NHNN cũng có thể tiếp tục duy trì giải pháp bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nhưng rõ ràng điều này sẽ khó có thể duy trì lâu, dựa trên lượng dự trữ ngoại hối hiện nay không phải quá dồi dào.
Hạ nhiệt nhờ đâu?
“Nổi sóng” là từ khóa có thể dùng để minh họa cho thị trường ngoại hối trong tháng 4 vừa qua. Tỷ giá trung tâm USD/VNĐ khép lại tháng 4 với mức tăng mạnh 243 đồng, gấp hơn 2 lần tổng mức tăng của 3 tháng đầu năm là 117 đồng. Giá giao dịch tại các ngân hàng cũng tăng thêm 640-650 đồng trong tháng 4, trong khi cả quý 1 chỉ tăng 400 đồng.
Trên thị trường tự do, giá USD bất ngờ lại có mức tăng khiêm tốn hơn, khi chỉ leo thêm 280-300 đồng ở chiều mua vào và bán ra, nâng mức tăng so với đầu năm lên 950-1,000 đồng, tương ứng tăng 3.8-4%, thấp hơn tốc độ của giá giao dịch của các ngân hàng trong 4 tháng đầu năm.Theo đó, chênh lệch giữa giá USD tự do và trên thị trường chính thức đã thu hẹp lại.
Dù vậy, sau mức tăng mạnh trong tháng 4, thị trường ngoại hối đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong những ngày đầu tháng 5 này, khi đà tăng đã chững lại. Động thái bán ngoại tệ can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dường như đã góp phần ổn định thị trường. Trong báo cáo mới đây, WiGroup cho biết NHNN đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD (trên tổng số gần 90 tỷ USD dự trữ ngoại hối – tính đến năm 2023).
Trong khi đó, chênh lệch lãi suất vay mượn USD và VNĐ trên thị trường liên ngân hàng cũng đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Nếu như trong 3 tháng đầu năm nay, lãi suất qua đêm USD cao hơn VNĐ từ 4.5-5%, các kỳ hạn khác từ 3-4%, đã thúc đẩy các ngân hàng đầu cơ ngoại tệ để kiếm ăn từ chênh lệch lãi suất và kỳ vọng phá giá tiền tệ, hiện mức chênh lệch này chỉ còn quanh 1% với kỳ hạn qua đêm và 0.7-0.9% đối với các kỳ hạn khác.
Giả sử với một ngân hàng có khả năng dự báo và giao dịch ngoại tệ tốt, đầu tháng 4 vay tiền đồng mua USD cho vay trên liên ngân hàng, ăn chênh lệch lãi suất từ 3-4%, cộng thêm tỷ giá USD/VNĐ tăng thêm 2.5% riêng trong tháng 4 vừa, theo đó đã có thể kiếm được lợi nhuận 5-6% chỉ trong một tháng nếu tận dụng tốt mức chênh lệch lãi suất và biến động tỷ giá này.
Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ từ các hoạt động thương mại và đầu tư cũng góp phần hạ nhiệt tỷ giá. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của bốn tháng đầu năm trong 5 năm qua. Như vậy riêng trong tháng 4 đã có thêm 1.65 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, cao hơn mức bình quân của 3 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 dù tiếp tục chuỗi thặng dư, nhưng tốc độ đã chậm lại. Từ mức xuất siêu 2.78 tỷ USD của tháng 3, tháng 4 chỉ còn ghi nhận xuất siêu 0.68 tỷ USD, nâng mức xuất siêu 4 tháng lên 8.4 tỷ USD, vẫn cao hơn mức 7.66 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, sự chững lại của con số xuất siêu đang mang đến lo ngại cán cân thương mại có thể đảo chiều trong thời gian tới và lại gây áp lực lên tỷ giá, đặc biệt là những tháng cuối năm.
Giải pháp tiếp theo?
Trong báo cáo mới đây, ngân hàng UOB dự báo tỷ giá USD/VNĐ có thể tiếp tục leo lên mức 25,600 đồng trong quý 2 này, trước khi giảm trở lại về mức 25,100 trong quý 3 và 24,800 trong qúy 4/2024, dựa trên việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu quay lại với chu kỳ nới lỏng chính sách, với kỳ vọng lần giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.
Trước đó báo cáo của Bank of America cũng có nhận định tương tự khi cho rằng tỷ giá USD/VNĐ lên 25,600 đồng vào cuối quý 2, tuy nhiên tổ chức này lại cho rằng tỷ giá tiếp tục đi lên trong nửa cuối năm lên mức 25,700 đồng vào cuối năm nay. Điều này cho thấy những áp lực mà thị trường ngoại hối trong nước sẽ tiếp tục đối mặt trong thời gian tới, đặc biệt là không loại trừ khả năng Fed có thể neo lãi suất cơ bản cao hơn so với các dự báo, khi lạm phát tại nước này vẫn diễn biến khó lường.
