cũng yêu cầu các doanh nghiệp đấu thầu phải mua lượng vàng tối thiểu khá lớn, là 1.400 lượng” - PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Đấu thầu, hay tăng nhập khẩu, có phải là “cây đũa thần” ghìm cương giá vàng

Nhiều chuyên gia đồng tình rằng, trong bối cảnh thị trường vàng rối ren như hiện nay, việc NHNN tổ chức các phiên đấu giá vàng là cần thiết. Bởi, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giá vàng “lên đồng”, đó là cung vượt cầu.

Dựa trên các lý thuyết kinh tế, việc tăng nhập khẩu, sau đó tổ chức các phiên đấu thầu sẽ giúp tăng nguồn cung trong nước, từ đó kéo giá vàng hạ nhiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tăng nhập khẩu, tăng đấu thầu chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu sử dụng giải pháp này lâu dài sẽ tác động rất xấu tới nền kinh tế.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nguyên nhân được xác định là cầu vượt cung. Nhưng, nhu cầu của người dân cần là bao nhiêu là con số không thể xác định được. Do đó, việc nhập bao nhiêu, đấu thầu bao nhiêu là con số cần phải tính tới.

“Nếu không tính toán kỹ, còn có thể gây ra “hiệu ứng ngược” vì nếu NHNN cứ tiếp tục tung vàng ra thị trường, vô hình trung sẽ khiến người dân đổ xô đi mua để đầu cơ, tái diễn “vàng hóa” kinh tế” - ông Long nói.

Bên cạnh đó, nếu kéo dài đấu thầu vàng còn tạo ra áp lực cho việc dự trữ ngoại hối và công tác điều hành tỷ giá.

PGS.TS phân tích: Khi NHNN tung vàng ra thị trường bằng hình thức đấu thầu thì buộc phải sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, trong khi quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia chỉ còn khoảng 80 - 90 tỷ USD.

“Do đó, nếu tiếp tục biện pháp này thì quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ dần suy giảm, từ đó, ảnh hưởng tới vấn đề điều hành tỷ giá nói riêng và an ninh tiền tệ nói chung. Đây là vấn đề hết sức quan trọng với một đất nước” - ông Long nhận định.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital cho rằng: Nếu nhập khẩu vàng, NHNN sẽ phải tính đến bài toán về tỷ giá. Bởi nếu áp dụng phương án này, NHNN cần đến USD để nhập vàng, dự trữ ngoại hối sẽ giảm và làm gia tăng sức ép tỷ giá. Điều này lý giải tại sao ngay khi có tin đấu thầu vàng, tỷ giá lập tức tăng nóng.

“Theo quan điểm của tôi, vẫn cần phải thận trọng với việc đấu thầu vàng, vì năm 2013, NHNN tổ chức đấu thầu khi giá vàng đang đi xuống, nhưng ở hiện tại giá vàng thế giới đang lên, và nhu cầu người dân cũng đang cao, trong khi đó, sức ép về tỷ giá cũng vẫn đang cao” - ông Tuấn nói.

“Cấm” dùng tiền mặt với vàng: Nhiều ý kiến trái chiều

Mới đây, Tổng cục Thuế đã đưa ra kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng đưa ra đề xuất hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt.

Trước đề xuất mới của ngành thuế, một số ý kiến cho rằng, việc “cấm” dùng tiền mặt khi mua bán vàng miếng là điều cần thiết trong việc hỗ trợ cơ quan thuế kiểm soát được hóa đơn, kiểm soát vấn nạn rửa tiền, buôn lậu vàng, làm tăng tính minh bạch của thị trường vàng, nhất là trong bối cảnh biến động mạnh như hiện nay.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đề xuất này không khả thi và chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp mua vàng số lượng lớn, hoặc mua đề đầu tư. Ngược lại, với những trường hợp mua số lượng ít, nửa chỉ hay 1, 2 chỉ vàng vẫn nên cho phép sử dụng tiền mặt.

PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá: Hiện nay, ở Việt Nam người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán. Vì vậy, việc cấm dùng tiền mặt đối với bất kỳ giao dịch nào là điều không khả thi, kể cả là mua bán vàng.

“Có nhiều người là người già, người dân ở vùng nông thôn, họ mua vàng để tích trữ phòng các trường hợp rủi ro, hoặc mua để biếu, tặng với số lượng nhỏ. Trong một số trường hợp họ không hiểu biết về công nghệ, không có điện thoại thông minh để giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản nên việc cấm dùng tiền mặt là rất khó” - PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Định Trần-Link gốc

https://www.congluan.vn/ghim-cuong-gia-vang-khi-dau-thau-vang-khong-phai-la-cay-dua-than-post295662.html