Giới đầu tư lại chuyển dòng tiền vào các cổ phiếu ngân hàng châu Âu

Các nhà đầu tư đang quan tâm trở lại đối với cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu sau khi các báo cáo lợi nhuận bất ngờ vượt dự báo kéo giá cổ phiếu của các ngân hàng lên mức cao kỷ lục nhiều năm.

Các nhà đầu tư đang quan tâm trở lại đối với cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu sau khi các báo cáo lợi nhuận bất ngờ vượt dự báo kéo giá cổ phiếu của các ngân hàng lên mức cao kỷ lục nhiều năm, trong khi cũng diễn ra hoạt động bán khống, khi sự lạc quan này được cho là sẽ không kéo dài.

Chỉ số STOXX của các ngân hàng châu Âu tăng vượt 200 điểm trong phiên cuối tuần trước, khi lòng tin vào lợi nhuận của lĩnh vực này gia tăng, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trì hoãn việc hạ lãi suất.

Tuy nhiên, số nhà đầu tư bán ra cổ phiếu của một số ngân hàng lớn cũng nhiều hơn, khi họ không cho rằng sự phục hồi sẽ kéo dài.

Theo số liệu từ Hazeltree, công ty cung cấp phần mềm và các dịch vụ khác cho các quỹ đầu tư, số quỹ nhận định giá cổ phiếu của ngân hàng Anh NatWest Group sẽ giảm tăng gần gấp đôi trong thời gian từ ngày 2/1 đến ngày 3/5, từ 16 lên 31.

Deutsche Bank nằm trong số các ngân hàng châu Âu thu hút sự chú ý của những người đầu cơ, trong khi 21 nhà đầu tư bán khống giá cổ phiếu của ngân hàng ING niêm yết tại Amsterdam, so với 7 quỹ vào đầu năm.

Những người bán khống là các nhà đầu tư đã kiếm lời từ sự sụt giảm giá cổ phiếu. Họ vay cổ phiếu, bán ra và mua lại sau khi giá giảm, và bỏ túi khoản chênh lệch.

Sự quan tâm gia tăng đối với các ngân hàng châu Âu của các nhà đầu tư bán khống và nhà đầu tư mua vào với hy vọng kiếm lời khi giá tăng cho thấy các quan điểm ngày càng khác biệt về nền kinh tế khu vực và khả năng người tiêu dùng và các doanh nghiệp ứng phó với lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Bên cạnh đó, việc lĩnh vực ngân hàng tăng điểm mạnh hơn thị trường châu Âu nói chung, với khoảng 10% kể từ đầu năm đến nay đã làm gia tăng sự chú ý đến các chỉ số mang tính kỹ thuật của thị trường.

Các hoạt động bán khống của các quỹ đối với các cổ phiếu ngân hàng châu Âu có thể cũng là một chiến lược phòng bị trước những trở ngại của kinh tế của khu vực.

Theo báo cáo thường niên của ngân hàng, Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng UBS Sergio Ermotti đã kiếm được 14,4 triệu franc Thụy Sỹ (14,7 triệu euro/15,8 triệu USD) tiền bồi thường cho 9 tháng làm việc trong năm 2023.

Con số này nhiều hơn mức mà CEO của HSBC Noel Quinn, ngân hàng lớn nhất châu Âu, nhận được trong năm 2023, đưa ông Ermotti lên đầu danh sách CEO ngân hàng châu Âu được trả lương cao nhất. Ông Ermotti đã tái gia nhập UBS từ tháng 4/2023 để điều phối việc tiếp quản khẩn cấp ngân hàng Credit Suisse, sau khi giữ chức CEO của UBS từ tháng 11/2011 đến tháng 10/2020.

Theo hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), mức lương của ông Ermotti nhiều hơn ông Noel Quinn của HSBC (12,4 triệu euro) và chủ tịch điều hành của Santander, Ana Botin (12,24 triệu euro). Trong khi đó, UBS đã cắt giảm 14% tổng số tiền thưởng được phân bổ cho toàn ngân hàng.

Báo cáo thường niên của UBS hoan nghênh những công việc của ông Ermotti trong việc tích cực sáp nhập Credit Suisse và vẫn đạt được lợi nhuận bất chấp môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức, nho những lo ngại toàn cầu về lãi suất và tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2023, lợi nhuận ròng hàng năm của UBS vào khoảng 27,8 tỷ USD.

Theo Reuters, việc sáp nhập Credit Suisse vẫn đang diễn ra và UBS cho biết ngân hàng này vẫn đang xem xét những sai sót tiềm ẩn trong báo cáo tài chính của ngân hàng đối thủ này. Trong khi đó, CEO Ermotti dường như sẵn sàng kéo dài thời gian công tác ngay cả sau khi việc mua lại Credit Suisse hoàn tất.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher trước đó cho biết ngân hàng này sẽ tìm kiếm các cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) tại Mỹ trong những năm tới. Ông Colm Kelleher cho biết UBS muốn mở rộng mảng quản lý tài sản tại Mỹ thông qua các thương vụ M&A tiềm năng trong 3-4 năm tới.