"Giả sử với một ngân hàng có khả năng dự báo và giao dịch ngoại tệ tốt, đầu tháng 4 vay tiền đồng mua USD cho vay trên liên ngân hàng, ăn chênh lệch lãi suất từ 3-4%, cộng thêm tỷ giá USD/VNĐ tăng thêm 2.5% riêng trong tháng 4 vừa, theo đó đã có thể kiếm được lợi nhuận 5-6% chỉ trong một tháng nếu tận dụng tốt mức chênh lệch lãi suất và biến động tỷ giá này."
Trước tình hình này, đã có một số ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải sớm tăng lãi suất điều hành trở lại để kiềm chế tỷ giá, giải pháp mà một số ngân hàng trung ương (NHTƯ) trong khu vực đã lựa chọn. Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, cho biết lãi suất tiền gửi được dự báo tăng từ 50-100 điểm cơ bản vào cuối năm 2024.
Việc các ngân hàng có động thái liên tục tăng lãi suất tiền gửi trong 2 tháng gần đây đã phần nào thể hiện xu hướng này. Dù vậy, mức lãi suất tiết kiệm mà các nhà băng đang niêm yết ở kỳ hạn dưới 6 tháng hiện vẫn cách xa mức trần 4.75%, do đó có lẽ nhà điều hành sẽ chưa cần phải sớm tăng lãi suất điều hành trở lại. Vì khi lãi suất điều hành tăng sẽ gây ra một hiệu ứng tâm lý và kỳ vọng lãi suất cao hơn trong tương lai, do đó ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng theo định hướng của Chính phủ.
NHNN cũng có thể tiếp tục duy trì giải pháp bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nhưng rõ ràng điều này sẽ khó có thể duy trì lâu, dựa trên lượng dự trữ ngoại hối hiện nay không phải quá dồi dào. Thay vào đó, nhà điều hành có thể chuyển sang từ bán giao ngay sang bán kỳ hạn, để dời bớt nhu cầu ngoại tệ về tương lai cũng như giảm bớt áp lực cho nguồn cung hiện tại.
Thực tế là thời gian qua, không ít doanh nghiệp nhập khẩu vì lo ngại khả năng tiếp cận nguồn ngoại tệ cho giai đoạn tới, đặc biệt là những tháng cuối năm, cũng như e ngại rủi ro tỷ giá khi càng về cuối năm, nên đã tranh thủ tích trữ ngoại tệ ngay từ thời điểm này, vô tình đẩy nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại, càng gây áp lực lên tỷ giá. Nay nếu nhu cầu trong tương lai được đảm bảo qua nguồn cung ngoại tệ có thể được bơm ra ở các hợp đồng kỳ hạn ngay từ lúc này, áp lực lên tỷ giá cũng sẽ được dàn trải ra khoảng thời gian rộng hơn.
Song song với việc bán ngoại tệ thời gian qua, NHNN cũng tìm cách giảm bớt căng thẳng thanh khoản tiền đồng cho hệ thống bằng cách trung hòa lượng tiền đồng hút vào qua lượng bơm ròng trên thị trường mở và tín phiếu. Tuy nhiên, việc bơm ròng nói trên cũng có thể kéo lãi suất VNĐ trên thị trường liên ngân hàng giảm trở lại, khiến chênh lệch với lãi suất USD có thể mở rộng trở lại và kích thích các hoạt động đầu cơ tỷ giá của các nhà băng.
Để đối phó với tình trạng này, nhà điều hành nên xem xét khả năng điều chỉnh tỷ lệ trạng thái ngoại hối của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, vốn đang được quy định ở mức giới hạn 20% theo thông tư 07/2012/TT-NHNN, tức đã cách đây đã 12 năm. Nếu trước đây vốn tự có của các ngân hàng còn thấp, nhưng giờ đây sau nhiều năm tăng trưởng mạnh vốn điều lệ, nguồn lợi nhuận giữ lại tích lũy lớn, liên tục phát hành trái phiếu tăng vốn tự có cấp 2, vốn tự có tại nhiều nhà băng hiện nay đã ở mức “khủng”, nên số dư trạng thái ngoại hối các TCTD được nắm giữ là rất lớn.
Thụy Nhiên
https://fili.vn/2024/05/giai-phap-nao-kiem-che-ty-gia-757-1188289.htm