Cập nhật giá tiêu
Giá tiêu trong nước
Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay đi ngang tại nhiều địa phương.
Cụ thể, thương lái tại tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Đồng Nai đang cùng thu mua hồ tiêu với giá thấp nhất là 97.500 đồng/kg.
Cao hơn ở mức 98.000 đồng/kg là giá hồ tiêu được ghi nhận tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước đang cùng neo ở mức cao nhất là 98.500 đồng/kg.
Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát) | Giá thu mua (Đơn vị: VNĐ/kg) | Thay đổi so với hôm qua (Đơn vị: VNĐ/kg) |
Đắk Lắk | 98.500 | - |
Gia Lai | 97.500 | - |
Đắk Nông | 97.500 | - |
Bà Rịa - Vũng Tàu | 98.000 | - |
Bình Phước | 98.500 | - |
Đồng Nai | 97.500 | - |
Giá tiêu thế giới
Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) vào ngày 2/5 (theo giờ địa phương), giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 0,47%, giá tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 30/4.
Tên loại | Bảng giá tiêu đen thế giới (ĐVT: USD/tấn) | ||
Ngày 30/4 | Ngày 2/5 | % thay đổi | |
Tiêu đen Lampung (Indonesia) | 4.703 | 4.725 | +0,47 |
Tiêu đen Brazil ASTA 570 | 4.700 | 4.700 | 0 |
Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA | 4.900 | 4.900 | 0 |
Cùng thời điểm khảo sát, giá tiêu trắng Muntok tăng 0,46%, trong khi giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có điều chỉnh mới.
Tên loại | Bảng giá tiêu trắng thế giới (ĐVT: USD/tấn) | ||
Ngày 30/4 | Ngày 2/5 | % thay đổi | |
Tiêu trắng Muntok | 6.232 | 6.261 | +0,46 |
Tiêu trắng Malaysia ASTA | 7.300 | 7.300 | 0 |
Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, Pakistan là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ hàng nông sản truyền thống đến các mặt hàng tiêu dùng...
Trong tháng 2/2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan đạt 26 triệu USD, giảm 28,4 % so với tháng trước. Tính chung 2 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan đạt 62,4 triệu USD, giảm 5,8 % so với cùng kỳ năm trước.
Chiều ngược lại, tháng 2/2024, nhập khẩu của Việt Nam từ Pakistan đạt 33 triệu USD, giảm 33,4 % so với tháng trước. 2 tháng năm 2024, nhập khẩu của Việt Nam từ Pakistan đạt 82,5 triệu USD, tăng 185 % so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Điệp Hà - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, trong những tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Pakistan chủ yếu là các mặt hàng như: Chè; xơ, sợi dệt các loại; hạt tiêu; cao su; hạt điều; sắn và các phẩm từ sắn; thủy sản... hay các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như: Điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Pakistan các mặt hàng như: Vải các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; xơ sợi dệt các loại; dược phẩm; bông các loại...
Phân tích rõ hơn về triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Pakistan, bà Nguyễn Thị Điệp Hà cho biết, 2 tháng đầu năm, chè là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này với trị giá đạt trên 10 triệu USD. Bên cạnh đó, hạt tiêu Việt Nam cũng là mặt hàng đầy tiềm năng để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Pakistan.
Cụ thể, theo người Phụ trách Thương vụ, hiện nay Pakistan có nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu cao và ổn định trong khi nước này không trồng được hạt tiêu và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, theo báo Điện tử Công Thương.
Cập nhật giá cao su
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 2,84% lên mức 318,3 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h00 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2024 ở mức 13.885 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,57%.
Theo nhận định, nguồn cung cao su có thể tiếp tục thiếu hụt trong năm 2024 - 2025, thị trường toàn cầu có thể sẽ thiếu hụt khoảng 600 - 800 nghìn tấn mỗi năm, Bộ Công Thương Việt Nam đưa tin.
Sự chênh lệch cung - cầu này đến từ tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4 - 6% mỗi năm, nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu lốp xe của Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng trưởng tích cực và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2024.
Tuy nhiên, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 1 - 3%/năm trong giai đoạn 2024 - 2025. Diện tích trồng cao su tại Thái Lan và Indonesia liên tiếp giảm do dịch bệnh trên cây cao su và xu hướng chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hiệu suất thu hoạch cao su cũng đã giảm xuống trong những năm gần đây do dịch bệnh và thời tiết cực đoan. Đặc biệt, năm 2024 dự báo sẽ là năm khắc nghiệt với cây cao su khi chuyển giao giữa hiện tượng El Nino và La Nina, gây ra nhiều biến động trong mùa vụ khai thác cao điểm tại khu vực Đông Nam Á.