Các nhà đầu tư đang nhắm đến tài sản ở châu Âu và thị trường mới nổi để “trú ẩn” trong thời kỳ thị trường tài chính Mỹ đối mặt bất ổn. Họ lo ngại cổ phiếu và trái phiếu chính phủ Mỹ biến động hơn nữa trong bối cảnh lạm phát dai dẳng khiến thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm nay trở nên mờ mịt.
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua tháng 4 ảm đạm, với chỉ số S&P giảm 4,2%, mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 9-2023. Ảnh: AP
Phố Wall vừa trải qua một tháng 4 ảm đạm, với chỉ số S&P 500 (theo dõi 500 công ty đại chúng có vốn hóa lớn ở Mỹ) và trái phiếu chính phủ Mỹ có mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 9-2023. Vì vậy, các quỹ quản lý tiền đang tìm cách hạn chế tổn thất vì lo ngại xu hướng giảm này không đảo ngược sớm.
Đa dạng hóa đầu tư để tránh rủi ro ở Phố Wall
Sonja Laud, Giám đốc đầu tư của Legal & General Investment Management (LGIM), nơi quản lý khoảng 1,5 nghìn tỉ đô la Mỹ, cho biết công ty bà có thể tái cơ cấu các danh mục đầu tư, vốn có hiệu suất tốt trong những năm qua nhờ các cổ phiếu có giá trị cao của Mỹ.
“Sự đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ quan trọng hơn rất nhiều trong tương lai”, bà nói đồng thời cho biết thêm LGIM hiện ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu ở châu Âu hơn cổ phiếu của Mỹ.
Amelie Derambure, nhà quản lý đa tài sản cấp cao của Amundi, công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, vẫn kỳ vọng lợi nhuận dài hạn từ chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, bà đã mua các hợp đồng quyền chọn bán đối với chứng khoán Mỹ để đề phòng mức giảm 10%. Bà cũng bán trái phiếu chính phủ Mỹ để chuyển sang đầu tư vào trái phiếu ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).
Chứng khoán Mỹ đóng góp 80% lợi nhuận tính bằng đô la của chỉ số cổ phiếu chứng khoán thế giới MSCI World Index kể từ năm 2020, theo ước tính của Pictet Asset Management. Nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI), nhóm cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ, hay còn gọi là “Bộ bảy diệu kỳ” (Magnificent Seven), gồm Aphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla, đóng góp hơn 60% tổng lợi nhuận của chỉ số S&P 500 hồi năm ngoái.
Nhưng với tình hình lạm phát dai dẳng, thị trường lo ngại Fed sẽ duy trì phí đi vay ở mức cao nhất trong 23 năm, 5,25 -5,5%, trong thời gian dài hơn dự kiến, hoặc thậm chí tăng lãi suất. Kịch bản này có nghĩa là chi phí đặt cược vào lợi nhuận dài hạn từ các khoản đầu tư AI khổng lồ của các công ty công nghệ lớn sẽ tăng lên.
Đà giảm giá mạnh của cổ phiếu Meta Platforms, chủ sở hữu của Facebook, trong tháng 4 làm nổi bật rủi ro từ việc đặt cược rằng các tập đoàn công nghệ sẽ kiếm được khoản lợi nhuận ấn tượng nhờ AI trong một môi trường mà lãi suất vẫn ở mức cao.
Cho đến gần đây, thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6. Nhưng khi dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát của Mỹ vẫn mắc kẹt ở mức cao, các nhà đầu tư chỉ kỳ vọng Fed tiến hành giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9.
Dữ liệu LSEG cho thấy, chỉ số S&P 500 vẫn đang có mức định giá cao, với chỉ số giá trên thu nhập (P/E) cao hơn gần 7 điểm phần trăm so với chỉ số P/E của chỉ số chứng khoán Stoxx 600 của châu Âu.
Các nhà đầu tư nhận thấy chỉ số Stoxx 600 đang trở nên hấp dẫn vì tập trung nhiều công ty trong các lĩnh vực giá trị như ngân hàng và năng lượng. Đây là những công ty được hưởng lợi từ tăng trưởng toàn cầu ổn định nhưng có xu hướng không bị ảnh hưởng lớn khi chi phí vay tăng.