Kế từ khi thâu tóm ngân hàng đã từng là đối thủ của mình là Credit Suisse, UBS đã đối mặt với sự chỉ trích về bảng cân đối kế toán trị giá 1.600 tỷ USD, tức gần gấp đôi nền kinh tế Thụy Sỹ, và khiến nước này phải xem lại việc quản lý các ngân hàng có vai trò quan trọng mang tính hệ thống.

Tuy vậy, các ngân hàng châu Âu đang cho lĩnh vực bất động sản vay khoảng 1.400 tỷ euro (1.500 tỷ USD), trong khi lĩnh vực này đang lao đao khi giá văn phòng giảm mạnh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, và giới đầu tư đang lo ngại về khả năng xử lý rủi ro này của các ngân hàng.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giá bất động sản thương mại giảm 10,2% trong năm 2023, theo số liệu được Hiệp hội ngân hàng VDP công bố tuần này. Mức giảm tương tự cũng được ghi nhận trên khắp Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), theo số liệu của ECB.

Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% nền kinh tế Đức, và môi trường lãi suất thấp đã "rót" hàng tỷ euro vào lĩnh vực này. Nhưng lãi suất tăng và chi phí xây dựng cao hơn đã đẩy nhiều công ty phát triển bất động sản vào cảnh vỡ nợ, khi nguồn vốn tự ngân hàng cạn kiệt, hoạt động mua bán đóng băng và giá bất động sản giảm.

Còn tại Mỹ, lãi suất tăng, những khó khăn trong việc đảo nợ và tỷ lệ văn phòng để trống cao đã tác động mạnh đến lĩnh vực bất động sản thương mại, làm dấy lên lo ngại về khả năng suy yếu trên toàn cầu. Các chuyên gia trong ngành nhận định giá bất động sản sẽ còn giảm nữa.

Với 285 tỷ euro vốn vay cho lĩnh vực bất động sản thương mại, các ngân hàng Đức chiếm khoảng 20% trong số 1.400 tỷ euro mà các ngân hàng châu Âu đang cho lĩnh vực này vay, theo số liệu của Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu (EBA). Trong số các ngân hàng Đức, Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất nước này, có lượng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản cao nhất. Trước đó trong tháng này, Deutsche Bank cho biết đang cho lĩnh vực bất động sản thương mại của Mỹ vay 17 tỷ euro tức khoảng 20% lượng dư nợ cho vay 76 tỷ euro mà các ngân hàng châu Âu cấp tại Mỹ, theo EBA.

Trong khi đó, đề nghị sáp nhập với Banco Sabadell SA của Banco Bilbao Vizcaya Argentaria, S.A. (BBVA) có thể tạo đà cho sự chuyển mình của lĩnh vực ngân hàng ở Eurozone, khi đưa BBVA vào nhóm ngân hàng có giá trị tài sản trên 1.000 tỷ USD và trở thành ngân hàng lớn thứ ba trong khu vực về giá trị thị trường.

Ngày 30/4, BBVA đã đưa ra đề nghị sáp nhập với Banco Sabadell, một diễn biến đã gây tranh luận về hoạt động sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu.

Thương vụ này sẽ đưa BBVA gia nhập nhóm ngân hàng có tổng giá trị tài sản trên 1.000 tỷ USD ở Eurozone, chỉ sau các ngân hàng lớn như BNP Paribas, Crédit Agricole, Banco Santander SA, Société Générale SA, và Deutsche Bank AG.

Thêm vào đó, thỏa thuận này sẽ đưa BBVA trở thành ngân hàng lớn thứ ba trong khu vực về giá trị vốn hóa thị trường với ước tính đạt gần 65 tỷ USD, chỉ sau BNP Paribas và Banco Santander.

Các chi tiết của thỏa thuận chưa được tiết lộ, nhưng nhà phân tích Chris Hallam của Goldman Sachs cho rằng cơ sở của thỏa thuận là tiềm năng doanh thu và khả năng cắt giảm chi phí, khi các hoạt động kinh doanh tại Tây Ban Nha của hai ngân hàng này chồng chéo nhau.

Theo số liệu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của BBVA sau khi sáp nhập có thể tăng 17%, với các khoản vay tăng 40% và các tài sản tính theo rủi ro tăng 22%.

Mặc dù triển vọng hứa hẹn, ông Hallam nêu lên những thách thức của các vụ sáp nhập giữa các ngân hàng của các nước trong khu vực, do cơ chế pháp lý ngặt nghèo và sự phức tạp của hoạt động này khiến các vụ sáp nhập quy mô lớn ít khả thi hơn.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu đã chững lại trong năm 2023, giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất là 6 năm, với quý IV/2023 là quý yếu nhất kể từ trước năm 2018.

Tuy nhiên, S&P Global nhận định hoạt động M&A của các ngân hàng ở châu Âu được cho là sẽ tăng tốc trong năm 2024, nhờ lạm phát giảm và giá trị thỏa thuận thấp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tài chính và tư vấn.

Hồi tháng 1/2024, ngân hàng Crédit Agricole SA (Pháp) đã mua 7% cổ phần của tập đoàn thanh toán Worldline SA có trụ sở tại Paris (Pháp).

Lê Minh (Theo Reuters)

https://bnews.vn/gioi-dau-tu-lai-chuyen-dong-tien-vao-cac-co-phieu-ngan-hang-chau-au/332957.html