Giá tiêu trong dài hạn được dự báo sẽ khó lòng giảm sâu vì nguồn cung suy giảm trong bối cảnh người dân vẫn chưa quay trở lại để mở rộng diện tích trồng.
Giá tiêu duy trì đà tăng mạnh
Ở thời điểm hiện tại, các vùng trồng hạt tiêu trọng điểm ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang bước vào thời điểm cuối vụ thu hoạch năm 2024. Đà tăng giá hạt tiêu đen có phần chững lại vào thời điểm giữa tháng 4 do nhu cầu từ Trung Quốc giảm, nhưng sau đó tăng trở lại.
Theo đó, trong khoảng thời gian 13 - 18/4, giá tiêu dao động trong khoảng 89.000 - 91.000 đồng/kg, giảm từ mức khoảng 95.000 đồng/kg hồi tháng 3. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5, giá tiêu nhanh chóng tăng lên khoảng 104.000 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá tiêu tăng khoảng 25%. Nguyên nhân xuất phát từ việc nguồn cung suy giảm do chịu tác động của thời tiết xấu và người dân thu hẹp diện tích. Hiệp hội Hồ tiêu - Cây gia vị Việt Nam dự báo sản lượng năm nay dự kiến giảm 10% xuống khoảng 170.000 tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu cho rằng về dài hạn, giá tiêu khó lòng giảm xuống nữa vì diện tích chưa thể phục hồi nhanh chóng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Daklak, doanh nghiệp đứng thứ 8 về thị phần xuất khẩu mặt hàng này, nhận định giá tiêu tăng trong thời gian qua do nhu cầu vượt nguồn cung. Về dài hạn, nhu cầu gia vị sẽ ngày càng tăng trong khi tiêu Việt Nam đã đến độ lão hoá và mức giá hiện nay vẫn chưa thể kích thích người dân trồng thêm. Tuy nhiên, rất khó xác định mức giá nào người dân có thể quay trở lại với cây tiêu vì còn phụ thuộc vào giá của các cây đối thủ khác như sầu riêng, chanh leo, cà phê…
“Ngay cả khi giá tiêu đạt 100.000 đồng/tấn thì vẫn chưa đủ hấp dẫn người dân trồng trở lại bởi nếu so sánh với lợi nhuận thì từ các loại cây khác, đặc biệt là sầu riêng thì thu nhập từ tiêu vẫn thấp hơn nhiều”, ông Huy nhận định.
Ông cho hay khi so sánh với cà phê, lợi nhuận từ trồng tiêu vẫn thấp hơn bởi việc canh tác cà phê dễ hơn. Cây tiêu là thân leo, cực kỳ dễ bị tổn thương và năng suất trên một đầu cây cũng thấp hơn nhiều so với cà phê.
Vị này cũng chia sẻ do người dân vừa trải qua cuộc khủng hoảng giá tiêu kéo dài nhiều năm, có lúc giá xuống hơn 30.000 đồng/kg nên họ không có đủ tự tin để trồng lại vào thời điểm này.
“Do đó, tồn kho trong 3 - 5 năm tới sẽ tiếp tục giảm. Trong dài hạn giá khó lòng giảm hơn nữa”, ông Huy nhận định.
Chia sẻ bên lề hội nghị hồ tiêu và gia vị quốc tế diễn ra hồi đầu năm, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam, cho biết giá tiêu đang bước vào chu kỳ tăng, tuy nhiên trong quá trình đi lên, giá tiêu sẽ có một vài nhịp điều chỉnh xuống trước khi tăng trở lại.
“Khi giá tiêu tăng lên mức độ nào đó sẽ đạt đến điểm “bão hoà”, các thành phần tham gia thị trường đều hài lòng. Khi đó, giá tiêu sẽ điều chỉnh”, bà Liên cho biết.
Tuy nhiên, theo bà việc chênh lệch cung - cầu có thể khiến giá tiêu tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguồn cung tiêu của Việt Nam và các nước lớn trên thế giới giảm khiến thị trường toàn cầu thâm hụt “vài chục nghìn tấn” tiêu.
Xuất khẩu tiêu có thể tăng trưởng khả quan trong quý II
Hoạt động tiêu thụ tiêu của Việt Nam vẫn đang duy trì ổn định trong khi giá bán vẫn trong xu hướng tăng. Theo số liệu từ Hiệp hội và Cây gia Vị Việt Nam (VPSA), lượng tiêu xuất khẩu trong tháng 4 tương đương với tháng 3 và cùng kỳ năm ngoái, khoảng 26.000 tấn.
Giá tiêu xuất khẩu trung bình ở mức 4.437 USD/tấn, mức cao nhất kể tháng 5/2022, đồng thời đánh dấu chuỗi 11 tháng tăng liên tiếp.
Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo các tháng còn lại quý II/2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu tăng trở lại từ các thị trường khu vực châu Âu, châu Mỹ.
Cơ quan này nhận định nhìn chung, thị trường hạt tiêu thế giới đã xuất hiện tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm 2024. Ngoài nhu cầu tiêu thụ tăng thì việc giá hạt tiêu duy trì ở mức cao cũng sẽ tác động tích cực lên ngành hạt tiêu Việt Nam.
https://vietnambiz.vn/gia-tieu-kho-long-giam-trong-dai-han-vi-nguon-cung-yeu-2024513162333904.htm