“Chúng tôi đang tăng cường tiếp xúc với cổ phiếu ở châu Âu. Triển vọng vĩ mô chung đang hỗ trợ cho thị trường giá trị có mức định giá rẻ, có tính chu kỳ của khu vực này”, Luca Paolini, giám đốc chiến lược của Pictet Asset Management, nói.
Trong tháng 4, quỹ quản lý tài sản Carmignac ở châu Âu giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu công nghệ của Mỹ và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường quê nhà.
“Đa dạng hóa đầu tư hướng tới châu Âu hiện nay rất hợp lý. Mỗi khi Mỹ xuất hiện một làn sóng lạm phát mới, bạn sẽ chứng kiến hiệu suất tăng giá của các tài sản ở châu Âu vượt trội hơn hẳn”, Frederic Leroux, người đứng đầu bộ phận tài sản chéo của Carmignac, nhận định.
Chuyển hướng sang trái phiếu của châu Âu và thị trường mới nổi
Theo Ross Yarrow, giám đốc cấp cao của bộ phận cổ phiếu Mỹ ở ngân hàng đầu tư Baird, cho biết hầu hết nhà đầu tư toàn cầu có quan điểm bi quan với chứng khoán Mỹ vì mức định giá còn quá cao.
Dù vẫn kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất, Amelie Derambure, nhà quản lý đa tài sản cấp cao của Amundi, tăng cường mua trái phiếu của các chính phủ khu vực eurozone trong những tuần gần đây.
Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt lãi suất nhiều nhất là 35 điểm cơ bản trong năm nay. Nhưng họ mong đợi ECB giảm lãi suất đến 65 điểm cơ bản vì lạm phát của eurozone đã giảm về gần hơn mục tiêu 2%. Nhờ lạm phát của eurozone đang được kiểm soát, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến bắt đầu giảm lãi suất trong cuộc hop đầu tháng 6.
Theo các nhà chiến lược của của ngân hàng Barclays, giá trái phiếu chính phủ Mỹ có thể không phục hồi ngay cả khi Fed giảm lãi suất do nợ công của chính phủ Mỹ ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, trái phiếu của các thị trường mới nổi đang thu hút nhu cầu vì nhà đầu tư kỳ vọng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở các nước như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Sonja Laud, Giám đốc đầu tư của LGIM, lạc quan về trái phiếu của chính phủ Ấn Độ, vốn đang được nhà đầu tư nước ngoài tích cực mua.
Dữ liệu mới nhất cho thấy nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 6 tỉ nhân dân tệ (831 triệu đô la Mỹ) cổ phiếu ở Trung Quốc trong tháng 4. Họ cũng mua ròng 82,7 tỉ nhân tệ cổ phiếu ở Trung Quốc trong hai tháng trước đó. Đây là bằng chứng cho thấy các nhà quản lý quỹ toàn cầu đã trở nên lạc quan hơn về thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục mua cổ phiếu của Trung Quốc trong ngắn hạn vì mức định giá còn rẻ so với các thị trường khác.
Nhưng đa dạng hóa khỏi các tài sản của Mỹ có thể khó khăn. Chỉ số Stoxx 600 có xu hướng biến động theo chỉ số S&P 500. Có nghĩa là nếu chứng khoán Mỹ giảm mạnh thì chứng khoán ở châu Âu cũng sẽ không khá hơn. Một nghiên cứu của ngân hàng Barclays cho thấy trái phiếu chính phủ Mỹ cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thị trường nợ khác. Theo nghiên cứu, nếu lợi suất trái suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 1 điểm phần trăm, lợi suất của trái phiếu trên toàn cầu tăng trung bình 56 điểm cơ bản (0,56 điểm phần trăm).
Theo Reuters
Lê Linh
https://thesaigontimes.vn/gioi-dau-tu-tim-noi-tru-an-de-tranh-con-bien-dong-o-pho-wall/