Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng, cao su đà giảm, hồ tiêu ổn định, măng cụt mất mùa, xuất khẩu 2,5 tấn vải thiều sớm Phúc Hòa sang Trung Đông.
Gạo xuất khẩu tiếp đà tăng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến 30/4, xuất khẩu gạo đạt 3,17 triệu tấn, trị giá 2,037 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 9,51% về số lượng và tăng 33,56% về trị giá.
Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức từ 585-590 USD/tấn vào ngày 16/5, tăng so với mức 585 USD/tấn một tuần trước
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục duy trì ổn định. Vụ Hè Thu ở khu vực này đã đến nhưng sản lượng chưa cao.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, giá hầu hết các loại lúa không có sự thay đổi như OM 18 từ 7.800-8.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600-7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.500-7.600 đồng/kg, OM 5451 từ 7.600-7.700 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 7.800-8.000 đồng/kg...
Gạo xuất khẩu tiếp đà tăng.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000-19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch dứt điểm vụ Đông Xuân 2023-2024 với diện tích đã xuống giống 1,488 triệu ha. Năng suất vụ này đạt 71,84 tạ/ha và sản lượng ước đạt khoảng 10,65 triệu tấn lúa.
Đến đầu tháng 5/2024, vụ Hè Thu 2024, các địa phương trong vùng đã xuống giống được 878.000 ha/1,48 triệu ha kế hoạch.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến 30/4, xuất khẩu gạo đạt 3,17 triệu tấn, trị giá 2,037 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 9,51% về số lượng và tăng 33,56% về trị giá.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức từ 585-590 USD/tấn vào ngày 16/5, tăng so với mức 585 USD/tấn một tuần trước. Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu vẫn lớn, trong khi nguồn cung trong nước thấp.
Cà phê thế giới đồng loạt tăng hai loại Robusta và Arabica
Theo ghi nhận mới nhất, giá cà phê trên thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2024 được ghi nhận tại mức 3.518 USD/tấn sau khi tăng 2,87%. Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tại New York ở mức 206,6 UScent/pound sau khi tăng 4,4%.
Cà phê thế giới đồng loạt tăng hai loại Robusta và Arabica
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023- 2024 tăng 5,8% so với niên vụ trước lên 178 triệu bao. Tiêu thụ dự kiến tăng 2,2% lên 177 triệu bao, thị trường cà phê thế giới sẽ thặng dư 1 triệu bao trong niên vụ 2023 - 2024.
Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của USDA cho rằng, sản lượng cà phê thế giới vào năm 2023 - 2024 sẽ tăng 4,2% so với cùng kỳ lên 171,4 triệu bao, với sản lượng cà phê arabica tăng 10,7% lên 97,3 triệu bao và sản lượng cà phê robusta giảm 3,3% xuống còn 74,1 triệu bao.
Theo báo cáo mới nhất của ICO, tồn kho cà phê robusta được chứng nhận trên sàn London đã tăng 27,4% trong tháng 4 vừa qua lên 0,63 triệu bao (loại 60 kg/bao). Trong khi tồn kho cà phê arabica tại NewYork đạt 0,64 triệu bao, tăng 1,7%. Đây cũng là một trong những yếu tố gây sức ép lên giá cà phê trong tháng 4.
Hồ tiêu duy trì ổn định
Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay đi ngang so với ngày hôm qua. Cụ thể, thương lái tại Gia Lai và Đồng Nai đang cùng thu mua hồ tiêu với giá 110.000 đồng/kg. Mức giao dịch 111.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước.
Giá tiêu hôm nay đi ngang so với ngày hôm qua
Trên thị trường thế giới thế giới, giá giao dịch tiêu đen Lampung (Indonesia), giá thu mua tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 18/5; giá thu mua tiêu trắng Muntok, còn giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có điều chỉnh mới.
Giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận tăng, trong khi mùa vụ thu hoạch hồ tiêu đã kết thúc nên nguồn cung sẽ ngày càng giảm. Do vậy, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Măng cụt Lái Thiêu mất mùa
Vào thời điểm tháng 5/2023, vùng trồng măng cụt Lái Thiêu (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) gây sốt với trend gỏi gà măng cụt xanh. Nhờ được săn đón nên măng cụt ở đây vừa bán được nhiều, lại có giá tốt.
Tại nhiều nhà vườn Lái Thiêu, măng cụt đang chín lác đác, sản lượng thấp
Tuy nhiên, năm nay, măng cụt xanh không còn được săn lùng như năm ngoái. Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản cá nhân vẫn rao bán măng cụt sống với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg loại còn nguyên vỏ. Loại măng cụt ruột xanh gọt sẵn, giá 350.000 - 400.000 đồng/kg, giảm khoảng 200.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sản lượng năm nay cực thấp, không có nhiều hàng để bán. Tại nhiều nhà vườn Lái Thiêu, măng cụt đang chín lác đác và nhỏ giọt.
Theo một chủ vườn trồng măng cụt, trước đây, vào mùa, ngày nào cũng hái được từ 150 - 200kg măng cụt để bán. Hái đến đâu bán hết tới đó chứ không cần phải đưa đi đâu xa, năm nay thậm chí không có trái để mà bán. Một năm kinh tế khó khăn lại còn mất mùa do nắng nóng.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn (xã An Sơn, thành phố Thuận An) có 11 thành viên với tổng diện tích trồng măng cụt 21ha. Mọi năm, các thành viên của hợp tác xã thu hoạch khoảng 30 tấn nhưng năm nay, ước tính chỉ đạt cao lắm là vài tạ.
Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn cho biết, vùng trồng măng cụt Lái Thiêu năm nay mất mùa tới 90%. Đây là nguyên nhân khiến măng cụt ở đây không có hàng để cung ứng cho các chợ hay phục vụ cho các hàng quán như năm 2023.
“Với nguồn hàng như hiện tại, hợp tác xã cũng không thể gom hàng để cung ứng cho các đơn vị bao tiêu. Các thành viên hiện cũng chỉ bán lẻ cho các chủ sạp hoặc thương lái mua với số lượng nhỏ lẻ”, đại diện hợp tác xã cho biết thêm.
Giá cao su trên hai sàn cùng giảm
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 7/2024 giảm 0,19% xuống mức 319,3 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h ngày 20/5 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2024 duy trì ổn định ở mức 13.965 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,57%.
Giá cao su giao dịch trên hai sàn cùng giảm
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên dự báo, nhu cầu cao su tự nhiên của Trung Quốc trong năm 2024 ở mức 7,35 triệu tấn.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nga và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc; trừ Thái Lan và Việt Nam, lượng cao su nhập khẩu từ các thị trường còn lại đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 405,4 nghìn tấn, trị giá 563,91 triệu USD, giảm 2,9% về lượng, nhưng tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 21,64% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2024, cao hơn so với mức 19,8% của 3 tháng đầu năm 2023.
Về chủng loại nhập khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, lượng nhập khẩu các chủng loại này đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cao su tự nhiên chiếm 28,18% tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc; cao su tổng hợp chiếm 68,28%; phần còn lại là cao su tái sinh và cao su hỗn hợp.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 329,9 nghìn tấn cao su, trị giá 471,29 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 2,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu 2,5 tấn vải thiều sớm sang thị trường Trung Đông
Ngày 19/5, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) phối hợp với UBND xã Phúc Hòa (Tân Yên) tổ chức thu hái 2,5 tấn vải tươi đầu tiên để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.
Xuất khẩu 2,5 tấn vải thiều sớm Phúc Hòa sang thị trường Trung Đông
Quả vải tươi sau khi thu hoạch được cắt cuống, lá, đóng vào thùng xốp với trọng lượng 13-15 kg quả/thùng, sau đó đưa về công ty sơ chế, đóng gói và ngày 20/5 sẽ xuất khẩu sang Trung Đông.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân các vùng trồng vải thiều (bao gồm vải sớm và vải chính vụ) theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với số lượng lớn, khoảng 100 tấn vải tươi và 2.000 - 2.500 tấn vải chế biến để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, các quốc gia khu vực châu Âu, Trung Đông.
Năm nay nhiều nơi mất mùa, giá thu mua cao hơn so với mọi năm từ 15-20%. Dù khan hiếm hàng song doanh nghiệp vẫn áp dụng quy trình kiểm duyệt chặt chẽ sản phẩm đầu vào, chỉ chọn mua đối với diện tích vải thiều an toàn, bảo đảm chất lượng xuất khẩu.
KHÁNH LINH (t/h)